Xu thế chung hiện nay, nhiều gia đình có sẵn tủ thuốc trong nhà. Khi thấy con có những biểu hiện bệnh, bố mẹ thường tự ý lấy thuốc cho con uống. Vì thế, rất nhiều ‘tai nạn’ thương tâm đã xảy ra với trẻ do sự thiếu hiểu biết của cha mẹ.
“Hệ hô hấp của Nhím nhạy cảm nên khi thời tiết thay đổi bé hắt hơi, sổ mũi, kèm theo ho húng hắng. Để trị bệnh cho bé, mình mua thuốc hạ nhiệt, giảm đau về cho bé uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 viên. Sau 2 ngày, thấy bện tình của con không thuyên giảm, mình tăng thêm 1 viên cho mỗi lần uống. Đến ngày thứ 3, bé có những biểu hiện nặng hơn như mệt mỏi, chán ăn, kèm theo nôn trớ. Gia đình mình tá hỏa đưa con đến bệnh viện thì mới hay bé bị ngộ độc thuốc. Hú hồn! Suýt chút nữa thì hại con….”, tâm sự của chị Đặng Nguyễn Huyền.
1. Cho bé uống thuốc nhưng không hiểu rõ thành phần có trong thuốc
Do không hiểu rõ về thành phần có trong thuốc nên nhiều phụ huynh mắc lỗi cho con uống nhiều loại thuốc khác nhau nhưng có cùng tác dụng, dẫn đến việc trẻ bị ngộ độc thuốc ngày càng có xu hướng tăng lên.
Ví dụ, hoạt chất paracetamol có trong rất nhiều nhãn hiệu thuốc. Nhưng có mẹ vừa cho con uống thuốc hạ sốt efferalgan, lại uống thêm Decolgen để chữa sổ mũi trong khi loại thuốc này cũng chứa paracetamol. Hay khi chưa được 4 tiếng con đã sốt lại, nhiều người vẫn vô tư dùng, vì nghĩ cứ sốt là uống mà không lường hết nguy cơ của việc lạm dụng thuốc, khiến trẻ bị ngộ độc paracetamol.
Bởi vậy, bác sĩ khuyến cáo, cần thận trọng khi cho trẻ dùng paracetamol để hạ sốt. Nếu trẻ sốt cao, từ 38,5 độ C trở lên có thể dùng paracetamol nhưng không được dùng quá 15mg/kg cân nặng/lần và chỉ dùng tối đa 4 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 4 tiếng.
2. Bất kể loại thuốc nào cũng trộn lẫn vào sữa, nước hoa quả… cho bé uống
Nhiều loại thuốc không thể trộn lẫn được với các chất lỏng và các loại đồ ăn khác vì có thể làm giảm tác dụng của thuốc. Nếu buộc phải hòa tan thuốc vào nước trái cây, sữa… nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho bé uống. Tốt nhất, hãy thử cho bé tự uống thuốc “nguyên bản” trước đã. Nếu bé không chịu uống, cha mẹ mới cần hòa thêm một ít sữa, nước lọc, nước hoa quả… (nhớ chỉ một ít) để bé uống chung với thuốc. Tuy nhiên, cách này không được khuyến khích.
3. Pha thuốc không theo hướng dẫn
Tại các bệnh viện, không ít trường hợp trẻ bị ngộ độc nguy kịch do sự ‘sáng tạo’ khi pha thuốc cho trẻ uống của cha mẹ/người thân. Trong đó, điển hình nhất là việc trẻ gặp nguy sau khi uống dung dịch oresol khi tiêu chảy cấp.
“Mùi lạ con không chịu uống” hay “Con nhất định không chịu uống gì ngoài nước sôi để nguội, pha ra cốc to để lạnh bé khó uống nên chỉ pha ít một”… là những biện minh của các bà mẹ với bác sĩ khi đưa con đi cấp cứu vì ngộ độc oresol.
Khi uống oresol với nồng độ quá đặc sẽ khiến hàm lượng muối trong máu tăng lên, gây tình trạng ưu trương (quá nhiều muối trong máu), áp lực thẩm thấu trong máu cao hơn bình thường. Điều nguy hiểm nhất, tế bào não trẻ bị tổn thương nên teo tóp lại, khiến trẻ bị co giật, sốt cao, vật vã, kích thích, hôn mê. Nếu không biết để cấp cứu kịp thời, trẻ rất dễ bị tử vong.
4. Cho bé uống thuốc Bắc và thuốc Tây cùng thời điểm
Khi con bị ốm, nhiều mẹ quýnh quáng ‘có bệnh vái tứ phương’ nên ai mách gì cũng nghe. Bởi thế, không ít trường hợp trẻ bị cảm mạo, ho hắng… được điều trị theo phương pháp Đông – Tây y kết hợp.
Sự thật, một số loại thuốc bắc sẽ không phát huy hết khả năng nếu bị kết hợp với các loại thuốc tây y trong cùng một thời gian. Ngoài ra, thuốc bắc và thuốc tây y có thể cùng phản ứng với nhau và gây ra sự phản tác dụng.
Ngoài ra, nhiều cha mẹ còn mắc những sai lầm đáng tiếc khác khi sử dụng thuốc cho bé như: tự ý tăng liều lượng, vô tình cho bé uống thuốc quá hạn sử dụng, pha thuốc chung với sữa hoặc thức ăn, đề nghị bác sĩ kê thêm thuốc bổ. Những việc này là hoàn toàn không nên.