Theo chuyên gia tâm lý Trần Đăng Thảo cho biết, con trẻ thường thích xin tiền cha mẹ hoặc đòi mua những món đồ chơi mới. Chính vì thế, nhiệm vụ của các bậc cha mẹ là phải biết cách kiểm soát và hướng dẫn cho trẻ cách sử dụng tiền sao cho hợp lý và tiết kiệm nhất. Dưới đây là những nguyên tắc các bậc phụ huynh nên tham khảo và áp dụng.
1. Giúp con xác định sự khác nhau giữa những thứ trẻ cần và muốn
Đừng cho rằng con bạn có thể dễ dàng nhận biết được sự khác nhau giữa cái mà nó muốn và cái nó cần. Hãy ngồi xuống cùng con lập ra 2 danh sách: Một là những thứ cần thiết như quần áo, giày dép, bữa ăn trưa, dụng cụ học tập; Hai là những thứ con muốn như trang sức, thời trang, game, các thiết bị điện tử.
Cha mẹ nên phân tích, so sánh và nói cho trẻ biết về sự khác biệt giữa những thứ con cần và con muốn, bên nào quan trọng hơn. Ví dụ chỉ ra cho chúng thấy thực tế là “Con không thể đi học mà không có giày, nhưng con vẫn có thể đi học mà không cần iPad”.
2. Nói không với những đòi hỏi thái quá và duy trì kiểm soát tiền bạc
Ngay từ khi còn rất nhỏ, trẻ đã biết đòi hỏi, chúng muốn gì là đòi cho bằng được mặc cho cha mẹ ngăn cản. Thông thường, trong trường hợp này phụ huynh sẽ nhượng bộ nếu chúng vẫn giữ thái độ nài nỉ. Thậm chí khi thấy con mè nheo, cha mẹ cảm thấy phiền hà và mệt mỏi nên cuối cùng trao luôn một khoản tiền cho trẻ tự quản lý. Các chuyên gia tâm lý khuyên cha mẹ nếu từng làm như thế thì hãy dừng lại. Nếu thấy con xin tiền mua một món đồ không thực sự cần thiết, hãy nói không với chúng và kiên quyết giữ quyền quản lý tiền. Tóm lại, con trẻ không cần phải có quỹ tiền riêng và không cần biết rõ các vấn đề về tiền bạc trong gia đình.
3. Tập tính kiên nhẫn
Bạn hãy dạy cho con biết giá trị của sự kiên nhẫn. Trong thời đại công nghệ, mọi người luôn muốn mọi thứ nhanh hơn, dễ dàng hơn thì tính kiên nhẫn là điều rất khó học. Tuy nhiên đức tính này rất và quan trọng quyết định thành bại của cuộc đời con người, cha mẹ hãy nói cho trẻ hiểu bằng những ví dụ cụ thể. Từ đó có thể giúp bé lập ra một danh sách những thứ con đang tiết kiệm dành dụm và những thứ mong muốn sở hữu, rồi dán lên tường ở phòng ngủ. Tính kiên nhẫn sẽ giúp trẻ có những kế hoạch trong tương lai làm sao để đạt được những thứ mình ao ước.
4. Tự kiếm tiền
Nếu như trẻ cương quyết muốn có một thứ gì đó, bạn hãy giúp trẻ kiếm tiền để mua nó. Nỗ lực để có được thứ một thứ gì đó sẽ giúp bé thấy hài lòng và nhận ra được giá trị của mọi thứ. Cha mẹ có thể giúp trẻ thiết lập một quy trình làm việc phù hợp với khả năng và sức khỏe của con. Mỗi lần trẻ nản chí, hãy nhắc lại mục tiêu đã đặt ra để chúng cố gắng vươn lên.
Nghiên cứu tâm lý cho thấy, khi tự tay mua một thứ gì đó, trẻ sẽ giữ gìn cẩn thận hơn và coi trọng nó hơn là khi được người khác cho. Hơn nữa, nếu món quà đó được mua bằng chính số tiền mà trẻ làm ra thì chúng sẽ trân trọng hơn nhiều.
5. Tiết kiệm bây giờ để sử dụng cho tương lai
Cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu, khi có nhiều tiền thì cần phải tiết kiệm để dành cho những lúc thiếu thốn. Mỗi lần con bạn nhận được tiền, hãy khuyến khích chúng chia ra làm 3 phần: Sử dụng, tiết kiệm và chia sẻ. Hãy nói cho trẻ bằng thực tế về những lúc thiếu thốn và cả vận may mà chúng có thể gặp phải. Vì thế nên dành thời gian để quan tâm những người khác và giúp đỡ họ, đôi khi chỉ là một ly nước. Riêng khoản tiền được phép sử dụng, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ tiết kiệm và chi tiêu phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.
Tóm lại, dạy con về giá trị của tiền là một đầu tư đúng đắn cho tương lai của trẻ, cũng như việc bạn gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Mỗi người đều có quan điểm riêng về tiền bạc và cách tiết kiệm, song có thể học cách sử dụng đồng tiền sao cho hợp lý. “Đầu tư thời gian để dạy cho trẻ thấm nhuần giá trị của đồng tiền, thì sớm muộn đến một ngày nào đó chúng sẽ cám ơn bạn vì nhờ đó mà chúng có được thành công trong cuộc đời”, chuyên viên tâm lý đúc kết.