Cơ quan chức năng thu giữ súng đồ chơi không rõ nguồn gốc. |
Đẹp và độc!
Từ ngày 15/4, các loại đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước và nhập khẩu sẽ được kiểm soát chặt chẽ, phải có chứng nhận công bố và gắn dấu hợp quy (CR) theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, mới được lưu hành. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên ĐS &PL, đồ chơi không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán tràn lan và những hiểm hoạ của chúng vẫn còn đang hiện hữu.
Kinh hoàng súng… “bắn máu”
Ngay sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy chuẩn mới về đồ chơi, phóng viên báo ĐS &PL đã đi tìm đến những “phố đồ chơi” để mục sở thị tác động của quy định này. Theo ghi nhận của phóng viên ĐS &PL, tại phố Hàng Mã và Lương Văn Can là hai “đại bản doanh” đồ chơi ở Hà Nội, đồ chơi trẻ em được bày bán tràn lan. Phóng viên rất khó để phân biệt đâu là hàng đạt tiêu chuẩn, đặc biệt là đồ chơi Trung Quốc thì không hề có tem nhãn, hướng dẫn đồ chơi dùng cho lứa tuổi nào và ai dám chắc nó có đạt tiêu chuẩn chất lượng hay không? Khi được hỏi về quy định về quy chuẩn về an toàn đồ chơi trẻ em và quy định bắt buộc phải gắn dấu hợp quy (giống như tem mũ bảo hiểm), nhiều chủ cửa hàng đều lắc đầu chưa được biết thông tin này.
Súng đồ chơi giống y như thật |
Trong vai khách hàng, tôi đến phố Lương Văn Can thì được một chủ hàng mời nhiệt tình: “Em muốn chọn đồ chơi gì, tìm đến đây là đúng địa chỉ rồi, mua gì cũng có”. Tôi ngập ngừng ngỏ ý mua súng bắn đạn cho cậu con trai, chị chủ hàng liến thoắng: “Tưởng gì, súng nào chẳng có”. Chị này lúi húi lôi một thùng cát tông to để dưới quầy, đưa ra một khẩu súng “bắn máu” rồi thửó nghiệm cho tôi xem. Khi bắn đạn bung ra phẩm màu đỏ giống hệt máu. Không dừng lại ở đó, chị chủ quán đem ra súng bắn laser, súng bắn đạn nhựa và cả lưỡi kiếm ngọc bích dạ quang (lưỡi kiếm sắc có thể gọt được hoa quả -PV)… Thoạt nhìn tôi cũng phát hoảng! Vừa giới thiệu công dụng của các loại súng chị chủ hàng thẽ thọt: “Đợt này quản lý thị trường làm hơi gắt nên không dám công khai bày trên mặt quầy”. Ngoài súng, tại nhiều sạp hàng bán đồ chơi trên các tuyến phố Hà Nội vẫn còn nhiều loại đồ chơi có thể gây sát thương, một loạt đồ chơi khác có khả năng gây rúm ró sợ hãi ở cấp độ cao như mặt nạ đầu lâu xương chéo, máu me kinh dị… vẫn đang được các chủ quán mời mua nhiệt tình. Những “đồ nghề” của trẻ sơ sinh như bình sữa, núm ti, chuông lắc bằng nhựa… có nguồn gốc từ Trung Quốc đang được bày bán không nhãn mác, không tên tuổi cũng ẩn chứa nguy cơ gây độc hại vì không rõ chất liệu gì.
Tại quầy bán đồ chơi trên phố Hàng Mã, khi mới thấy tôi dừng xe lại, chị chủ quán đon đả mời chào. Chị chủ quán giới thiệu các loại đồ chơi được nhiều người mua rô bốt thổi bong bóng, rô bốt phun mưa, tuỳ vào kích cỡ to nhỏ, dao động từ 50-120 nghìn đồng /con. Chị chủ quán niềm nở: “Mua đồ cho con gái hả? Mua bộ nail (móng tay giả) đi. Bây giờ là mốt nhất đấy, không có nhiều hàng đâu”. Nghe chị chủ quán giới thiệu, tôi cũng tò mò. Bộ nail này được làm bằng nhựa, nhưng kèm theo đó là keo để dính vào móng tay được làm từ một loại hoá chất sền sệt mà ngay cả giới chuyên môn cũng không biết nó là chất gì. Loại keo này có đủ các màu rất bắt mắt, không mùi. Tôi trộm nghĩ: nếu dùng lâu liệu có gây nguy hại cho trẻ, có dẫn đến móng bị vàng úa hay không?.
Cũng trên một số tuyến đường Cầu Giấy, Nguyễn Khánh Toàn… các loại thú nhồi bông nhập ngoại không rõ nguồn gốc cũng đang được bán la liệt trên vỉa hè. Qua tìm hiểu, phần lớn thú nhồi bông này đều được dân buôn đánh hàng đưa về từ cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái. Điều đặc biệt, chất lượng những con thú nhồi bông này lại chưa được bất kỳ một cơ quan nào kiểm chứng về mức độ an toàn. Một loại đồ chơi mà nhiều trẻ ưa thích là tuýp keo thổi bong bóng. Loại keo này có mùi hôi, rất khó chịu, trên nhãn chỉ có những dòng chữ nước ngoài, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Do thổi được những quả bóng trong suốt, đủ màu với các kích cỡ khác nhau nên trẻ nhỏ rất thích… Không thể kể hết những loại đồ chơi trôi nổi như vậy trên thị trường mà không hề có cơ quan nào kiểm nghiệm hay xử phạt.
Một số tiểu thương cho biết, sự nhập nhằng về nhãn mác do chính tiểu thương gây ra, bên cạnh đồ chơi nhập lậu, trường hợp đồ chơi nhập chính ngạch có tem và hướng dẫn nhưng do muốn giữ mối hàng riêng, không ít đại lý lột tem nhập khẩu, xóa tên nhà nhập khẩu. Chính do không nhãn mác, nguồn hàng thường không có những thông số kỹ thuật đảm bảo an toàn về cơ lý, lẫn lộn với đồ chơi nhập lậu từ Trung Quốc.
Chứa chất cực độc!
Theo đánh giá của ông Nguyễn Quý Việt – Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thị trường đồ chơi trẻ em Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Từ trước đến nay Việt Nam chưa có quy chuẩn kiểm soát chất lượng đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước và nhập khẩu, vì vậy mặt hàng đồ chơi nguy hiểm được bày bán công khai và không phải chịu sự giám sát nào.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trẻ bị ngộ độc đồ chơi thường là do ngẫu nhiên và bằng rất nhiều con đường. “Nhiều trường hợp trẻ chơi đất nặn đã bị dị ứng ngứa toàn thân do đất dùng phẩm màu độc hại. Nhiều trường hợp nặng hơn như điếc tạm thời vì chơi các loại đồ chơi phát ra âm thanh quá lớn hoặc bị nhiễm độc đường hô hấp do hít phải mùi sơn, mùi nhựa từ các loại đồ chơi có màu sắc sặc sỡ. Phổ biến nhất, trẻ bị dị vật xâm nhập vào đường thở do hít, nuốt phải đồ chơi… dẫn đến những trường hợp đáng tiếc xảy ra như tử vong, viêm phổi mãn hay hỏng mắt, giảm thị lực…” BS. Nguyên cảnh báo.
Bà Bùi Thị An – Hội Hoá học Trung ương cho biết, điều cấm kỵ nhất là không được dùng nhựa PVC để sản xuất đồ chơi cho trẻ em, tuy nhiên nhiều nhà sản xuất chuộng loại nhựa này vì nó làm cho sản phẩm mềm, dẻo, độ sáng bắt mắt, màu sắc rực rỡ nhưng nếu trẻ em cầm nắm, thậm chí đưa vào miệng ngậm sẽ rất nguy hiểm. Không chỉ thế, họ còn sử dụng cả màu công nghiệp, vốn có thành phần kim loại nặng rất cao. Khi trẻ cho đồ chơi vào miệng, chất độc này sẽ dễ dàng xâm nhập cơ thể.
Để tìm hiểu thêm về mặt hàng đồ chơi Trung Quốc có gây nguy hiểm đến sức khoẻ cho trẻ em hay không, tôi đã nhờ một người bạn thông thạo tiếng Trung lượm lặt thông tin trên một số trang web. Theo như lời kể người bạn này, cách đây không lâu khi vào trang China Daily điện tử cũng đã dẫn lời của cơ quan an toàn người tiêu dùng Trung Quốc đưa ra một thông tin gây sốc: “Có đến hơn 20% đồ chơi Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn cho phép, thậm chí một số đồ chơi do các nhà máy địa phương sản xuất còn tiềm ẩn khả năng gây nguy hiểm cho trẻ khi sử dụng. Đồ chơi nhồi bông thì chứa vi khuẩn, thậm chí virus gây bệnh, làm trẻ bị mẩn ngứa và mang bệnh nếu tiếp xúc lâu dài. Bộ nail (móng tay) giả dành cho bé gái cũng đang được các chuyên gia khuyến cáo về mức độ nguy hiểm. Bộ nail này được làm bằng nhựa, nhưng kèm theo đó là keo để dính nó vào móng tay, lại được làm từ một loại hóa chất sền sệt mà ngay cả giới chuyên môn cũng không biết nó là chất gì!. Loại keo này có đủ các màu rất bắt mắt, không mùi, nhưng theo khuyến cáo của các chuyên gia ngành hóa phẩm, nếu dùng lâu sẽ dẫn đến móng bị vàng úa, thậm chí có thể bị thối móng!”.
Cách đây không lâu, tại Mỹ, phát hiện về đồ chơi nữ trang trẻ em của Trung Quốc chứa chất cực độc cadmium đã gây xôn xao dư luận nước này. Tại Việt Nam, đồ trang sức rẻ tiền của Trung Quốc từ vòng, lắc đeo tay, nhẫn, dây chuyền… được bày bán vô tư. Bác sĩ Trần Văn Ký – ủy viên ban chấp hành Trung ương Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam – cho biết: “Theo nhiều nhà nghiên cứu, cadmium (Cd) là một trong ba kim loại được coi là nguy hiểm nhất đối với cơ thể con người. Với trẻ em ở tuổi đang phát triển nên cơ thể cực kỳ nhạy cảm với bất kỳ hóa chất nào, đặc biệt là những hóa chất hay kim loại nặng có độc tính cao. Đồ chơi, đồ trang sức rẻ tiền được sản xuất từ những khuôn mẫu làm bằng kim loại không đảm bảo chất lượng, có nhiều tạp chất và chất độc sẽ thôi nhiễm vào sản phẩm. Đó là chưa kể nguyên liệu làm từ loại tái chế hoặc rẻ tiền, trong quá trình sản xuất người ta lại cho vào các phụ gia công nghiệp chứa nhiều tạp chất và kim loại nặng có độc tính cao như cadmium, chì, thủy ngân… Bác sĩ Trần Văn Ký khuyến cáo, với cadmium, khi vào cơ thể sẽ phá hủy canxi của xương, làm xương trẻ kém phát triển và có thể gây còi xương. Tới tuổi già thì làm loãng xương. Qua nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới cho thấy cadmium gây ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phổi, ung thư vú. Cadmium còn gây rối loạn sự hoạt động của các chất như kẽm, sebon, sắt trong cơ thể, dẫn đến sự đảo lộn của nhiều quá trình sinh học, gây nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau và có thể gây tử vong.
Đồ chơi rẻ tiền đầy ắp chất độc hại từ khuôn mẫu, nguyên liệu, phụ gia… gây nguy hại cho trẻ khi cầm nắm, cho vào miệng ngậm, mút, cắn… Những tiếp xúc này làm độc chất trong đồ chơi đi trực tiếp qua niêm mạc miệng vào máu rồi đi khắp cơ thể. Tùy từng loại độc chất trong sản phẩm mà có những tác hại trên từng bộ phận cơ thể khác nhau.