Dù là con trai, được cưng chiều, sống trong chăn êm đệm ấm, Bi ít nói, hay ngượng ngùng, yếu đuối. Có lúc chị Hải – hàng xóm ngay cạnh nhà than phiền rằng: “Bi lớn thế mà chẳng bao giờ chào hỏi ai, có lần tôi hỏi thì cháu chẳng thèm nói cứ lừ lừ đi thẳng”… Nói chưa dứt lời thì anh Phước nhảy chồm chồm lên mắng rằng: “Cháu nó đi học tối ngày, đến bố mẹ nó còn chẳng có thời gian để chào nữa là cô”.
“Con luôn đúng, lúc nào cũng đúng!”
Bé Bi (11 tuổi) sinh ra trong một gia đình rất khá giả. Ngay từ nhỏ, bé đã được bố mẹ rất cưng chiều, đặc biệt là bố của bé – anh Phước (Định Công, Hà Nội).
Dù đã 11 tuổi, trường cấp 2 gần ngay nhà nhưng ngày thường cũng như ngày giá rét, anh chị vẫn bắt ông bà nội đi xe buýt từ Hàng Khoai lên chỉ để đưa và đón cháu tới trường.
Thấy vậy, từ họ hàng tới làng xóm đều ý kiến rằng: “Cu cậu lớn rồi, cho tự lập đi là vừa chứ?” thì anh chị khó chịu ra mặt: “Ông bà già rồi, ở nhà chán chết, đi đón cháu là niềm vui, kể cả mưa” rồi “11 tuổi thì tự lập với ai? 30 chưa muộn”.
Dù là con trai, được cưng chiều, sống trong chăn êm đệm ấm, Bi ít nói, hay ngượng ngùng, yếu đuối. Có lúc chị Hải – hàng xóm ngay cạnh nhà than phiền rằng: “Bi lớn thế mà chẳng bao giờ chào hỏi ai, có lần tôi hỏi thì cháu chẳng thèm nói cứ lừ lừ đi thẳng”… Nói chưa dứt lời thì anh Phước nhảy chồm chồm lên mắng rằng: “Cháu nó đi học tối ngày, đến bố mẹ nó còn chẳng có thời gian để chào nữa là cô”.
Chị Hải phân bua: “À ừ, thì tôi thấy sao nói vậy, chứ không có ý gì”. Anh Phước chốt hạ luôn: “Cô rảnh thì về dạy con chứ đừng mất công nhìn ngó, nhận xét nhà người khác”. Thái độ khó chịu của anh cộng với âm lượng giọng nói sang sảng khiến chị Hải khiếp vía chạy thẳng về nhà.
Bé Bòn Bon (6 tuổi) cũng được bố mẹ rất cưng chiều nhưng chính vì cái sự bênh vực thái quá mà làm hại con.
Vì nhà cũng khá giả, anh chị Huế – Hòa (Cổ Nhuế, Hà Nội) đều làm ở công ty nước ngoài, lương cao chót vót thế nên trước mọi đòi hỏi của con gái rượu, anh chị hết lòng dốc tiền của ra mua để đáp ứng nhu cầu của con. Một lần đang đón con thì chị Lâm – một phụ huynh khác ra nói chuyện với chị rằng, “hình như bé Bòn Bon lấy nhầm cục tẩy hình con ếch của con mình…”, chưa nói dứt câu, chị Huế trợn mắt, tóc tai dựng ngược lên sửng cồ: “Cô nhìn lại mặt mẹ con nhà cô đi, nước cống đòi sóng sánh với đại dương, xe đạp còn lanh chanh với Lờ sút. Có con chị lấy đồ của con tôi ấy”.
Trước lý lẽ bất hợp tác của chị Huế, hai mẹ con chị Lâm vội vã quay xe đi thẳng. Có mấy phụ huynh cũng đứng ngay gần đó, phân tích nhẹ nhàng nhưng chị Huế nằng nặc khẳng định con chị luôn đúng, luôn ngoan và chẳng bao giờ có thói xấu này.
Thấy mình đúng là “vua chúa trong nhà”, bé Bòn Bon 6 tuổi càng sa đà vào “nhặt nhạnh” đồ của bạn bè bởi với đầu óc non nớt của bé, việc này chẳng có gì sai trái.
1 tuần sau, cô chủ nhiệm gọi điện mời chị Huế tới làm việc khi phát hiện ra bé nhiều lần lấy đồ của bạn. Cô giáo nói tới đầu, chị giãy nảy như đỉa phải vôi tới đó.
Dung túng con sai là sai lầm
Chuyên gia tâm lý Hồng Hà nhận định, việc cha mẹ đồng tình, bênh vực con một cách mù quáng là một điều vô cùng tai hại. Điều này sẽ khiến con không nhận ra sai lần và sai tiếp nối sai.
Yêu thương con là tốt nhưng bậc phụ huynh nên nhớ rằng không thể sống với con cả đời để bênh con, thay vì bênh con quá đà cha mẹ nên sáng suốt, khách quan, công bằng và giúp con dũng cảm nhận lỗi và sửa khuyết điểm.
Bênh con chằm chặp cũng xảy ra ở nhà chị Liên (Quận 7, TP HCM), con vừa đi học về, chị xót xa khi nhìn thấy mặt con có vết cào. Chị hét ầm lên: “Làm sao con ra nông nỗi này, đứa nào làm, nói mau”. Bé Kít lí nhí: “Tại bạn Linh ạ”.
“Linh là con nào”, rồi chị quay sang mắng chồng: “Anh đón con về, nhìn nó như thế này mà anh không vào lớp hỏi đầu cua tai nheo là thế nào? Đồ vô tâm”.
Sáng hôm sau, chị xông thẳng đến trường đòi làm rõ trắng đen với “bạn Linh”. Trước mặt nhà trường, trước mặt bố mẹ cô bé kia, chị còn nói: “Lần sau Kít mà bị ai cào thì tát luôn vào mặt nó, nghe chưa?”
Thực ra, chị Liên đúng là giận quá mất khôn, chị chẳng cho ai nói câu nào. Nguyên nhân cũng là do “chuyện trẻ con”, hai đứa trẻ ngồi giao ước không ai được lấn sang chỗ của ai, Kít bị cào nhưng bản thân Linh cũng bị Kít cấu rất đau khi lỡ “xâm phạm.
Thế là, khi thấy mẹ nhận định “mình là đúng”, Kít liên tục xô ngã bạn bè, cấu véo ông bà, cha mẹ và cu cậu khoái chí vô cùng với “trò chơi mới”. Khi chị nhận ra con mình đang hư, mắng con thì Kít “quạc” lại: “Mẹ khuyến khích con còn gì?”
Chuyên gia tâm lý Hồng Hà khẳng định rằng tình thương đôi khi vô tình biến thành hành động dung túng cho thói xấu của con cái. Bậc phụ huynh nên lưu ý, nếu tình yêu thương đặt nhầm chỗ sẽ gây ra những điều vô cùng tai hại đặc biệt là cho tương lai, sự phát triển của con.