Theo bà Kim Milano – chuyên gia dinh dưỡng Mỹ, có 4 kiểu bố mẹ cho con ăn điển hình là kiểu ưa kiểm soát, kiểu thông cảm, kiểu xao lãng và kiểu nuông chiều.
Chia sẻ trong một hội thảo ở TP HCM vài ngày trước, bà Kim Milano – chuyên gia dinh dưỡng Mỹ cho rằng cho ăn là sự tương tác giữa cha mẹ và bé, theo cách cha mẹ cho bé ăn; còn bé thì ăn. Trong việc ăn uống của bé, vai trò của con và bố mẹ là như nhau.
Tác động của cha mẹ trong bữa ăn là dựa trên các yếu tố truyền thống gia đình để giúp bé sớm tiếp xúc với các mùi vị, làm mẫu cho bé khi tập ăn một mình, kiểm soát các loại thức ăn và kiến tạo không gian ăn uống cho trẻ. Còn trẻ cũng có ý thức phát triểu khả năng ăn uống, biết phân biệt những hương vị và có thái độ yêu ghét với món ăn đó. Trẻ cũng ngần ngại trước những cái mới, đặc biệt có khả năng điều chỉnh năng lượng của mình. Nếu không được ăn bé sẽ đói, ăn nhiều trẻ thấy no.
Thực tế trên thế giới rất nhiều bố mẹ đã mắc sai lầm khi cho trẻ ăn, luôn áp đặt bữa ăn một cách thái quá. Theo bà Milano, có 4 kiểu bố mẹ cho con ăn điển hình là kiểu ưa kiểm soát, kiểu thông cảm, kiểu xao lãng và kiểu nuông chiều. Khi xác định được kiểu cho ăn của mình, người lớn sẽ tìm ra được phương pháp thích hợp, để mỗi bữa ăn của gia đình không còn là một trận chiến căng thẳng với bé, hay thậm chí là trận chiến giữa cha mẹ với nhau khi con biếng ăn.
1. Kiểu ưa kiểm soát
Đây là khuôn mẫu chung của phần lớn cha mẹ khi cho con ăn. Cha mẹ luôn cố gắng kiểm soát việc ăn uống của trẻ, từ loại thức ăn cho đến số lượng thức ăn. Họ giới hạn những loại thức ăn trẻ được ăn và ép bé ăn hết khẩu phần mà mình quy định; không quan tâm đến dấu hiệu chứng tỏ sự no/đói ở trẻ. Thậm chí, người lớn sẵn sàng dụ dỗ trẻ ăn bằng những phần thưởng,hứa hẹn mua thứ này thứ kia cho trẻ, sẵn sàng mở tivi, bày đồ chơi cho trẻ miễn sao chúng ăn hết phần.
Hậu quả của những đứa trẻ được cho ăn theo kiểu này sẽ điều chỉnh năng lượng kém, chúng không biết phân biệt cảm giác no đói của mình. Chúng có thể bị ép ăn ngay cả khi đã no. Bữa ăn của chúng cũng thường được kéo dài hơn quy định, cha mẹ cộng thêm giờ để chúng có thời gian giải quyết hết phần ăn trên đĩa của mình. Tuy nhiên, cha mẹ không biết rằng giờ ăn bị kéo dài sẽ ảnh hưởng đến bữa sau của trẻ. Chúng cũng thường ăn ít rau và trái cây. Vì thế những đứa trẻ được cho ăn kiểu này vẫn có nguy cơ nhẹ cân hoặc nguy cơ béo phì.
Không chỉ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ, kiểu cho ăn áp đặt cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, trí tuệ của trẻ. Bị ép ăn, giữa trẻ và cha mẹ đã có mâu thuẫn nhất định trong chuyện ăn uống. Có những đứa trẻ bị cha mẹ phạt, quát mắng, dọa nạt nếu không chịu ăn. Trẻ sẽ thấy mỗi bữa ăn là một cực hình, sẽ cảm thấy khốn khổ, thậm chí sợ ăn và sợ người cho ăn, tình cảm mẹ con sứt mẻ. Cảm xúc này không tốt chút nào khi nó lại được kéo dài trong suốt năm tháng đầu đời của trẻ.
Thậm chí, những đứa này cũng bắt thóp được cha mẹ, chúng biết rằng việc ăn uống của mình có thể ảnh hưởng tới cảm xúc của cha mẹ, cha mẹ vui khi chúng ăn hết và nhăn nhó khi con chê ăn. Trẻ có thể lợi dụng bữa ăn để đòi hỏi cái này cái kia. Chúng nghĩ rằng mình ăn cho cha mẹ chứ không phải cho mình.
Nhiều cha mẹ hay sợ rằng nếu trẻ ăn ít sẽ thiếu cân, ảnh hưởng đến sự phát triển của trí não. Bà Kim Milano cho biết, thực ra thiếu cân không hề ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của bé. Tuy nhiên lo bé thiếu cân, cha mẹ thường ép trẻ ăn, xảy ra mâu thuẫn giữa con và cha mẹ. Chính mâu thuẫn này có thể ảnh hưởng đến hành vi trí tuệ và sự phát triển của trẻ. Thiếu cân một chút không có gì đáng ngại, rồi bé sẽ ăn bù, tình hình chỉ nguy hiểm khi bé bị suy dinh dưỡng
2. Kiểu xao lãng
Những cha mẹ này sẽ đầu hàng, từ bỏ việc cho ăn khi gặp khó khăn. Họ cũng không đưa ra một giới hạn nào cho trẻ trong ăn uống, họ không quan tâm đến dấu hiệu chứng tỏ bé đói, thậm chí họ có thể quên cho con ăn khi đến bữa.
Ảnh hưởng dễ thấy là đứa trẻ sẽ có nguy cơ béo phì cao hoặc còi, thiếu cân. Những đứa trẻ này cũng không gần gũi với cha mẹ cho lắm.
3. Kiểu nuông chiều
Những cha mẹ này cũng không đưa ra một giới hạn nào cho con, họ cho trẻ ăn tùy thích cả về món ăn, thời gian và địa điểm. Họ sẵn sàng làm những thức ăn đặc biệt để phục vụ trẻ nếu chúng yêu cầu và cũng không quan tâm đến những dấu hiệu chứng tỏ bé no đói.
Trẻ em được nuôi ăn kiểu này có nguy cơ béo phì vì uống ít sữa, ăn thức ăn ít chất dinh dưỡng nhưng lại nhiều chất béo, chúng thích đồ ăn ngọt, nước có ga và các thức ăn nhanh. Những đứa trẻ này cũng sẽ hơi vô tổ chức.
4. Kiểu thông cảm
Những cha mẹ này có ý thức hướng dẫn cho trẻ cách ăn; thiết lập giới hạn về món ăn, thời gian, địa điểm; làm mẫu cho con ăn theo và nói với bé về thức ăn theo hướng tích cực. Người lớn đáp ứng khi nhận thấy dấu hiệu trẻ đói, không cố ép khi bé đã có dấu hiệu no.
Những đứa trẻ được nuôi ăn theo kiểu này sẽ ăn nhiều trái cây, rau và sản phẩm từ sữa, ăn ít các loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng thấp, có thể thoát khỏi nguy cơ bị thừa cân. Ngoài ra, được cha mẹ thông cảm, thấu hiểu, những đứa trẻ này có thể phát triển hành vi tốt. Bà Kim Milano khuyên tốt nhất phụ huynh nên trở thành những ông bố bà mẹ biết thông cảm khi cho con ăn.