Công việc có thể để giúp các mẹ bầu giảm bớt sự khó chịu, đồng thời giúp tăng cường chức năng tiêu hóa hiệu quả, tâm trạng tích cực, tăng cường độ bền về thể chất, và đặc biệt là tốt cho sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, làm thế nào để 8 giờ làm việc nơi công sở của các mẹ bầu luôn vui vẻ và khỏe mạnh?
Mẹ bầu công sở, được lợi gì?
Duy trì được cảm xúc tích cực:
Sau khi mang thai vẫn tiếp tục làm việc giúp cho các thai phụ giữ được vòng tròn quan hệ xã hội ban đầu. Những mối quan hệ giúp họ nhận được nhiều sự quan tâm, cảm thông cũng như sự chia sẻ kinh nghiệm từ cộng đồng. Điều này khiến cho các bà mẹ tương lai cảm thấy hạnh phúc và duy trì được cảm xúc tích cực.
Tăng cường chức năng tiêu hóa:
Phụ nữ khi mang thai thể chất kém, dạ dày và ruột suy yếu, dễ bị táo bón, tiêu chảy và các triệu chứng về đường tiêu hóa khác. Nếu không có động cơ để làm việc, thai phụ có xu hướng không di chuyển hoặc ít di chuyển, vô tình khiến đường tiêu hóa gặp nhiều vấn đề hơn. Do đó, công việc là phương tiện tốt để giảm bớt sự khó chịu, đồng thời tăng cường chức năng tiêu hóa.
Kiểm soát được sự căng thẳng:
Do thay đổi hormone, nhiều thai phụ dễ bị kích thích, cáu kỉnh và thậm chí thấy lo lắng. Rằng em bé có phát triển tốt không? Điều mình làm có ảnh hưởng xấu tới thai kỳ không?… Và sự bận rộn sẽ làm giảm mối quan tâm này, với nhiều người nó còn giúp họ dễ dàng kiểm soát cảm xúc của mình.
Bí quyết cho bà bầu công sở luôn khỏe
Uống nhiều nước:
Cạnh tranh trong công việc ngày nay ngày càng khốc liệt, không phân biệt đối tượng. Không ít mẹ bầu để giữ vị trí mà cố gắng chịu đựng áp lực công việc ở mức cao độ. Thậm chí có người còn bỏ bữa, quên uống nước, chỉ nhất nhất chăm chú làm việc. Cung cấp đủ nước cho cơ thể không chỉ tránh được hiện tượng khô da do ngồi nhiều trong phòng điều hòa mà còn giúp hạn chế được chứng táo bón mà các mẹ bầu rất hay mắc phải.
Chế độ nghỉ ngơi hợp lý:
Đừng nên làm việc quá sức mà phải kết hợp với chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Cứ cách khoảng 1-2 tiếng, bạn nên đứng dậy đi lại vài phút, làm vài động tác thể dục đơn giản cho thư giãn. Bạn cần phải nghỉ trưa, dù bạn không buồn ngủ. Chỉ cần nhắm mắt khoảng 30 phút, để cho toàn bộ cơ thể nghỉ ngơi, bạn sẽ giảm được rất nhiều sự mệt mỏi.
Sắp xếp công việc khoa học:
Nếu bạn thường mệt mỏi vào buổi chiều, nên sắp xếp công việc quan trọng vào buổi sáng, lúc đó tinh thần bạn thường minh mẫn hơn. Với những phần việc không đòi hỏi bạn phải ở bên cạnh máy tính như nghe điện thoại, kiểm tra hóa đơn, chứng từ… bạn nên đứng dậy hoặc tìm một chỗ làm việc khác, tránh xa màn hình máy tính. Với những phần việc căng thẳng như phải kiểm tra số liệu trên máy, bạn có thể nhờ đồng nghiệp làm giúp để tránh mỏi mắt, chóng mặt…
Tư thế ngồi thoải mái:
Thời gian này thể trọng của thai tăng lên khiến cơ thể người mẹ chịu nhiều áp lực từ nửa thân trên hơn, dễ gây ra hiện tượng phù. Vì thế, việc kê chân cao lên trong thời kỳ giữa giúp giảm gánh nặng cho chân, giúp chân không bị nhức mỏi, hạn chế sưng phù.
Ngoài ra, mẹ bầu có thể đặt chân lên chiếc ghế nhỏ dưới chỗ để chân ở văn phòng, nếu cảm thấy không thoải mái có thể đặt chân lên chiếc hòm thấp, cách mỗi giờ đổi tư thế một lần sẽ giúp chân bớt mỏi nhức. Cách hai tiếng xoa bóp chân theo hướng từ dưới lên trên nhằm giảm nguy cơ bị phù. Tốt nhất là khoảng mỗi giờ một lần, mẹ bầu nên rời vị trí để đi lại nhẹ nhàng trong văn phòng hoặc hành lang, giúp máu huyết lưu thông tốt hơn.
Năng lượng giữa giờ rất quan trọng:
Phụ nữ mang thai thường rất nhanh đói và do đó 3 bữa mỗi ngày không thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của họ. Hãy ăn khi thấy đói là lời khuyên của các chuyên gia dành cho các thai phụ. Đặc biệt đừng bỏ qua bữa phụ sau giấc ngủ trưa để tăng thêm năng lượng hay bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ buổi đêm để có thể ngủ ngon giấc. Ngoài ra, các loại quả khô hay bánh bích quy là những thứ đồ ăn mà các thai phụ có thể ăn vặt cả ngày.