Đây là lần đầu tiên, BV Nhi đồng 1 đã áp dụng phương pháp mới là thay huyết tương để cứu sống trẻ bị sốc sốt xuất huyết (SXH) suy đa tạng, đặc biệt là suy gan nặng.
70% là chết
Anh Huỳnh Thanh Vũ, cha của bệnh nhi Huỳnh Thị Tường Vy (10 tuổi, Đồng Tháp) kể, hơn một tháng trước, bé Vy bị sốt gia đình đưa đi một bác sĩ tư gần đó khám và tiêm thuốc. Đến ngày thứ ba Vy vẫn còn sốt, nên gia đình tiếp tục đưa em đi bác sĩ tư nhưng vị bác sĩ này không có nhà nên họ đưa em thẳng đến BV Hữu Nghị – Cao Lãnh. Các kết quả xét nghiệm tại đây nhận định bé đang bị SXH rất nặng, BV báo cho gia đình rằng nếu ở lại điều trị thì “5-5” – tức chỉ 50% hy vọng sống, còn chuyển lên tuyến trên, khả năng chết trên đường đi đến 70%. Nghĩ còn nước còn tát, anh Vũ bèn ký cam kết tự đi và thuê xe cấp cứu BV chuyển con đi.
BS CKII Nguyễn Bạch Huệ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, BV Nhi đồng 1, cho biết bệnh nhi Vy nhập viện với chẩn đoán bị sốc SXH nặng, bị suy đa cơ quan như phổi, gan, não, rối loạn đông máu và sốc kéo dài trên nhiều giờ không hồi phục mặc dù đã điều trị theo phác đồ. Bệnh nhi suy hô hấp được giúp thở bằng máy, trụy tim mạch kéo dài, phải được truyền dịch với lượng trên 10 ml/kg cân nặng và truyền kéo dài trên 50 giờ mới giữ được mạch và huyết áp bệnh nhân ở mức bình thường.
Sang đến cuối ngày thứ sáu và ngày thứ bảy, bệnh nhi hết sốc nhưng vẫn suy hô hấp và hôn mê sâu. Do có tổn thương nhiều cơ quan nên các bác sĩ đã lọc máu liên tục để lấy những chất độc ra khỏi cơ thể bệnh nhi. Tuy nhiên, lọc máu cũng không loại được hết chất độc, bệnh nhân vẫn suy hô hấp, hôn mê sâu do bị suy gan nặng, ammoniac máu (NH3) tăng cao 203 mmol/lít, trong khi ngưỡng cho phép là không quá 50 mmol/lít, kèm xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, chảy máu mũi miệng liên tục.
Lọc máu, thay huyết tương, loại độc tố
Theo BS Huệ, các bệnh nhi SXH suy gan nặng nếu điều trị không giảm được ammoniac máu thì sẽ rơi vào hôn mê gan và tử vong trong bệnh cảnh hôn mê sâu, suy hô hấp, trụy tim mạch. Tuy nhiên, muốn lọc gan cũng không đơn giản vì phải có máy chuyên dụng để lọc (MARS), hơn nữa chi phí cho một lần lọc gan khá đắt (trung bình 100 triệu đồng/một lần lọc) mà đôi khi phải lọc rất nhiều lần.
“Chúng tôi đã quyết định thay huyết tương để cứu sống bé. Đây là một phương pháp mà các tài liệu y học chuyên ngành đã đề cập đến khi gặp những bệnh cảnh như thế này. Đó là dùng một bộ dụng cụ lọc đặc biệt có màng lọc lớn lấy bớt những chất độc trong huyết tương còn lại mà quá trình lọc máu liên tục không lấy hết được, đồng thời thay thế huyết tương sạch vào. Trong vòng nửa tháng, chúng tôi tiến hành 12 lần thay huyết tương xen kẽ 12 lần lọc máu liên tục thì bệnh nhi mới bắt đầu hồi phục” – BS Huệ nói. Cũng theo BS Huệ, sau mỗi lần thay huyết tương thì phải đánh giá lại chức năng gan (đặc biệt là bilirubin và ammoniac máu), nếu các chỉ số này lại tăng lên nhanh chóng thì phải tiến hành thay huyết tương và lọc máu lại ngay.
“Suy gan – hôn mê gan do SXH là bệnh lý cấp tính, trong giai đoạn nặng nếu được điều trị hỗ trợ tích cực thì bệnh nhân có thể hồi phục và không bị di chứng. Sắp tới BV sẽ triển khai phương pháp này trên những bệnh nhi suy gan cấp có khả năng hồi phục như SXH suy gan nặng – hôn mê gan, hy vọng sẽ cứu thêm được một số trẻ SXH nặng suy đa cơ quan, bởi đây là phương pháp khả thi có thể thực hiện được ở tất cả bệnh viện hiện có trang bị máy lọc máu liên tục.
Con tôi được hồi sinh
Khi đến BV Nhi đồng 1, con tôi đã rơi vào trạng thái hôn mê, tay chân không nhúc nhích nữa. Bác sĩ cho biết chỉ còn 1/3 cơ hội sống nhưng họ khẳng định hết sức để cứu bé. Gia đình chỉ biết nói lời cảm ơn sâu sắc đến các y bác sĩ, họ đã cứu con tôi sống lại!
Anh HUỲNH THANH VŨ, cha của bệnh nhi Huỳnh Thị Tường Vy