Con một thường được cha mẹ dồn hết tình yêu thương, tâm huyết để chăm sóc, cưng chiều. Chính vì thế mà nhiều người cho rằng, khi chỉ có một mình thì trẻ dễ bị hư hỏng. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cách giáo dục của cha mẹ và môi trường sống của trẻ. Vậy bố mẹ phải làm sao?
Những nhìn nhận về con một đã “lỗi thời”
Có thể do vấn đề về kinh tế, do khả năng sinh sản, do cách sống, hay đơn giản chỉ vì các ông bố bà mẹ chỉ muốn có một con để có thể nuôi dạy tốt nhất. Từ đó xuất hiện rất nhiều quan niệm sai lầm về những đứa trẻ này.
Con một thường ít hòa đồng
Nhiều người cho rằng vì trẻ con một không có anh chị em và thường xuyên ở bên người lớn trước khi đến tuổi đi học nên không biết cách giao tiếp và hòa đồng với những trẻ khác. Đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Dù là con một thì trẻ cũng sống trong môi trường gia đình với các sinh hoạt thường nhật. Hơn nữa, trẻ chơi đùa cùng người thân và bạn bè cùng trang lứa mỗi ngày nên dĩ nhiên cũng dần hình thành sự tương tác xã hội.
Con một rất dễ hư hỏng
Nếu nói một đứa trẻ được bố mẹ sắm cho nhiều thứ là hư hỏng thì thật vô lý. Bởi đồ chơi đẹp thì nhiều trẻ khác cũng có vậy. Hơn nữa chính các bậc cha mẹ cũng muốn mua cho con mình những gì con thích. Chẳng hạn như, khi bé đến độ tuổi gửi trẻ, cha mẹ thường mua rất nhiều đồ chơi – những món đồ mà bạn bè con có, dù biết như vậy là tốn kém và phung phí. Vậy thì điều cần xem lại chính là việc các bậc phụ huynh đã thương chiều con quá mức.
Con một thường rất chín chắn và già dặn
Một đứa trẻ có thể tỏ ra chín chắn và có trách nhiệm hơn so với bạn bè cùng trang lứa, nhưng không phải chỉ vì nó là con một. Và nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy nhiều đứa trẻ con một vẫn rất ngây thơ và hồn nhiên, trong khi những trẻ khác lại khá già dặn.
Con một hay đòi hỏi
Là một ông bố bà mẹ, chúng ta có trách nhiệm trong việc nuôi dạy con. Vì vậy, khi trẻ đòi hỏi thì việc đáp ứng yêu cầu đó hay không là vấn đề của cha mẹ. Bạn có thể dạy con cách tôn trọng người khác và biết hỏi xin phép một cách lịch sự. Cho nên, đừng bao giờ nói rằng những đứa trẻ con một thường đòi hỏi mọi thứ.
Dạy con một: Không khó!
Con một thường được cha mẹ dồn hết tình yêu thương, tâm huyết để chăm sóc, cưng chiều. Nhiều người cho rằng, khi chỉ có một mình thì trẻ dễ bị hư hỏng. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cách giáo dục của cha mẹ và môi trường sống của trẻ. Vậy bố mẹ phải làm sao?
Không sống thay cho bé
Do bé là con một nên bạn tự nguyện hy sinh mọi thứ chỉ để đáp ưng tất thảy nhu cầu của bé. Tốt nhất là cần hướng dẫn bé nhà bạn như một giáo viên, chứ không phải sống thay cho bé. Để bé tự làm mọi việc giúp bé phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và ngày càng độc lập hơn. Về lâu dài, khi bé mắc lỗi thì bé cũng tự biết cách khắc phục tình hình mà không dựa dẫm ở cha mẹ.
Từ chối những đòi hỏi không hợp lý
Điều này vô cùng quan trọng. Do chỉ có một con nên cha mẹ thường thấy khó khăn khi từ chối bé. Khi được đáp ứng mọi thứ, bé sẽ càng ích kỷ và thích đòi hỏi nhiều hơn. Bằng cách nói “không” hợp lý, chính là bạn đã dạy cho bé những quy tắc tốt trong cuộc sống.
Đừng “đề cao” con
Là đứa trẻ duy nhất trong gia đình, con một thường quen với cách cư xử của người lớn, vì vậy chúng nghĩ rằng mình già dặn hơn so với các bạn khác. Ngoài ra, việc dồn hết quan tâm và yêu thương của cha mẹ vào một đứa trẻ sẽ khiến nó luôn cảm thấy mình là “trung tâm của vũ trụ”. Điều này có thể ảnh hướng không tốt đến mối quan hệ của trẻ với các bạn khác. Bên cạnh đó, sự quan tâm quá mức của bạn sẽ khiến trẻ trở nên yếu ớt và thiếu tin tưởng ở bản thân, đồng thời, nó cản trở tính năng động và khả năng sáng tạo của trẻ.
Đừng để bé cô đơn
Do không có anh chị em ruột thịt nên bé có thể thấy cô đơn. Và để thấy bớt trống trải, bé có thể kết bạn với những đồ vật như búp bê hay thú nhồi bông. Việc này không có gì xấu nhưng thú nhồi bông sao bằng những người bạn thật sự của bé? Hãy để bé của bạn hòa nhập xã hội bằng cách đi chơi công viên – nơi bé có thể tương tác với những bé khác; tham gia các lớp học dành cho độ tuổi của bé…
Đừng biến con thành người ích kỷ
Bé con một thường coi mình là trung tâm. Do vậy, những bé này rất khó khăn để học cách chia sẻ, hợp tác hay nhượng bộ. Bé con một thích áp đặt suy nghĩ, cảm xúc của mình vào người khác, thậm chí thích ngắt lời người khác, nếu cần. Là cha mẹ, điều quan trọng là bạn dạy bé cách chia sẻ, chấp nhận thất bại và kỷ luật bé nếu cần thiết. Cần để bé thấy rằng, bé phải chịu hình phạt với những hành vi không được phép.