Nhiều bậc cha mẹ giật mình khi nhận ra rằng nhiều khi con hư chỉ vì mỗi ngày, mỗi giờ con bắt chước theo những hành vi ứng xử hớ hênh hàng ngày của mình khiến con bị ảnh hưởng.
Mẹ khinh thường bố – con nhiễm thói xấu
Cũng có bằng cấp đàng hoàng nhưng vì tính tình nóng nảy, khảng khái và quá bộc trực khiến anh Tuấn không gặp thuận lợi trong công việc. Ra trường với tấm bằng loại ưu, anh cũng nộp hồ sơ xin vào công ty nọ công ty kia. Nhưng rồi chỉ được một thời gian, anh lại quay cuồng với vấn đề đi tìm việc làm.
Sau khi lấy vợ, sinh con xong, công việc của anh Tuấn vẫn vậy, không có mấy tiến triển, đồng lương anh mang về lại ít ỏi hơn nhiều so với vợ. Chị Hương – vợ anh Tuấn lại sinh ra trong gia đình khá giả, xinh đẹp ,thu nhập cao. Khi mới yêu, chị cũng thường hay động viên chồng phải thế này thế kia. Nhưng rồi những nỗi lo cơm áo gạo tiền, những bực bội nơi công sở không có chỗ trút, về đến nhà nhìn thấy chồng cứ “úi xùi” một góc. Chị đâm bực, thường nói đổng, hoặc giận cá chém thớt.
Ra ngoài thấy các anh cùng phòng ăn mặc đàng hoàng, công việc ổn định lại thu nhập cao, nghĩ lại chồng chị đâm chán rồi nảy sinh ý nghĩ coi thường chồng lúc nào không biết. Mọi ý kiến anh Tuấn đưa ra chị đều gạt băng vì cho rằng “anh thì biết cái gì, nếu giỏi giang thì đã không thế này”. Dần dà, thái độ coi thường chồng của chị tăng lên kèm theo những lời nói rất khó nghe. Tất cả mọi điều đó đều được bé Su Su – con của anh chị nhìn và chứng kiến hết.
Thế rồi có hôm, anh Tuấn thấy con mình chơi với bé nhà hàng xóm và tranh giành nhau con búp bê. Cô bé hàng xóm lớn tiếng khóc và bảo rằng “tớ về mách bố cậu”, Su su vênh mặt lên bảo “ôi giời, mách mẹ tớ mới sợ chứ mách bố tớ chả sợ”.
Chỉ là câu nói của trẻ con nhưng anh Tuấn thấy vô cùng chạnh lòng. Chưa hết, gần đây con bắt chước mẹ, rất hay nói trống không với bố. Anh Tuấn nhắc nhở con thì Su su hét toáng lên “Bố có làm ra tiền đâu mà cứ thích bày đặt”. Thì ra nghe nhiều những lời nói của mẹ, giờ Su su đâm quen cái kiểu ăn nói hỗn như vậy.
Bố mẹ đánh nhau, con thích bạo lực
Hàng ngày phải chứng kiến cảnh bố mẹ cãi cọ nhau, thậm chí đánh nhau như cơm bữa, bé Tuấn dần trở nên lầm lì, ít nói. Ở trường học, Tuấn rất hay đánh nhau và ưa dùng bạo lực với các bạn. Bố mẹ Tuấn thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại của thầy cô phàn nàn về cách cư xử của con.
Bố Tuấn thấy con như vậy, thay vì tìm hiểu nguyên nhân thì lại la mắng con bằng những tữ ngữ rất “chợ búa”. Thấy thái độ của Tuấn lầm lì bất cần, anh điên tiết cầm luôn cây chổi vụt lấy vụt để. Những tưởng Tuấn sẽ biết sợ mà xin lỗi, ai ngờ cậu bé vẫn cứ trơ ra, gương mặt đầy thách thức.
Bất lực với con, chị Hoa – mẹ Tuấn liền tìm tới chuyên gia tư vấn tâm lý thì mới nhận thấy rằng, con trở nên như vậy là do ảnh hưởng từ chính cuộc sống của anh chị. Chứng kiến cảnh bố mẹ không tôn trọng nhau và bố thường xuyên dùng bạo lực với mẹ, Tuấn có suy nghĩ rằng dùng nắm đấm là cách nhanh nhất để giải quyết mọi vấn đề và việc sử dụng bạo lực là chuyện bình thường.
Con hư vì bắt chước mẹ coi thường người giúp việc
Mặc dù mẹ chồng đã dặn đi dặn lại chị Yên – mẹ cu Tí rằng: “Bà cụ lên giúp việc là chỗ quen biết, con cố gắng ăn nói giữ mồm giữ miệng đừng để người ta tự ái mà về mất” nhưng có vẻ chị chỉ nghe rồi để đó.
Tính cách coi thường người khác đã ăn vào máu. Chị Yên chỉ giữ mồm được vài hôm rồi thì những ngày sau đó, chị mặc nhiên dùng cách nói rất trịnh thượng để “sai bảo” bà cụ giúp việc. Có ai trong nhà góp ý thì chị dùng dằng: “Ôi, cứ lắm chuyện, mình bỏ tiền ra chứ có phải nhờ không đâu mà phải giữ ý”.
Bà cụ giúp việc dù không hài lòng nhưng cũng chẳng để bụng nếu như con trai của chị không bắt chước mẹ học thói coi thường người khác.
Cứ lần nào đến cổng trường đón cu Tí, bà lại nghe thấy những lời nói kiểu như: “Ô sin nhà tớ đấy…”. Rồi thì cứ khi nào bà bảo cu Tí đừng nghịch ngợm hay ngồi vào bàn ăn đi thì Tí quay mặt lại lườm rất khó chịu, chống tay và nói: “Mẹ cháu còn chưa nói, bà là ô sin mà sao nói nhiều thế”… Thỉnh thoảng, Tí còn lên giọng hách dịch “Bà chưa nấu cơm à, sao giờ này bà còn chưa nấu?”…
Trong tư tưởng của Tí thì bà Dần chỉ là người giúp việc, con bắt chước cách ăn nói và cách cư xử của mẹ từ lúc nào không hay. Bà Dần chỉ biết lắc đầu…
Theo các chuyên gia tâm lý thì cách cư xử và suy nghĩ của trẻ chịu ảnh hưởng lớn từ những người trong nhà. Bởi vậy, ngay từ khi con còn nhỏ, người lớn cần phải noi gương cho con. Hãy tránh dùng những từ ngữ thô lỗ, lối cử xử bạo lực không văn minh trước mặt trẻ.
Bạn đừng nghĩ rằng, con còn quá nhỏ để có thể hiểu được hành động của người lớn. Nhưng trẻ em giống như một trang giấy trắng và chính những gì trẻ nhìn thấy, nghe thấy hàng ngày sẽ giúp hình thành nên nét vẽ đầu tiên trên trang giấy đó.