Nhiều bậc phụ huynh không biết phải làm như thế nào để con biết nói lời xin lỗi, những lúc bé phạm lỗi mẹ càng giục thì bé lại càng tỏ ra bướng bỉnh. Vậy phải làm sao để việc dạy con xin lỗi hiệu quả hơn?
Bé Nam (4 tuổi) vốn nổi tiếng là hay đánh bạn. Chiều nay đến cổng trường đón con, từ xa, chị Hồng đã nhìn thấy cảnh con đang xô đẩy một bạn khác. Đến nơi, chị gọi cả bé Nam và bạn lại gần để hỏi chuyện đầu đuôi. Biết con sai, chị Hồng giục con xin lỗi bạn nhưng bé Nam cứ lì ra không chịu lên tiếng, đã thế mắt còn gườm gườm nhìn bạn như thể hăm dọa. Không biết làm cách nào khác, chị Hồng đành bảo với bạn của con rằng: “Để cô về nói chuyện với Nam rồi hôm sau Nam sẽ xin lỗi con nhé!”.
Trường hợp khó nói lời xin lỗi như bé Nam không phải là hiếm. Chị Linh (Nam Định) đã không ít lần kêu ca sao con mình bướng bỉnh thế. Mới cách đây vài hôm, cu Mít (5 tuổi) nhà chị vảy mực lên áo mẹ và bị ăn mắng. Mặc dù chị Linh dùng đủ mọi cách để yêu còn con nói lời xin lỗi mẹ mà vẫn không có tác dụng. Chị Linh đang đau đầu vì không biết tìm cách nào để trị cậu con bướng bỉnh.
Muốn con xin lỗi, cha mẹ hãy làm gương
Có lần con sai, chị Linh đã phải sử dụng đến biện pháp cuối cùng là đòn roi để bắt con nói lời xin lỗi nhưng vẫn không có kết quả. Khi bị đánh đau quá, cu cậu đã nói một câu khiến chị thật sự sốc: “Lần trước mẹ làm hỏng điện thoại của bố mẹ có xin lỗi bố đâu mà bây giờ bắt con xin lỗi!”.
Theo các chuyên gia giáo dục, đây là độ tuổi trẻ bắt đầu bướng bỉnh. Mặt khác trẻ luôn luôn quan sát những hành động của mọi người xung quanh, đặc biệt là những người trong gia đình gần gũi bé nhất để bắt chước. Vì vậy khi làm gì đó sai, bạn nên xin lỗi, thậm chí cha mẹ nên biết học cách xin lỗi con ngay từ khi bé mới 1 tuổi.
Để việc dạy con xin lỗi hiệu quả hơn, cha mẹ cần giải thích cho bé vì sao phải nói lời xin lỗi. Điều này sẽ giúp bé hiểu khi nào thì một lời xin lỗi là cần thiết. Tùy vào độ tuổi của con mà cha mẹ có thể đưa ra những lời giải thích hợp lý để bé dễ hiểu.
Dạy con phân biệt đúng sai là một trong những cách để bé biết nói lời xin lỗi khi cần thiết vì con đã hiểu việc làm nào của mình là không đúng và hình thành phản xạ nói lời xin lỗi khi cần.
Các chuyên gia giáo dục cũng cho biết, đôi khi cha mẹ cần khuyến khích, thậm chí dỗ ngọt để trẻ chịu xin lỗi. Cần giảng giải về lỗi của trẻ để trẻ chịu nhận lỗi chứ không phải một lời xin lỗi lấy lệ, không xuất phát từ trái tim. Chẳng hạn cha mẹ cần dạy con trẻ phải nhìn thẳng vào người đối diện, nói xin lỗi rõ ràng và chân thành. Như vậy sau này, trẻ sẽ có thói quen thật thà với người lớn chứ không phải để đối phó.
Hàng ngày, cha mẹ có thể cùng con chơi những trò chơi giả định để tập cho bé biết cách nói lời xin lỗi cũng là một trong những gợi ý hay. Chẳng hạn nếu bé lỡ làm vỡ bát hay cắn mẹ thì mẹ thử hỏi bé xem lời xin lỗi trong trường hợp này là có cần thiết hay không. Dần dần, bé nhà bạn sẽ hiểu và biết cách xin lỗi một cách chân thành khi cần thiết.