Ngay từ lúc mới chào đời, cho dù chưa thể nói ra thành lời nhưng bé đã có khả năng giao tiếp. Bé sẽ cảm nhận những lời nói, nét mặt, cử chỉ, điệu bộ của những người xung quanh, quá trình trải nghiệm sẽ giúp bé đoán biết được ‘người đối diện’ đang muốn nói gì. Bé sẽ đáp lại những sự tương tác của mọi người, với những điều mà bé cảm nhận được bằng ngôn ngữ của cơ thể và cả những âm thanh cơ bản: tiếng khóc, cười…
Trẻ giao tiếp thông qua tiếng khóc
Trong khoảng 2 tuần đầu sau khi sinh, khóc là cách chủ yếu mà trẻ biểu lộ nhu cầu của mình. Tiếng khóc của trẻ rất hiệu quả, bởi khi cha mẹ nghe thấy tiếng con khóc thì ngay lập tức họ sẽ dỗ dành trẻ và tìm ra nhu cầu của trẻ để đáp ứng.
Lúc này, trẻ còn sử dụng ngôn ngữ của cơ thể. Chẳng hạn như duỗi tay hay ưỡn người ra, vặn vẹo người. Ngoài ra, bé còn dùng cách biểu lộ ở nét mặt như chớp mắt, nhăn mặt, và những biểu hiện này của bé ngày càng hấp dẫn và có biểu cảm hơn.
Trẻ giao tiếp thông qua nụ cười
Bé biết cười, nụ cười thực sự khi trẻ được khoảng 6 tuần tuổi. Tuy rằng trước đó, bé đã có nhiều kiểu biểu hiện ở mặt tương tự như mỉm cười, trong tâm lý học gọi hiện tượng đó là “phức cảm hớn hở”. Có khi trẻ biểu lộ nụ cười này quá nhanh nên bạn có cảm giác như là trẻ đang bị ợ.
Tuy nhiên, lúc được khoảng 6 tuần tuổi, bé sẽ biết cười thực sự, bởi đi cùng với nụ cười là sự rạng rỡ trong ánh mắt. Nếu lúc này bạn cười lại với trẻ thì trẻ sẽ cười to hơn và tỏ ra thích thú kèm theo khua tay khua chân loạn xạ. Không ai biết được chắc chắn điều gì khiến bé bắt đầu cười. Bé sẽ cười khi thấy biểu hiện nét mặt của cha mẹ, song không phải hoàn toàn như vậy, những em bé bị mù bẩm sinh cũng biết cười.
Trò chuyện với trẻ
Thông thường cha mẹ hay lên giọng khi trò chuyện với trẻ, đồng thời cũng cố gắng diễn tả ý thật đơn giản để bé có thể hiểu được một cách dễ dàng.
Ngôn ngữ sẽ rất hữu ích trong giai đoạn này, do đó nó có thể giúp bé học được nhiều âm thanh khác nhau trong cách diễn đạt. Bé cũng rất thích những âm thanh gù gù êm ái hoặc các âm thanh hơi nhấn nhá trong giọng của cha mẹ khi nựng trẻ.
Trẻ trò chuyện với bạn
Bé cũng tròn miệng hay mấp máy môi để “trả lời” khi bạn nói chuyện với bé. Khi được gần 8 tuần tuổi, bé đã biết “hỏi và đáp” trong nhiều tình huống. Không bao lâu sau trẻ có thể phát ra các âm thanh riêng biệt của mình để trả lời bạn.
Bạn và bé sẽ thay phiên nhau trò chuyện. Quá trình này diễn ra ngay từ ngày đầu sau khi bé mới sinh, và ngày càng thể hiện rõ rệt hơn. Khi bạn trò chuyện với bé, bé sẽ yên lặng và lắng nghe… Khi bạn ngưng nói, bé sẽ phát ra âm thanh “ư ử” và ngọ nguậy cơ thể. Trong tình huống đó, nếu bạn không đáp ứng lại có thể sẽ khiến cho bé hơi bối rối, mất hứng, thậm chí còn khóc nữa.
Những kĩ năng chuẩn bị tập nói của trẻ
Ngay cả khi bé mới được 12 tuần tuổi, bé có thể “học lỏm” để hiểu được ý nghĩa của âm thanh. Khả năng bắt chước này là do thiên phú bẩm sinh. Bé cũng có thể học bằng các ví dụ mẫu nữa, vì vậy trò chuyện với bé càng nhiều bao nhiêu thì khả năng phát triển ngôn ngữ của bé càng tốt bấy nhiêu.
Cần có thêm thời gian nữa thì bé mới biết chính xác lúc trò chuyện, song điều này không quan trọng lắm, khả năng cảm nhận ngôn ngữ luôn phát triển trước khả năng diễn tả ngôn ngữ. Nói cách khác, bé sẽ hiểu trước khi biết nói.
Những âm thanh đầu tiên
Những âm thanh mà bé phát ra đầu tiên đó là những nguyên âm, chẳng hạn như “a”, “e”, “u”, “o”. Khi được 7 tuần tuổi trở về sau, bé thực sự đã nói được rõ các nguyên âm này.
Tuy phát triển được nhiều âm thanh khác nhau, song bé thường chỉ thích một hay hai âm thôi, chẳng hạn hay âm “o” hay “a”. Bé cũng thích “gừ gừ” để tỏ ra thích thú.
Khi được 12 tuần tuổi, bé bắt đầu nói được một vài phụ âm. Khi hài lòng, bé thường phát ra các phụ âm “g” hay “nh”, còn khi bực mình bé hay phát ra các phụ âm “b” hay “p”.
Bạn nên gọi tên của bé để giúp bé dần hiểu được đó là tên của mình. Đồng thời, bạn nên hát cho bé nghe những bài đồng dao, hát ru… tất cả đều giúp bé học được nhiều dạng ngôn ngữ khác nhau.