Nhiều người nghĩ rằng, việc chăm sóc răng miệng cho con cần nhiều đến vai trò người mẹ. Nhưng theo các chuyên gia tâm lý, người bố lại có ưu thế hơn cả trong việc mang lại nụ cười xinh và hàm răng đẹp cho con…
89,2% các ông bố, bà mẹ cần được tư vấn
“Bi, đây là lần thứ mấy mẹ nói con đi đánh răng rồi? Sao mắt cứ dán chặt vào màn hình TV thế!” – với hàng xóm nhà chị Bảo Khuyên (Q.6, TP.HCM), đây là những câu quen thuộc hằng đêm, và kế tiếp những câu nói này sẽ là cảnh bé khóc thét khi thực hiện “nhiệm vụ”. Hay với gia đình anh Chính Bình (Q.Cái Răng, Cần Thơ), đánh răng buổi tối với cậu con trai là cảnh năn nỉ, dỗ dành, và đôi khi là những trận đòn vì bé khá “lì”.
Theo tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn: “Ép buộc trẻ đánh răng chỉ là sự nghe lời một cách thụ động. Trẻ có thể nghe theo nhưng bản thân chưa thấy thoải mái thì trẻ cũng thực hiện hành vi ấy một cách chiếu lệ, “trả bài” mà không thực sự trở thành những hành vi nhận thức và những thói quen tích cực trong cuộc sống”.
Có đến 89,2% các ông bố, bà mẹ cần được tư vấn cách tạo lập thói quen chăm sóc răng miệng cho trẻ (báo cáo của Viện Đào tạo Răng hàm mặt – Đại học Y Hà Nội, quý I/2010). Vậy nên tạo lập thói quen này như thế nào để việc dạy con đánh răng mỗi đêm không còn là cơn ác mộng của các gia đình?
Khi bố trổ tài “dụ” con đánh răng
Theo tiến sĩ Sơn, để tạo lập thói quen đánh răng mỗi tối cho trẻ, thay vì thúc ép, dọa nạt, phụ huynh hãy biến việc đánh răng trở thành niềm vui cho trẻ và là những giây phút hạnh phúc bên nhau của cả gia đình. Thói quen này dựa trên sự tương tác tích cực giữa cha mẹ và con cái – cùng nói, cùng chơi, cùng đánh răng sẽ làm cho trẻ cảm thấy thoải mái và hạnh phúc. Đặc biệt, vai trò của người bố trong việc tạo lập thói quen này sẽ dễ dàng và sẽ “hấp dẫn” trẻ hơn so với mẹ: “Đối với trẻ, hình tượng bố bao giờ cũng mạnh mẽ và vững chắc. Đàn ông không kiên trì bằng phụ nữ nhưng lại điềm tĩnh hơn và ít la mắng con trẻ hơn so với mẹ. Nên những “chiêu thức” của bố sẽ làm trẻ thích thú hơn, trẻ được vận động nhiều hơn và không lo sợ bị quát mắng”.
Các “chiêu thức” để giúp trẻ yêu thích đánh răng không khó, tuy nhiên đó là một quá trình đòi hỏi sự nhẫn nại, tình yêu thương và sáng tạo mà vai trò của người bố cần được phát huy. Người bố không chỉ góp phần tạo lập thói quen đánh răng cho trẻ, mà còn mang đến những phút giây đánh răng ấm cúng cho cả gia đình.
Các ông bố hãy vào cuộc để biến đánh răng thành niềm vui cho con và là những phút giây hạnh phúc của cả gia đình. Tham khảo một số “mẹo” sau:
- Đánh răng mỗi tối là một trò chơi: Hãy biến việc đánh răng mỗi tối của trẻ thành một cuộc vui bằng nhiều trò chơi thú vị. Một trận đấu kiếm với những chiếc bàn chải, một bài hát quen thuộc của bé được thể hiện bằng “ca sĩ” bố và con, câu chuyện về “quái vật sâu răng” được bố minh họa… sẽ giúp bé vui hơn và cảm thấy đánh răng mỗi tối là công việc thật thú vị.
- Cả gia đình cùng ký cam kết “đánh răng sáng và tối”: là lời cam kết của cả gia đình với việc đánh răng đầy đủ sáng và tối. Trẻ sẽ thấy vui thích vì mỗi lúc đánh răng xong giống như vừa hoàn thành một sứ mệnh.
- Làm mẫu cho bé: trong lúc đánh răng, bố hãy cho con thấy rằng đánh răng là một công việc thật sự thú vị vì con luôn là “trùm” bắt chước.
- Cho bé tự lựa chọn: Để bé tự lựa chọn bàn chải và kem đánh răng theo mùi vị yêu thích.