Để giúp các mẹ bầu bớt lo lắng và yên tâm hơn trong việc sử dụng sữa đậu nành và các sản phẩm từ đậu khi mang thai, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với BS Lê Thị Kim Dung – Trưởng khoa sản – Trung tâm Y tế lao động Thái Hà (Hà Nội) để làm rõ vấn đề này.
Một độc giả nữ đang mang bầu bày tỏ lo lắng về việc uống sữa đậu nành có thể ảnh hưởng đến giới tính thai nhi. Bác sĩ có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Việc uống sữa đậu nành không ảnh hưởng đến giới tính thai nhi. Vì sữa đậu nành chứ không phải là mầm đầu nành. Trong sữa đậu nành chứa fitoestrogen hay còn gọi là estrogen thực vật với hàm lượng vô cùng thấp nên không có ảnh hưởng gì. Ngoài ra, cũng chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào nói việc uống sữa đậu nành ảnh hưởng giới tính thai nhi.
Vậy với người mang bầu, bác sĩ đưa ra lời khuyên nên uống lượng sữa đậu nành bao nhiêu trong ngày là hợp lý?
Tùy từng người có sở thích uống sữa đậu nành hay không, khó có thể đưa ra một tiêu chuẩn chung. Nhưng uống sữa đậu nành khoảng 1 cốc/ngày là tốt nhất.
Trong thư của độc giả, người phụ nữ mang bầu có nhắc đến lượng sữa đậu nành dùng hàng ngày gồm 200 ml buổi sáng và 500 ml uống rải rác trong ngày. Liều lượng như thế có quá nhiều không, thưa bác sĩ?
Vì độc giả không nêu lượng sữa đó đặc hay loãng nên khó có thể trả lời chính xác cho bạn là uống như vậy có hợp lý hay không. Tốt hơn cả, chị nên chỉ nên uống 1 cốc/ngày.
Trong sữa đậu nành có chất gì ảnh hưởng đến thai nhi và phụ nữ mang bầu không, thưa bác sĩ?
Bản thân sữa đậu nành là thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật chứa nhiều protit. Nên việc bổ sung sữa đậu nành hàng ngày là điều hoàn toàn tốt, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Vậy theo bác sĩ, chế độ ăn uống với phụ nữ có bầu như thế nào là hợp lý?
Sữa đậu nành là sản phẩm chế biến từ đậu tương, là loại thực phẩm thiên nhiên, có giá trị dinh dưỡng cao, mùi vị thơm ngon, dễ uống, dễ hấp thụ. Theo nghiên cứu của Đại học Y Đại Học Y Khoa Tuft – Hoa Kỳ, không nên bổ sung vào cơ thể quá 100 mg isoflavone trong đậu tương mỗi ngày.
Ở mức 35 – 55 mg isoflavone mỗi ngày được cho là mức an toàn. Theo đó thì một cốc sữa đậu nành có chứa khoảng 50 mg isoflavones và khoảng 6 gam protein đậu tương.
Trong 3 tháng đầu, phụ nữ mang thai không ăn được nhiều là chuyện bình thường, lý do có thể vì ốm nghén và thai còn bé nên nhu cầu năng lượng không cao. Khẩu phần ăn khi mang bầu phụ thuộc vào thể trạng của người mẹ. Xét về tương đối thì khẩu phần ăn trong giai đoạn này có thể như nhau.
Đến 3 tháng giữa, cân nặng tăng lên nhiều, có những người tăng 0,5kg/tuần nên cần nhiều năng lượng, lượng thức ăn có thể bổ sung nhiều hơn ¼ so với khẩu ăn thường ngày. Ở tháng thứ nhất và tháng thứ hai của 3 tháng cuối vẫn cần ăn nhiều nhưng tỷ lệ ăn không cần đến lượng thức ăn vượt quá ¼ so với khẩu phần ăn hàng ngày như trước đó. Còn tháng cuối không tăng cân nhiều, nên nhu cầu ăn ít hơn.
Phụ nữ mang bầu cần tránh các chất kích thích, ăn đồ nóng và cay. Mặt khác, cần bổ sung chất đạm, vitamin, không quên bổ sung axitfolic và canxi… để thai kỳ được khỏe mạnh nhất.
Xin cảm ơn bác sĩ!