Nhiều bậc phụ huynh bận rộn với việc nhà, việc riêng mà quên đi sự có mặt của con. Không dành thời gian cho con cũng là một nguyên nhân khiến bé trở nên hung hăng bởi khi bé đánh bạn, đánh người khác, bố mẹ buộc lòng phải chú ý đến bé.
Đau đầu vì con đánh bạn, cấu em
Đang ngồi làm việc, chị Thanh Huyền (Tây Hồ, Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ cô giáo bé Min. Lục đục tới trường thì chị tá hỏa khi biết hai hôm nay con toàn đánh bạn cùng lớp chỉ vì mâu thuẫn rất nhỏ là: “Tại bạn í lườm con”.
Min lên 7 tuổi, bé khá hiền lành và nghe lời nhưng đúng là dạo này không hiểu sao tính khí của bé có vẻ khó chịu nhất là sau khi chị sinh em bé. Chị nhớ lại, ở nhà, bé cũng hay đẩy rồi có lúc cấu véo em bé thâm tím hết mặt mày. Ban đầu tưởng muỗi đốt hóa ra mấy lần chị “bắt quả tang” chính tay Min cấu em.
Nói nhẹ con không nghe, mấy lần anh Thắng – chồng chị đành “đánh để cho Min biết”, tưởng con tiến bộ, được mấy hôm ở nhà ngoan, hóa ra tới trường bé vẫn hung hăng thế này.
Về nhà, chị mách chuyện với chồng, anh xông ra định đánh con thì bé khóc to: “Bố đánh con được sao lại cấm con đánh bạn cơ chứ?”. Tìm hiểu nguyên nhân hóa ra Min ghen với em bé vì bị cho “ra rìa”. Rồi “cục tức” cứ ngày một lớn khiến bé “nhìn đâu cũng thấy khó chịu”.
Chị Hồng Yến (Quận 7, TPHCM) cũng bực mình khi Misu (5 tuổi) cũng thích đánh, cấu, giật tóc mẹ. Nhiều lần mắng con không ăn thua, chị tét mạnh vào tay con, tưởng con khóc là đã biết sợ rồi ai dè một lúc sau nếu nằng nặc đòi gì mà mẹ không đáp ứng thì bé lại ra “gây sự” ngay với mẹ.
Không những thế, cứ khi nào ông bà bế, bé đòi đi chơi mà không được thì thể nào bé cũng “cấu này, cấu này”, mà Misu cấu rất đau. Chị lo lắng vì chẳng biết phải làm gì với tính xấu này của con.
Chị Huyền Trang (Hàng Trống, Hà Nội) cũng đau đầu vô cùng khi vô tình “tiếp tay” cho tính này của con.
Chả là, trước đây khi 3 tuổi, Bin cứ gặp bạn khác dù lớn hơn nhưng cu cậu cũng tỏ ra rất đầu gấu “chí bạn liên hồi”. Anh chị còn tủm tỉm: “Ghê chưa, ghê gớm hơn cả bố mẹ nhé”.
Thế là những lần bé “chí” bạn bè, cấu véo cả bố mẹ, anh chị cũng chỉ nghĩ đây là “chuyện trẻ con, cá tính là thế”. Vì vậy, khi vào mẫu giáo, bé liên tục đánh bạn bé, tuần nào chị cũng phải đến gặp cô giáo của bé vì sự ngỗ ngược này.
Giúp con giải tỏa những khúc mắc
Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hà (Chuyên viên tư vấn tâm lý trẻ em ở đường dây nóng 1088) cho biết, trước hết cha mẹ cần phải thật bình tĩnh để tìm hiểu nguyên nhân nảy sinh tật xấu này của bé: Gia đình không hạnh phúc, học bố mẹ, xem chương trình tivi không hợp lứa tuổi, muốn gây sự chú ý của cha mẹ, khủng hoảng gia đình, mẹ có em bé… Khi tìm hiểu được nguyên nhân, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc tháo gỡ, giúp bé giải tỏa nỗi ấm ức, bực dọc trong người.
Bắt đầu tìm nguyên nhân từ chính mình, hãy xem lại cách ứng xử của mình với bé, của mình với những người xung quanh, rất có thể bé đang học tập chính bạn.
Nhiều bậc phụ huynh bận rộn với việc nhà, việc riêng mà quên đi sự có mặt của con. Không dành thời gian cho con cũng là một nguyên nhân khiến bé trở nên hung hăng bởi khi bé đánh bạn, đánh người khác, bố mẹ buộc lòng phải chú ý đến bé.
Mỗi lần bé đánh bạn, đánh người xung quanh, bạn cần phải nghiêm túc nhắc nhở con, mọi trường hợp cười đùa là hoàn toàn sai lầm, càng khiến bé nghĩ rằng bố mẹ đang hưởng ứng mình.
Bạn cần phân tích ngắn gọn, dễ hiểu để bé hiểu được rằng bất cứ hành động làm đau người khác đều không được chấp nhận.
Cha mẹ nên thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm đến bé nhiều hơn vì lúc này. Điều này không có nghĩa là cha mẹ “thua” bé, sẽ đáp ứng mọi yêu cầu của bé, mà sự ôm ấp, vỗ về này sẽ giúp bé ý thức được sự yêu thương, sự che chở và cùng con đối diện với cơn cáu giận.