Đại dịch HIV/AIDS đang có chiều hướng tăng nhanh và ngày càng đe dọa đến cuộc sống của mỗi người. Đặc biệt, trẻ em đường phố là những đối tượng có nguy cơ dễ bị đại dịch tấn công nhất.
Bệnh AIDS… chực chờ!
8h tối 20/4, tại Công viên Gia Định (quận Tân Bình, TP HCM), chúng tôi bắt gặp một em bé có nước da ngăm đen, thân hình thì ốm tong lặng lẽ ngồi bên vệ đường chìa chiếc nón lá tả tơi cầu xin sự bố thí của kẻ qua người lại. Những đứa trẻ bụi đời sống quanh công viên cho biết con bé tên Hồng nhưng do “nghiện xì ke” nên có biệt danh Hồng “ken”.
Theo tâm tình của cô bé hành khất ở tuổi 16, Hồng quê ở Tây Ninh, cha mất khi em mới tròn một tháng tuổi, mẹ lấy chồng khác, em ở với bà nội và sau đó bỏ nhà đi lang thang và nghiện ma túy lúc nào chẳng biết.
Hồng kể: “Cháu chơi “hàng” cách đây 4 năm. Muốn có tiền phê thuốc cháu phải “đứng đường”. Sau này cháu bệnh nên khách không thèm nữa nên mới đi xin. Hồi trước nhóm cháu có 4 đứa nhưng đứa bị hốt vô trung tâm, đứa chết do bệnh “ết” nên rã đám”.
Tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), chúng tôi tiếp cận với nhiều đứa trẻ lang thang đến đây cư ngụ và ghi nhận nhiều chuyện buồn về những đứa trẻ bị dính căn bệnh AIDS. Đó là Tài “đen” sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo khó, đông con ở Cần Thơ nên bị cha mẹ cho nghỉ học giữa chừng và đẩy lên thành phố kiếm việc làm. Khi thấy các bạn cùng nhà trọ tối đến chụm đầu quanh mấy chiếc bơm kim tiêm đựng thứ nước đùng đục màu da lươn, tò mò dùng thử cho vui, chỉ sau một thời gian Tài đã trở thành đệ tử của “nàng tiên nâu” và năm rồi trở thành người thiên cổ vì bệnh bộc phát.
Đó là thằng bé tên Tuấn có biệt danh Tuấn “sầu đời”, 16 tuổi, quê ở tỉnh Cà Mau, có thâm niên nghiện hút bằng 1/3 số tuổi do không biết chữ, không biết dính vào ma túy là làm bạn với tử thần nên cũng chung số phận như Tài “đen”, cậu bé này đã bị HIV/AIDS giai đoạn cuối…
Không được ai bảo vệ, trẻ em đường phố đã và đang là “mồi ngon” của những kẻ chăn dắt và buôn bán ma túy. |
Bác sĩ Trương Thế Dũng, Trưởng đoàn Y bác sĩ tình nguyện Niềm Tin, người có nhiều tâm huyết trong việc giúp đỡ trẻ em lang thang trăn trở: “Trẻ đường phố thường xuyên chứng kiến, tiếp xúc với cảnh bán dâm, sử dụng ma túy nên các em thấy đó là bình thường. Cùng đó, do thiếu điều kiện tiếp cận thông tin (không biết sự nguy hiểm của ma túy), do ham vui, tò mò, muốn thử cho biết… là tác nhân khiến các em dễ bị HIV/AIDS tấn công”.
Cần lắm những vòng tay nhân ái!
Cũng như vấn đề về trẻ bị nghiện ma túy, trẻ nhiễm HIV/AIDS là một hiện tượng khá mới mà những người làm công tác xã hội đang gặp phải. Chị Huỳnh Kiều, người sát cánh với bác sĩ Dũng trong nhiều chuyến xuyên đêm tìm hiểu thực trạng của trẻ em đường phố, cho biết: “Không ít anh chị tình nguyện viên từng thảo luận sôi nổi và không tìm được đáp án mong đợi quanh các vấn đề: Chúng ta giúp đỡ như thế nào khi phát hiện trẻ bị nhiễm HIV/AIDS? Làm thế nào để nói với một đứa trẻ là nó đã bị nhiễm căn bệnh ai nghe cũng sợ kia? Hay làm sao để đứa trẻ ý thức được tình trạng nhiễm bệnh của nó và không lây bệnh cho những bạn cùng hoàn cảnh?”…
Cũng theo chị Kiều, với tâm lý rất đặc thù, trẻ đường phố thường ngại đến các trung tâm cung cấp dịch vụ. Vì bản thân các em thường có những quá khứ không vui về trung tâm. Thêm vào đó, hoạt động của một số trung tâm còn mang tính nguyên tắc, không nhận trẻ quá độ tuổi, trẻ khác tuyến, thủ tục chuyển các em đến trung tâm còn khó khăn, phải chờ đợi, hoặc các em không được đón tiếp một cách thân thiện…
Về lĩnh vực truyền thông, một số cơ sở đã tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề và những cuộc thi tìm hiểu về HIV/AIDS. Tuy nhiên, những hoạt động như vậy chỉ mang tính tác động một số lượng cố định tại các mái ấm, nhà mở. Còn trẻ đường phố đang sống lang thang trên đường phố (đối tượng thật sự đang phải tiếp xúc với các nguy cơ) thì chưa có được những thông tin về vấn đề này. Có điều rõ ràng là một lượng lớn trẻ đường phố không biết tới những dịch vụ sẵn có dành cho chúng ở TP HCM.
Bác sĩ Trương Thế Dũng nhấn mạnh: “Trở ngại lớn cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở trẻ đường phố là phần lớn các đơn vị, các tổ chức vẫn còn hoạt động tương đối riêng lẻ, chưa có sự liên kết với nhau. Có những tổ chức lồng ghép nội dung giáo dục phòng chống HIV/AIDS vào chương trình hoạt động của mình nhưng lại chưa nắm được các thông tin về các cơ sở chăm sóc nên cảm thấy lúng túng khi phát hiện trẻ bị nhiễm HIV… Mặt khác, có trường hợp giáo dục viên đường phố vẫn còn e ngại khi phải đối diện với trẻ có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS”.
Bác sĩ Dũng kiến nghị: “Việc hình thành một mạng lưới liên kết, giúp các giáo dục viên quen biết và nắm được hoạt động của các đơn vị bạn là yếu tố quan trọng giúp cho việc phòng tránh và chăm sóc trẻ nhiễm HIV/AIDS được hiệu quả hơn”