Theo kết quả của những nghiên cứu mới gần đây cho biết, nếu mẹ bầu bị ốm nghén nặng ở giai đoạn đầu hoặc giai cuối của thai kỳ có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như có nguy cơ mắc tiền sản giật và có khả năng phải nhập viện trước tuần thai thứ 12 của thai kỳ…
Nghiên cứu này được thực hiện tại bệnh viện Thụy Điển từ năm 1997 đến năm 2009 trên 1.155.033 phụ nữ trước 22 tuần thai và nhận thấy rằng, có 1,1% phụ nữ mang thai bị ốm nghén nặng, thường hay nôn ọe.
Các bác sĩ cũng cho biết, trên thế giới cứ 100 phụ nữ mang thai thì có 2 người mắc chứng bệnh ốm nghén nặng. Các triệu chứng bao gồm: Buồn nôn liên tục, đau đầu và mệt mỏi, ngoài ra là huyết áp thấp và nhịp tim nhanh, hôn mê hoặc nhầm lẫn. Tất cả những triệu chứng này có thể kéo dài đến 5 tháng, thậm chí với một số người, nó có thể kéo dài suốt thai kỳ.
Nguyên nhân chính là vì trong cơ thể những người phụ nữ này có chứa lượng hormone nhạy cảm cao hơn so với những phụ nữ khác.
Thông thường, ở giai đoạn đầu của thai kỳ, các thai phụ có biểu hiện ốm nghén nhẹ như lợm giọng, buồn nôn, sợ những thức ăn mà trước kia họ ưa thích. Thích ăn chua hoặc ngọt tùy người, có khi họ ăn cả những thứ như đồ đất nung, vôi quét tường… ốm nghén làm cho cơ thể thai phụ mệt mỏi xanh xao và hơi ốm nhưng không khiến cơ thể quá gầy yếu.
Triệu chứng ốm nghén sẽ dừng lại ở tuần thứ 14 hoặc 16 của thai kỳ, vậy nhưng một số phụ nữ cho đến tháng thứ 5 vẫn không thể ăn được gì và họ dễ dàng bị nôn ọe dẫn đến sự mất cân bằng điện giải khiến cơ thể bị thiếu năng lượng trầm trọng. Đó là biểu hiện của những người bị ốm nghén nặng.
Do không ăn uống được gì nên cơ thể thai phụ cảm thấy mệt mỏi. Hơn nữa, nôn nhiều làm cho cơ thể bị mất nước kèm theo những triệu chứng như nhịp tim đập nhanh, tiểu tiện ít.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành so sánh những phụ nữ mang thai không có biểu hiện ốm nghén với những phụ nữ có biểu hiện ốm nghén khá nặng và họ nhận thấy rằng, đa số những phụ nữ bị ốm nghén nặng có nguy cơ mắc tiền sản giật và họ có khả năng phải nhập viện trước tuần thai thứ 12 của thai kỳ…
Ngoài ra, hiện tượng nôn mửa có thể khiến các bà bầu dễ bị tắc ruột, nhiễm trùng đường tiết niệu, suy yếu chức năng gan. Chính vì vậy, khi thấy bản thân có dấu hiệu bị ốm nghén quá nặng thì tốt nhất là các bà bầu nên tới gặp bác sĩ để có lời khuyên thích hợp.
Để phòng ngừa và ngăn chặn những điều không may đối với bà bầu trong quá trình mang thai, thai phụ nên theo dõi thai để phát hiện những triệu chứng nhiễm độc. Cẩn thận nhất là vào những tháng cuối của thai kỳ. Nếu chậm trễ trong việc phát hiện ra sự nhiễm độc của người mẹ, có thể sẽ dẫn đến những biến chứng như nhau bong non, phong huyết tử cung nhau… dễ khiến thai bị chết lưu trong bụng mẹ.