Hướng dẫn cho con cách tự mặc quần áo, uống nước, đi vệ sinh,… là những điều đơn giản, nhưng lại rất cần thiết, các bậc cha mẹ nên thực hiện trước khi cho con vào lớp 1.
Chị Xuân Hà (khu đô thị Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, thời điểm này năm ngoái, bên cạnh nỗi lo tìm trường, xin học cho con, chị còn sợ bé khó thích nghi vì thiếu tập trung khi học bài, lại hay ốm vặt. Hiện tại con gái chị sắp hết lớp 1, kết quả tốt, hòa nhập nhanh với môi trường mới.
Chị Hà chia sẻ, có những chuyện nho nhỏ cũng phải dạy con kỹ, như tự mặc quần áo, uống nước, đi vệ sinh…., bởi điều này nhiều người không để ý nhưng lại rất cần thiết. “Có hôm đón về thấy con lạnh như que kem vì không biết mặc áo rét. Cô giáo lớp 1 ít quan tâm được đến việc chăm sóc, ăn mặc của các con như cô mầm non nên nếu bé không biết tự mặc – cởi đồ cho phù hợp thời tiết… sẽ dễ ốm”, chị nói.
Ngoài ra, việc đi vệ sinh của trẻ cũng cần quan tâm, hướng dẫn kỹ. Con chị Hà, thời gian đầu đi “nặng” ở trường hay khóc, vì vòi xịt ở trường mạnh hơn ở nhà, khiến bé hay bị ướt quần áo. Đi tiểu bé cũng vẫn hay để ướt quần vì vội vàng, đến chiều về ngứa ngáy khó chịu.
Ngay cả việc uống nước, nếu không được cô nhắc, cả buổi bé có thể quên. Về sau đưa con đi học, chị phải hỏi cô giáo nơi để bình nước, dẫn con tới, hướng dẫn con cách lấy nước và dặn con mỗi ngày nhớ uống nước vài lần lúc ra chơi. Các bé cũng nên học cách ăn nhanh gọn khi ở nhà, tránh đến lớp ăn chậm, mặc cảm với các bạn và cô giáo.
Ngoài ra, một điều quan trọng nữa, theo chị Hà, bố mẹ cần tìm hiểu chương trình học của con để biết được khi nào con học chữ cái, quá trình chuyển từ viết bút chì sang bút mực thế nào, các mốc học toán ra sao, … “Nếu mình biết trước sẽ bình tĩnh hơn và giúp con nhanh thích nghi, còn nếu không, chính bố mẹ cũng sốc, cuống lên vì nghĩ chương trình nặng”, chị chia sẻ.
Có cậu con trai đang học lớp 2, chị Lê Thị Thanh Loan (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, khi con chuẩn bị vào tiểu học, chị rất lo, nhất là bé chưa học được chữ nào, trong khi các bạn cùng lớp đều đã biết đọc, biết viết gần hết. Thế nhưng, sau một thời gian bỡ ngỡ, con nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới và bắt kịp các bạn.
Theo chị, có một số việc bố mẹ cần rèn cho con và cho chính mình khi bé chuẩn bị vào tiểu học.
Thứ nhất
Nên tạo cho trẻ thói quen đại tiện vào buổi tối hay sáng, khi ở nhà.
Con trai chị, hồi mới vào lớp 1, cứ đi học về là lao vào toilet vì “nhà vệ sinh của trường bẩn, con ghê lắm không dám vào”. Ở trường mẫu giáo, mỗi lớp có nhà vệ sinh riêng, sạch sẽ, còn ở một số trường tiểu học, khu vệ sinh chung cho cả trường. Sau này, cô giáo chủ nhiệm lớp bé có lần dẫn cả lớp đi vệ sinh, hướng dẫn tỉ mỉ nên các con bớt sợ hơn, nhưng bé vẫn không dám đi “nặng” ở trường.
Thứ hai
Để con hào hứng với môi trường học mới là bố mẹ phải thật thoải mái, không tạo áp lực cho bé phải đạt điểm cao hay danh hiệu nào đó.
Người mẹ trẻ cho biết, vì không đi học thêm trước khi vào lớp 1 nên thời gian đầu, cu cậu toàn được 4-5 điểm. Mỗi lần kèm con học, chị thấy mình sắp nổi điên vì con hay viết sai, kể cả những điều đơn giản nhất. Nhưng mẹ càng cáu, bé càng sợ, càng làm sai. Sau đó, nghe lời khuyên của một đồng nghiệp, chị cố gắng tạo không khí vui vẻ khi hướng dẫn con học và kết quả tốt hơn.
Sang học kỳ 2, chị không ngồi sát kèm con học mà chỉ hướng dẫn những bài nào khó, con chưa hiểu rồi để bé tự làm trong một khoảng thời gian do mẹ quy định. “Mình ngồi cạnh vừa tạo áp lực cho con, rồi con cái gì cũng quay sang hỏi mẹ khiến mình căng thẳng thêm”, chị Loan nói.
Chị Loan cho biết, những việc nho nhỏ như hướng dẫn con soạn sách vở, bơm mực, gọt bút chì cũng rất quan trọng. Khi biết làm, bé sẽ cảm thấy tự tin hơn và chủ động trong mọi lúc, kể cả khi ở trên lớp.
Có hai con, đều đã qua lớp 1, chị Tuyết (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) thì cho rằng điều quan trọng nhất là phải tập dần được cho bé thói quen ngồi yên ở bàn học vìmột khác biệt lớn ở lớp một so với mầm non là trẻ phải ngồi nhất ít 30 phút nghe cô giáo giảng.
“Bé đầu mình để tự nhiên. Đến tuổi thì đi học, cả kỳ đầu bị cô nhắc nhở vì trong lớp toàn ngồi nói chuyện, đang giờ học thì đi lại nghênh ngang… Bé hai rút kinh nghiệm, từ lúc mẫu giáo lớn là ăn xong ngồi vào bàn học, ban đầu chỉ tô màu, vẽ vời 5-10 phút thôi, sau tăng dần”, chị Tuyết kể.
Theo cô Đặng Hoàng Hương, giáo viên lớp 1 một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, trẻ bước vào lớp một thường gặp một số khó khăn như giờ giấc sinh hoạt thay đổi vì phải dậy sớm hơn để đến trường, nhiều em vào lớp buồn ngủ, chưa kịp ăn sáng; Chưa thích nghi với nề nếp học tập (đi lại, nói chuyện tự do trong giờ học) hay nếp sinh hoạt ăn, ngủ, nhiều em học mầm non (nhất là các bé ở trường tư thục) vẫn được cô giáo bón cho ăn…
Ngoài ra, khả năng tập trung trong giờ học của các em cũng chưa tốt: đang ngồi nghe giảng thì lơ đãng nhìn ra ngoài cửa sổ, thò tay vào trong ngăn bàn để nghịch sách vở… Các emchưa biết đọc nên không hiểu yêu cầu của bài toán, nếu không tập trung nghe cô giáo nêu yêu cầu của đề bài các con không biết cách làm.
Theo cô giáo Hương, để giúp con sớm thích nghi khi bắt đầu vào lớp 1, phụ huynh nên giải thích và trao đổi trước với con về việc bé chuẩn bị chuyển đến trường học mới, có bạn bè, thầy cô mới và việc học tập sẽ khác so việc khi còn ở trường mầm non. Bố mẹ nói sao để bé hiểu khi vào lớp 1con sẽ học nhiều hơn chơi, phải hoàn thành nghiêm túc những yêu cầu của cô giáo… nhưng không khiến trẻ sợ.
Ngoài ra, phụ huynh nên giúp con hình thành thói quen ngồi vào bàn học sau khi ăn tối, biết sắp xếp ngăn bàn và đồ dùng học tập, đi ngủ đúng giờ để hôm sau dậy sớm đi học vì trường tiểu học vào lớp sớm hơn mầm non. Phụ huynh cũng cần chuẩn bị tâm lý cho mình để giải quyết những vấn đề của các cháu khiến mình dễ cáu như: buổi tối ngồi học thì vừa học vừa chơi, đang học lại đi vệ sinh, uống nước liên tục…
“Bố mẹ nên trao đổi kịp thời với giáo viên chủ nhiệm và phải sát sao với việc học tập của con, đừng cho rằng đó là trách nhiệm riêng của nhà trường và giáo viên”, cô giáo chia sẻ.