Hỏi: Chào bác sĩ!
Thưa bác sĩ, năm nay con trai của tôi được 2 tuổi rồi nhưng cháu vẫn chưa biết nói. Cháu phát triển chậm hơn so với những đứa trẻ cùng lứa, chưa biết tự xúc ăn, không biết ra dấu hiệu khi muốn đi vệ sinh, bị mắng thì thường ăn vạ bằng cách đập đầu vào tường hoặc đấm vào đầu… Hiện tại tôi không biết phải làm gì?.
Cháu thích xem ca nhạc thiếu nhi và quảng cáo. Không thích chơi đồ chơi, nhất là khi có mẹ ngồi cạnh. Đi khám bác sĩ và test IQ thì bác sĩ nói cháu bị tự kỷ với điểm số 39. Bác sĩ khuyên cho cháu đi trẻ, tôi có đăng ký cho cháu đi học trường công nhưng cháu khóc nhiều, không chịu chơi cùng các bạn mà chỉ theo cô giáo.
Tôi muốn được biết về bệnh tự kỷ và phương pháp chữa. Hiện nay ở Hà Nội có những cơ sở nào chữa tự kỷ? Đối với những trẻ như thế thì khi về nhà cha mẹ nên dạy dỗ và cư xử thế nào? Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi?
Cảm ơn bác sĩ!
Trả lời: Chào anh!
Tự kỷ là sự phát triển bất bình thường của trẻ. Bệnh thường xuất hiện trong 3 năm đầu đời, là kết quả của việc hệ thần kinh bị ảnh hưởng, các kỹ năng giao tiếp thông thường không được thuần túy.
Cả trẻ em lẫn người lớn khi mắc bệnh tự kỷ đều thấy khó khăn trong việc giao tiếp bình thường và các hoạt động xã hội, luôn có cảm giác như lười biếng, không muốn hoạt động.
Trẻ thường có những biểu hiện ngoan ngoãn, ít khi phản kháng, cha mẹ đặt đâu thì ngồi đấy. Không có cảm giác lạ lẫm khi tiếp xúc với người khác, không thấy buồn hay khóc khi phải xa cha mẹ cũng như không vui khi gặp gỡ cha mẹ hay người thân.
Khi được cưng chiều, trẻ đôi khi tỏ ra bất cần hay không biểu lộ cảm xúc. Đôi khi trẻ từ chối việc cưng chiều hay quan tâm mà chỉ thích ngồi một chỗ, chơi một mình, mắt chỉ nhìn vào một điểm, trông thiếu thần sắc.
Mọi đứa trẻ khi mắc bệnh tự kỷ thì thường có những biểu hiện hay cách biểu lộ cảm xúc bằng những cách rất đặc biệt, trong một số trường hợp thì rất “hiếu chiến” hoặc có những biểu hiện tự làm tổn thương.
Trẻ mắc bệnh tự kỷ thường có một số biểu hiện sau đây:
- Duy trì tình trạng không thay đổi; chống cự khi có sự thay đổi.
- Khó khăn trong việc biểu hiện nhu cầu, sử dụng những biểu hiện hay cử chỉ thay vì lời nói.
- Lặp đi lặp lại một từ hay cụm từ.
- Cười hoặc khóc không vì một lý do nào cụ thể.
- Thích được chơi một mình, có cách xử sự tách biệt.
- Dễ cáu giận.
- Khó khăn trong việc hòa đồng với những đứa trẻ khác.
- Không muốn cưng chiều hay được cưng chiều.
- Có rất ít hoặc hầu như không có tiếp xúc về mắt.
- Không có phản ứng với phương pháp giảng dạy bình thường.
- Cách chơi không bình thường.
- Có sự ám ảnh về các đồ vật.
- Có phản ứng thái quá hoặc không có phản ứng với sự đau đớn.
- Không có cảm giác sợ hãi hay nguy hiểm.
- Không có các kỹ năng vận động đồng đều, chính xác.
- Không có phản ứng với những cử chỉ bình thường, hành động như thể trẻ bị điếc mặc dù trẻ có thể nghe bình thưòng.
Trong trường hợp của cháu, anh có thể tham khảo thông tin dưới đây:
Điều trị:
Là cha mẹ, thông thường chúng ta rất lo lắng và muốn làm một cái gì đó ngay lập tức cho con mình. Tuy nhiên, không nên quá vội vã với những mong muốn thay đổi. Con của bạn có thể đã quen với môi trường sống nên việc thay đổi nhanh chóng có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng cho cháu. Bạn nên thu thập những thông tin cần thiết trong việc áp dụng các phương pháp điều trị mới trước khi tiến hành điều trị cho cháu.
Bạn có thể biết rất nhiều cách điều trị khác nhau, chẳng hạn như: điều trị thính giác, điều trị thử nghiệm tách rời trẻ, điều trị bằng vitamin, điều trị bằng phương pháp giao tiếp, điều trị bằng phương pháp cho nghe nhạc, liệu pháp điều trị bằng lao động, vật lý trị liệu, tập trung các giác quan… Nói chung là các phương pháp điều trị trên có thể chia thành 3 phần chính :
1. Phương pháp điều trị bằng giao tiếp và cử chỉ.
2. Phương pháp điều trị bằng chế độ ăn uống và sinh trắc học.
3. Phương pháp điều trị bằng việc khen ngợi, khuyến khích.
Sẽ tốt hơn nếu bạn có thể thảo luận phương pháp điều trị với tư vấn viên của trung tâm trước khi quyết định cho con theo hướng điều trị nào.