Kalish có một cô con gái tên là Nancy Kalish (Brooklyn, Mỹ), hồi cấp 2 cô bé vốn là học sinh rất hăng say và nhiệt tình trong học tập. Nhưng khi khối lượng bài tập về nhà của em chiếm hết thời gian vào các buổi tối và cuối tuần thì sự hăng say đó dần như biến mất.
Và khi thấy con có cảm giác sợ trường học thì cô Kalish bắt đầu thấy lo lắng vì vấn đề đã trở nên nghiêm trọng tới mức báo động.
Sau đó, Kalish và Sara Bennett, một bà mẹ khác cũng đang lo lắng trước tình trạng học tập của con, đã hợp tác với nhau và cho ra đời cuốn sách: Trường hợp chống lại bài tập về nhà: Bài tập về nhà làm tổn thương đến con cái chúng ta thế nào và chúng ta phải làm gì (The Case Against Homework: How Homework Is Hurting Our Children and What We Can Do About It). Cuốn sách này hướng đến những bậc phụ huynh có con đang ở tuổi đến trường. Sách tập trung vào những nghiên cứu học đường và những cuộc phỏng vấn với các nhà giáo dục, các bậc phụ huynh và chính các em học sinh trên khắp nước Mỹ.
Dưới đây là chia sẻ của cô Kalish với Parenting về những nghiên cứu của cô và đồng sự:
Quá nhiều bài tập về nhà có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ như thế nào?
Trẻ không có thời gian để làm trẻ con theo đúng nghĩa vì các em đang bị sa lầy với bài tập về nhà. Bên cạnh đó, do trẻ luôn phải bận rộn với hàng đống bài tập được giao nên vô hình chung việc học tập đã trở thành một nhiệm vụ phải hoàn thành chứ không phải là một trải nghiệm tích cực và mang tính xây dựng.
Bên cạnh đó, việc trẻ bị quá tải với bài tập về nhà còn ảnh hưởng tới sinh hoạt chung của gia đình. Nhiều em thậm chí không thể ăn tối cùng bố mẹ. Và kết quả là, những giao tiếp và tương tác duy nhất giữa trẻ và bố mẹ lại chính là những tranh luận liên quan đến bài tập về nhà.
Dấu hiệu cho thấy con bạn đang bị quá tải bài tập về nhà?
Nếu trẻ bắt đầu ghét trường học, giống như con gái của Kalish, hoặc trẻ có dấu hiệu bị kích động mỗi đêm vì bài tập về nhà thì đó có thể là một bằng chứng cho thấy trẻ đang bị quá tải.
Vấn đề cốt lõi và quan trọng đó là trẻ sẽ hiểu được vấn đề tốt hơn nếu trong cùng thời gian đó trẻ chỉ cần xử lý 5 vấn đề thay vì chạy sô qua 50 vấn đề.
Cha mẹ có thể làm gì?
Đầu tiên, cha mẹ cần nói chuyện với cô giáo của con với tâm niệm rằng cô giáo/thầy giáo đó chỉ muốn những gì tốt nhất cho con của mình. Thường là các giáo viên không nhận thức được về những hậu quả nặng nề, về sự “tàn phá” mà bài tập về nhà có thể gây ra cho học trò của mình.
Và nếu việc nói chuyện với giáo viên của con không mang lại chuyển biến thì phụ huynh có thể gặp trực tiếp hiệu trưởng của trường để chia sẻ về những lo lắng của mình. Người hiệu trưởng đó có thể đồng ý với quan điểm của phụ huynh và đưa ra những thay đổi tích cực.
Hoặc, nếu việc một phụ huynh đơn lẻ đi gặp giáo viên hoặc hiệu trưởng có thể không hiệu quả thì các phụ huynh nên tập trung lại và thành lập ra một ban phụ huynh để “xử lý” việc này. Có thể việc ngăn chặn làn sóng bài tập về nhà không phải là nhiệm vụ đơn giản nhưng hầu hết các bậc phụ huynh đều mong muốn điều này và nếu họ đồng lòng nhất trí thì vấn đề có thể được giải quyết.