Độ tuổi sinh nở có phải là vấn đề thực sự quan trọng với sức khỏe của sản phụ và thai nhi không? Hay việc chỉ cần người phụ nữ cảm thấy đã sẵn sàng để làm mẹ thì mới sinh con? Độ tuổi nào làm mẹ là tốt nhất cho cả mẹ và thai nhi?
33 tuổi, Thanh Thủy mới lập gia đình. Tuy rất vui mừng nhưng cô không che giấu sự lo lắng về vấn đề sinh nở của mình. Sau khi cưới được 6 tháng, vợ chồng cô vẫn chưa có “ tin vui” nên cô quyết định tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám.
Sau khi làm một số xét nghiệm về sản phụ khoa, cô được kết luận là có trục trặc ở cổ tử cung. Thủy nói: “Lúc đó, mình đã khóc nức nở nhưng chị bác sĩ động viên mình rằng, khi đã ngoài 30 tuổi, việc mang thai sẽ không thuận lợi như bình thường, vấn đề của mình cũng không phải quá nghiêm trọng. Nghe xong mình đã thấy an tâm và thoải mái hơn. 2 tuần sau, trước khi nhận được các kết quả xét nghiệm lần hai thì mình đã có bầu”.
Qua trường hợp của Thanh Thủy, đã có nhiều ý kiến khác nhau về độ tuổi mang thai thích hợp của phụ nữ. Người thì cho rằng, “con gái có thì” cứ ngoài 20 tuổi là nên sinh nở vì họ còn trẻ, có sức khỏe, dễ dàng có con. Nhưng lại có ý kiến nói khi người phụ nữ thực sự trưởng thành, ổn định về mặt kinh tế tức là vào độ tuổi 30, thậm chí 40 hãy nên sinh.
Vậy độ tuổi sinh nở có phải là vấn đề thực sự quan trọng với sức khỏe của sản phụ và thai nhi không? Hay việc chỉ cần người phụ nữ cảm thấy đã sẵn sàng để làm mẹ thì mới sinh con?
1. Sinh nở trong độ tuổi 20 : Bà mẹ trẻ
Đây là độ tuổi sinh nở phổ biến. Trước đây nhiều năm, độ tuổi bình quân khi người phụ nữ khi sinh con đầu lòng là 21, hiện nay là 25.
Trong độ tuổi này, chất lượng trứng rất tốt, người phụ nữ có thể thụ thai dễ dàng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh, giảm tỷ lệ sảy thai và các biến chứng thai sản.
Người ta đã thống kê những bà mẹ sinh con đầu lòng ở tuổi 25, khả năng thai nhi bị hội chứng Down là khoảng 1/ 1.250.
Phương Mai, 24 tuổi, đang mang thai tháng thứ bảy cho biết: “Mình thấy sinh con đầu lòng vào thời điểm này rất phù hợp. Khi mình ngoài 30 tuổi, mình sẽ sinh đứa thứ 2, 3 chứ mình không muốn khoảng cách sinh quá gần”. Mai cũng cho biết thời gian này tuy có mệt mỏi hơn trước nhưng cuộc sống của cô không có nhiều sự thay đổi ngoài việc đi ngủ sớm hơn mà thôi.
Nhiều chuyên gia sản khoa cũng cho rằng, khi làm mẹ ở độ tuổi 20 sức khỏe sau khi sinh của người phụ nữ sẽ nhanh chóng phục hồi hơn khi bạn đã nhiều tuổi.
Một nghiên cứu gần đây cho biết, 80% phụ nữ ở độ tuổi 20 sẽ dễ dàng sinh thường, so với 40% phụ nữ trong độ tuổi 30 và 43% ở độ tuổi 40. Sinh nở qua âm đạo (sinh thường) là hình thức sinh phổ biến ở phụ nữ trẻ tuổi vì các hệ cơ của họ vẫn rất săn chắc. Khả năng rặn đẻ của họ cũng tốt hơn.
Các mẹ bầu trẻ cũng có sức khỏe để vượt qua những khó khăn trong suốt 9 tháng mang vất vả cũng như thời gian chăm sóc em bé sau này.
* Hạn chế
- Trước khi làm vợ và làm mẹ, họ vẫn là những cô gái trẻ nên chưa có kinh nghiệm sinh nở, chăm sóc em bé.
- Chưa có khả năng tích lũy tài chính.
- Chưa sẵn sàng chuẩn bị tâm lý để làm mẹ.
2. Làm mẹ trong độ tuổi 30
Khi mang thai trong những năm đầu của độ tuổi 30, đây vẫn là một thời điểm tốt.
Hồng Nhung, 32 tuổi ( TPHCM) đã lên kế hoạch mang thai lần đầu tiên khi bước sang tuổi 30 vì cô muốn xây dựng sự nghiệp của mình trước tiên.
Hai vợ chồng cô đã kết hôn được gần 3 năm nhưng công việc cô yêu thích lại chiếm quá nhiều thời gian với những chuyến công tác triền miên. Mặc dù chồng cô luôn chờ đợi được lên chức bố nhưng tới giờ họ mới bắt đầu kế hoạch có con.
Thực tế cho thấy, việc sinh nở trong giai đoạn từ 30 – 34 tuổi gần giống khi bạn sinh nở ở độ tuổi 20. Sức khỏe sinh sản của người phụ nữ trong giai đoạn này vẫn ổn định nên có thể hạn chế những rủi ro các khuyết tật di truyền ở mức thấp.
Vi Lan (Quảng Ngãi) vì bận mải mê để lấy thêm tấm bằng cao học nên đến năm 35 tuổi cô mới có bầu. Và không may là ngay lần đầu mang thai cô đã sẩy thai khi em bé mới được 8 tuần tuổi.
Khi bạn quyết định sinh nở ở lứa tuổi 35 – 39, tỷ lệ sẩy thai lên đến 20% do chất lượng trứng đã giảm.
Tuy nhiên, một năm sau Lan cũng có bầu trở lại và sinh nở an toàn. Cô mỉm cười hạnh phúc: “Lúc này, em thấy mình thật sự rất may mắn. Khi làm mẹ vào lúc này, em thấy mình tự tin vì có khả năng đem lại mọi thứ tốt nhất cho con”.
Khi ngoài 35 tuổi bạn mới quyết định sinh nở thì thai kỳ cần được theo dõi chặt chẽ hơn. Nguyên nhân là trong độ tuổi này thai nhi sẽ tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh.
Theo thống kê, khi bà mẹ ở tuổi 35 sinh nở , tỷ lệ thai nhi bị hội chứng Down là 1/ 400. Lúc này mẹ bầu cần thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước sinh như: lấy mẫu lông nhung màng đệm (CVS), đo độ mờ gáy, chọc màng ối để kiểm tra xem thai nhi có các nhiễm sắc thể bất thường hay không.
Nhưng các mẹ cũng không nên lo lắng thái quá vì có khoảng 95% phụ nữ đã trải qua các xét nghiệm tiền sản đều cho kết quả an toàn. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, khi mang thai ngoài 35 tuổi, các bà mẹ nên tiến hành các xét nghiệm đầy đủ.
3. Sinh nở trong độ tuổi 40: Bà mẹ chín chắn
Các chuyên gia về sản khoa cho rằng khi sinh nở ở tuổi 40, bạn sẽ vô cùng mệt mỏi. Chị Thu Huyền, đã sinh đôi hai bé gái khi 42 tuổi nhớ lại: “Hồi đó, cứ đúng 3 giờ chiều là mắt chị lại buồn ngủ díp lại, trong khi vẫn đang giờ làm việc. Lúc nào mình cũng thèm ngủ vô cùng”. Tuy nhiên, chị Huyền đã rất hạnh phúc khi đã lớn tuổi nhưng vẫn thể sinh nở sau nhiều năm mong có con.
Có một lợi thế khi mang thai ở độ tuổi này là người phụ nữ sẽ ít bị ốm nghén. Nguyên nhân do nhau thai nhỏ hơn và sản xuất ít kích thích tố, bao gồm cả HCG (human chorionic gonadotropin), một trong những nguyên nhân gây buồn nôn ở bà bầu.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là việc gia tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh khi làm mẹ ở tuổi 40. Chất lượng trứng bị giảm sút và có nhiều khả năng các nhiễm sắc thể của phôi thai sắp xếp không đúng cách. Cụ thể, thai nhi có hội chứng Down thường có thêm một nhiễm sắc thể 47 thay vì bình thường 46.
Khi sinh nở ở độ tuổi này, nguy cơ trẻ bị hội chứng Down là 1 trên 100. Tỷ lệ sẩy thai cũng chiếm hơn 50% ở tuổi 42. Tỷ lệ trẻ sinh bị nhau tiền đạo cũng rất lớn. Điều này lý giải nguyên do, các bà mẹ lớn tuổi thường mổ đẻ lấy thai thay vì việc sinh thường.
Ngoài ra, các bác sĩ sẽ yêu cầu bạn kiểm tra các bệnh mãn tính. Có hơn 60% phụ nữ mang thai lần đầu ở độ tuổi 40 bị cao huyếp áp, có nguy cơ bị bệnh tiểu đường cao gấp 4 lần so với ở độ tuổi 20.
Điều an ủi cho các mẹ bầu lớn tuổi đó là lúc này bạn đã có một nguồn tài chính vững vàng, dày dặn kinh nghiệm sống để chăm lo cho em bé.