Hỏi: Chào bác sĩ!
Con gái của tôi năm nay 7 tuổi. Khoảng chừng 3 tháng gần đây cháu thường kêu là bị đau bụng, nhưng cháu chỉ đau vào lúc ăn cơm (ăn khoảng 1 lưng cơm, kêu đau rồi không muốn ăn nữa), đau cạnh rốn dịch về bên trái khoảng 3 cm. Tôi đã đưa cháu đi khám, tẩy giun và uống thuốc rồi nhưng cháu vẫn không hết đau. Vậy tôi nên cho cháu nên khám ở đâu và chữa như thế nào? Xin bác sĩ cho tôi vài lời khuyên?
Xin cảm ơn!
Trả lời: Chào chị!
Chứng đau bụng tái diễn ở trẻ em, nhất là lứa tuổi này có thể do những nguyên nhân khó thấy vì không chứng minh được cụ thể bằng các phương pháp thông thường như khám lâm sàng (sờ, nắn trên thành bụng) hoặc chụp dạ dày (tìm ổ loét hoặc viêm), chụp khung đại tràng…
Song có một nguyên nhân tuy khó tin nhưng có thể là sự thật, đó là một thể động kinh cục bộ còn gọi là động kinh nội tạng. Sở dĩ gọi là động kinh vì nét đặc trưng của chứng bệnh này là xuất hiện những sóng kiểu động kinh trên điện não đồ, mặc dầu không có những co giật điển hình như ta vẫn thấy. Gọi là “cục bộ” vì bệnh nhân không bao giờ có những cơn co giật toàn thân. Gọi là “nội tạng” vì phần biểu hiện lâm sàng của nó là những cơn đau, đúng hơn là những cơn co thắt của một nội tạng nào đó (như dạ dày, ruột) nhưng lại không phát hiện được các nguyên nhân thực thể như viêm, loét, khối u…
Thường thì động kinh cục bộ không chỉ biểu hiện bằng những cơn đau bụng tái phát, nhất thời (có người tưởng lầm là giả vờ) mà còn có thể có các triệu chứng rất mơ hồ và tản mạn khác như nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt, cơn đỏ mặt, cơn xanh tím, chứng đái rắt, thậm chí là những rối loạn nhiễu hành vi như đãng trí, mộng du, rối loạn giấc ngủ.
Nếu thấy xuất hiện 2 triệu chứng đồng thời kể trên ở một đứa trẻ ngoài lứa tuổi bú mẹ, nhất là lứa tuổi học trò, thì có nhiều khả năng là chứng động kinh cục bộ. Để biết chắc chắn nhất thì phải đi đo điện não đồ.