Giới khoa học cảnh báo, tình trạng thiếu hụt iốt sẽ dẫn tới giảm hoạt tuyến giáp, được đặc trưng bởi dấu hiệu rụng lông, táo bón, vàng da, sợ lạnh, tăng cholesterol… Đặc biệt khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức ở trường đến chứng chậm phát triển nghiêm trọng, đần độn và chết non.
Những lời cảnh báo trên đã được đưa ra từ nhà khoa học tiên phong người Úc – Basil Hetzel – cách đây 40 năm, sau các cuộc nghiên cứu về sinh sản của ông, đồng thời đã làm sáng tỏ vai trò cần thiết của iốt tới quá trình phát triển trí não.
Tại Papua New Guinea (thuộc châu Đại Dương), vào những năm 1960, nhóm nghiên cứu của Hetzel lần đầu tiên chứng minh rằng, tình trạng tổn hại não ở trẻ sơ sinh có thể được ngăn ngừa bằng việc cải thiện vấn đề thiếu hụt iốt ở các bà mẹ trước khi mang thai, các nhà khoa học cho biết.
Từ đó, Hetzel đã vận động Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tiến hành một chiến dịch toàn cầu nhằm nâng cao ý thức người dân về việc sử dụng iốt. Chiến dịch này đã mang lại kết quả khả quan khi chỉ có 20% dân số thế giới, trước năm 1990 sử dụng iốt, đến nay đã nhảy vọt lên 70% dân số thế giới thường xuyên bổ sung loại khoáng chất này.
“Cho dù chiến dịch đã phần nào mang lại kết quả, giới khoa học tiên đoán rằng vẫn còn nhiều hơn 80 triệu trẻ sơ sinh trên thế giới cần được bảo vệ trước nguy cơ bị thiếu hụt iốt”, Hetzel nói.
“Chúng tôi phát hiện sự thành công đáng ngạc nhiên ở vài quốc gia như Trung Quốc, nơi mà chính quyền đã kiểm soát được vấn đề bằng cách ưu tiên việc bổ sung iốt. Tuy nhiên, có nhiều nước ở khu vực trung tâm tây châu Phi, nơi có hạ tầng cơ sở nghèo nàn, chiến tranh và trình độ dân trí thấp đã khiến cuộc vận động này chưa thực sự đến được với người dân”, các nhà khoa học cho biết.
Hetzel bổ sung: “Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt iốt cũng vẫn còn tồn tại ở một vài nơi khác trên thế giới. Đã có những bằng chứng chỉ rõ rằng, kết quả học tập của nhiều học sinh hiện nay đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc không bổ sung đủ iốt. Đây là một vấn đề cấp bách mà các quốc gia cần quan tâm và vận động người dân thường xuyên bổ sung loại khoáng chất này trong chế độ ăn hàng ngày, nhằm giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng”.