Trong suốt thai kỳ, khi sinh nở và kể cả sau khi sinh, những xung đột về tâm lý mà sản phụ gặp phải là là căn nguyên của những rối nhiễu tâm lý sẽ bộc lộ sớm ở trẻ và có thể gây ra những khó khăn nhất định trong giai đoạn dậy thì của trẻ.
Nghiên cứu của các nhà tâm lý học và phân tâm học đều cho rằng chất lượng mối quan hệ gắn bó sớm giữa mẹ và con trong thời kỳ mang thai và trong những năm tháng đầu đời có ảnh hưởng rất quan trọng đến việc hình thành nhân cách của con trẻ.
Năm 1969, Donald Winnicott, một bác sĩ nhi khoa kiêm chuyên gia tâm lý nổi tiếng đã nghiên cứu về tương tác sớm mẹ con và những ảnh hưởng của mối quan hệ này đến đời sống tâm lý của đứa trẻ. Những xung đột tâm lý mà sản phụ gặp phải trong suốt thai kỳ, sinh nở và sau khi sinh là nguồn gốc của những rối nhiễu tâm lý xuất hiện sớm ở trẻ và có thể gây khó khăn trong giai đoạn dậy thì của trẻ.
Quan tâm đến vấn đề trên, thạc sĩ tâm lý Võ Thị Tường Vy, Hội quán các Bà Mẹ TP HCM tái khẳng định việc hiểu biết về tâm lý thai phụ qua từng giai đoạn không những giúp bà mẹ cân bằng tâm lý trong suốt quá trình mang thai và sau sinh, mà còn giúp cho mối quan hệ mẹ con trong những năm tháng đầu đời phát triển tốt đẹp, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh hơn về tinh thần.
Theo bà Vy, quá trình thai nghén được xem là một bước ngoặc trong đời sống tâm lý của phụ nữ. Đây cũng có thể được gọi là thời kỳ “khủng hoảng” tự nhiên. Cảm xúc của thai phụ có nhiều thay đổi, dễ khóc, dễ cảm động, dễ giận hờn và cũng rất nhạy cảm. Có thể chia sự biến đổi tâm lýcủa thai phụ ra làm ba giai đoạn: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ với những đặc điểm tâm lý như sau:
– Trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, nếu thai phụ được chuẩn bị tốt về tâm lý trước khi mang thai, mong muốn đậu thai và cảm thấy vui mừng khi chuẩn bị thực hiện thiên chức làm mẹ thì sẽ khá thuận lợi trong việc giúp sản phụ vượt qua giai đoạn mệt mỏi, ốm nghén…
Vì những biến đổi về nội tiết có thể kéo theo những biểu hiện nôn ói, chán ăn hoặc thèm ăn đến độ không thể kiềm chế nên sản phụ cần lưu tâm đến việc bảo đảm cân bằng dinh dưỡng bằng nhiều hình thức khác nhau.
Một số thai phụ vì trước đây quá mong có con nên nỗi sợ bị sẩy thai sẽ khiến họ lo lắng và căng thẳng hơn. Ngược lại cũng có những thai phụ không hề mong muốn mang thai do bị vỡ kế hoạch, không đủ điều kiện kinh tế, bị ruồng rẫy hoặc thai nhi phát triển không thuận lợi nên cảm thấy mâu thuẫn, xung đột trong nội tâm khiến những biểu hiện thai nghén trở nên nặng nề hơn. Họ có thể nghĩ đến việc làm sẩy thai bởi chưa sẵn lòng chấp nhận sự có mặt của đứa trẻ. Những xung đột nội tâm kéo theo những biểu hiện rối nhiễu tâm lý nặng có thể xuất hiện ở một số thai phụ. Họ có thểăn những thứ vô bổ và sau đó lại nôn ra.
– Trong thời gian ba tháng giữa, thai phụ dần ổn định hơn về tâm lý. Họ cảm nhận được sự tồn tại của trẻ. Đối với những thai phụ mong có con, nỗi sợ sẩy thai cũng dần bị đẩy lùi. Ở một số thai phụ khác không muốn có con cũng dần từ bỏ ý định làm sẩy thai.
Lúc này người mẹ chuyển dần mối quan tâm sang thai nhi đang lớn lên từng ngày với những cử động ngày một mạnh và nhiều hơn. Sự lo âu của người mẹ sẽ xuất hiện khi có những chẩn đoán không tốt về thai nhi. Khi cảm nhận được cử động sống của đứa con trong bụng, người mẹ bắt đầu nói chuyện với con và có trách nhiệm với con qua việc lựa chọn dinh dưỡng tốt cho thai nhi. Hình ảnh của đứa con ngày càng hình thành rõ nét trong trí tưởng tượng của người mẹ: bé là con trai hay con gái, khỏe mạnh hay không, giống bố hay giống mẹ …
– Từ ba tháng cuối, thai phụ dần dần cảm thấy nặng nề, di chuyển chậm chạp và cử động khó khăn. Một số việc không thể tự làm mà phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người thân. Tình trạng này dễ khiến thai phụ thấy bị tổn thương bởi bản thân mất dần hành vi nhanh nhẹn và trở nên khó kiểm soát trong một số hoạt động.
Thái độ quan tâm và hỗ trợ của người thân là rất cần thiết trong giai đoạn này. Thai phụ bắt đầu chuẩn bị dần cho việc sinh nở của mình và rất dễ nhạy cảm trước những câu chuyện sinh nở của các bà mẹ khác. Họ cảm thấy lo lắng khi nghe những câu chuyện sinh nở bất thành hoặc gặp sự cố của thai phụ khác. Vì vậy, việc tạo ra một tâm lý thoải mái cùng với những suy nghĩ tích cực đối với việc sinh con là cần thiết. Mất ngủ cũng làm gia tăng căng thẳng của người mẹ. Họ càng bất an hơn nếu kinh tế gia đình không đủ đáp ứng cho việc sinh nở và nuôi con sau này.
Tóm lại, do cảm xúc và tâm lý trong thời kỳ thai nghén chứa đầy khủng hoảng nên thai phụ rất cần cách cư xử tinh tế và sự nâng đỡ cảm xúc từ những người xung quanh. Lịch sử bản thân, thái độ của người thân, chất lượng mối quan hệ giữa vợ và chồng, thái độ của bản thân đối với việc có con có tác động rất lớn đến sự ổn định tâm lý của thai phụ.
Theo thạc sĩ tâm lý Tường Vy, mặc dù chưa có những nghiên cứu cụ thể tại Việt Nam, nhưng bối cảnh giao thông, tình trạng sử dụng thực phẩm thiếu an toàn, việc khám thai bất tiện, phải chờ đợi lâu …chắc hẳn cũng góp phần gia tăng khó khăn và lo lắng của thai phụ. Vì vậy, muốn giảm thiểu lo lắng, gia tăng lòng tự tin cho thai phụ thì gia đình, xã hội cần có sự tìm hiểu để xác định rõ những nguyên nhân gây khó khăn để có sự hỗ trợ phù hợp.