Năm nay, kỳ nghỉ Tết kéo dài tới 11 ngày là điều được cả triệu học sinh rất trông mong, tuy nhiên chỉ còn vài ngày nữa là học sinh bắt đầu được nghỉ Tết, khi chưa kịp mừng thì nhiều em đã tỏ khá lo lắng vì phải “đánh vật” với hàng chục bài tập được giao về nhà trong dịp nghỉ này.
Lý do các thầy cô giao bài tập về nhà là muốn học sinh duy trì nề nếp học tập, không bị sao nhãng trong trong thời gian nghỉ dài. Bởi vậy, hầu hết các môn đều có bà tập Tết. Vừa đi học về, bé Hồ Anh Dũng (học sinh một trường tiểu học ở Nghĩa đô, Cầu Giấy) đã nhăn nhó: “Mẹ ơi, Tết này nhiều bài lắm!”, khi được hỏi thì bé liền mở cặp, xếp sách giáo khoa (SGK) và mở từng trang đánh dấu bài tập Tết. Chị Lan Anh – mẹ bé Anh Dũng tỏ ra lo lắng: “Bài tập của bé chủ yếu là môn Toán và môn Tiếng Việt. Trong thời gian nghỉ Tết bé phải làm hàng chục bài Toán trong SGK, cộng với bài ôn tập trong vở Bài tập Tiếng Việt. Ngoài ra còn làm một số bài tập liên quan đến ngữ pháp Tiếng Việt nữa….”.
Việc giao bài tập dồn lại như thế sẽ khiến nhiều em ngại học, bởi tâm lý ngày Tết các cháu muốn đi chơi nhiều hơn, do đó tôi sẽ chỉ cho bé làm các bài cô giao, và không bắt bé phải làm thêm trong các sách nâng cao để cháu có thời gian nghỉ ngơi, chị Lan Anh nói.
Đối với học sinh các trường THCS hay THPT, áp lực “sao quả tạ” đầu năm mới khiến các em cũng phải chóng mặt đối với với đống bài tập trong dịp nghỉ Tết. EmTrung Kiên (học sinh lớp 9, trường THCS T.H, Hà Nội) cho biết: “Hơn một tuần nay nhiều bạn lớp em đã “phát sốt” vì bài tập các môn. Như môn Vật Lý phải làm 15 bài trong sách bài tập, môn Hóa học cũng 15 bài, môn Toán 12 bài trong đó có 6 bài khảo sát hàm số dài lê thê, và 6 bài hình cực khó. Một số môn khác như Tiếng Anh, Văn, Sử…tuần này các thầy cô sẽ giao nốt. Chỉ cần nghỉ đến bài tập Tết đã thấy hoang mang rồi. Vì nếu không học bài, không thuộc bài sẽ bị chép phạt hàng trăm lần”.
Bên cạnh những bài tập trong SGK, sách bài tập, một số môn học yêu cầu HS phải tham khảo nhiều dạng bài trong các cuốn sách nâng cao, sách bổ trợ. Như môn Tiếng Anh, ngoài việc làm các bài trong sách, HS muốn hiểu sâu và nắm vững cấu trúc cần ôn kỹ trong cuốn Bài tập Trắc nghiệm Tiếng Anh hoặc làm các bài đọc, luyện những topic ở các sách bổ trợ kỹ năng. Một HS Trường THPT Chuyên ngữ, Hà Nội cho biết: “Bài tập cô giao đối với môn Tiếng Anh em nghĩ là phù hợp vì đặc thù của môn này phải làm nhiều bài, tham khảo nhiều bài đọc thì vốn từ mới nâng cao và cấu trúc mới vững. Nhưng chúng em đâu chỉ học mỗi môn Tiếng Anh, các môn khác môn nào cũng từ 20 đến 30 bài”. Vì thế bài tập Tết trở thành nỗi sợ hãi của rất nhiều HS ở các cấp học.
Bạn H. Cường (THPT Đoàn Thị Điểm) than vãn: “Cả năm học hành vất vả, chỉ đợi có dịp nghỉ Tết để “xả hơi”, thế mà bài vở vẫn ngập đầu, chẳng khác gì mấy so với khi đi học bình thường. Đi chơi Tết về lại phải thức khuya để “thanh toán” bài tập. Mệt lắm ý chứ!”.
Bạn Minh Trang (THPT Lê Lợi) đã lên kế hoạch theo bố mẹ về quê ăn Tết, thăm hỏi ông bà, họ hàng nhưng lượng bài tập được giao về nhà đang khiến bạn hoang mang không biết sẽ xử lý thế nào.
Nhiều phụ huynh vẫn lo con không có niềm vui trọn vẹn vì phải ‘đánh vật’ với bài tập. ‘Trước ngày đi học trở lại sau khi nghỉ Tết Dương lịch, con mình ở lỳ trong phòng khóc vì không kịp làm hết 30 bài tập cô giao’, chị Nga (Cầu Giấy, HN) tâm sự. Đây cũng chính là ‘nỗi niềm’ của rất nhiều học sinh (HS) và cả… cha mẹ HS về vấn đề bài tập nhà trường giao trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới.
Vì không muốn con phải làm một lúc quá nhiều bài tập nên nhiều chị em đã lên kế hoạch cho bé làm dần từng bài, để dịp Tết có nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hơn. Chị Bích Hường (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng học cùng con đến 9 giờ tối nên tôi nắm rất rõ các bài tập mà cháu phải làm. Bài tập Tết khá nhiều nên tôi cho bé làm mỗi lần một ít, từ giờ đến Tết xong được phần nào, nhẹ phần ấy, để khi bé quay trở lại trường không phải “sợ” bài tập”.
Cô Thanh Mai, trưởng bộ môn Văn một trường THCS ở Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Kỳ nghỉ Tết kéo dài tới 11 ngày, thời gian rất dài, nếu không cho các em bài tập về nhà thì các em khó thể bắt nhịp học tập sau kỳ nghỉ. Làm như vậy để trong thời gian nghỉ các em vẫn cảm thấy mình phải có trách nhiệm với việc học, với bài tập được giao. Ngay sau tết, các thầy cô sẽ liên tục kiểm tra bài để đánh động thái độ, tinh thần học tập của các em”.
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, việc học tập ra sao trong kỳ nghỉ Tết còn tùy thuộc vào lứa tuổi. Với học sinh THPT, theo ông Lâm thì việc quan trọng nhất là làm sao để các em vui chơi an toàn, tránh các tai nạn do ham vui, đua đòi với bạn bè.
Còn với học sinh tiểu học, theo ông Lâm, các trường hoàn toàn không cần thiết phải giao nhiều bài tập về nhà. “Tuy nhiên, các gia đình cũng nên có kế hoạch cho con vui chơi có ý nghĩa. Thay vì chỉ ăn uống, phụ huynh nên dành thời gian đưa con tham gia vào hoạt động văn hóa, tìm hiểu truyền thống ngày Tết. Tôi biết là bảo tàng Dân tộc học thường xuyên tổ chức các trò chơi mô phỏng sinh hoạt truyền thống Tết dân tộc. Nếu được tham gia học sinh tiểu học sẽ thấy hấp dẫn, qua đó mà học được nhiều điều thú vị” – ông Lâm lưu ý.