Bài viết này là những dòng nhật ký cảm xúc của một mẹ bầu nghèo dành cho thiên thần bé nhỏ đang trong bụng, tuy chứa đầy lo toan nhưng cũng chan chứa tình yêu thương tha thiết.
Ngày… tháng… năm
Que thử thai hiện lên hai vạch. Bố lo lắng nhưng vẫn cố vui vẻ đùa: “Chắc phải đặt tên con là Lỡ em ạ”. Bố nói thế cũng có lý của bố vì bố mẹ chưa có kế hoạch sinh con. Bố mẹ mới kết hôn, kinh tế còn nhiều khó khăn lắm con ạ.
Thế nhưng sau những phút lo lắng, bối rối ban đầu, bố mẹ lại thấy hạnh phúc vô cùng vì con là của trời cho. Khó khăn một chút cũng không sao. Bố mẹ sẽ cố gắng làm thêm để có tiền chăm sóc con. Người ta mua sữa ngoại, sữa xách tay, bố mẹ nghèo, bố mẹ chỉ mua được sữa nội cho con. Một thoáng suy nghĩ xa xôi khiến mẹ cay cay khóe mắt. Từ bây giờ, những dòng nhật ký của mẹ này sẽ viết dành cho con.
Ngày… tháng… năm
Bố mẹ không đi khám ngoài mà vào bệnh viện theo diện bảo hiểm. Một phần vì tiết kiệm cho khoản ngân sách quá đỗi eo hẹp của nhà mình, một phần vì bố mẹ không quan trọng con là trai hay gái. Với bố mẹ, miễn con mạnh khỏe, ngoan ngoãn là đủ rồi.
Dù con mới được vài tuần tuổi nhưng đêm nào, sau khi làm việc xong, bố cũng phải ghé bụng mẹ thì thầm: “Con yêu của bố ngoan nhé. Con khỏe mạnh nhưng không được quậy mẹ đâu đấy. Mẹ mà ốm là nguy lắm con yêu ạ. Nhà mình nghèo, cả bố mẹ cật lực làm may ra mới đủ chăm sóc tốt cho con được”.
Không biết có phải do bố chăm chỉ năn nỉ hay không mà con ngoan lắm. Con chẳng khiến mẹ ốm, chẳng khiến mẹ nghén. Mang bầu con, mẹ dường như khỏe hơn, mẹ làm thêm được bao nhiêu là việc. Con đã truyền cho mẹ sinh lực phải không con yêu?
Ngày… tháng… năm
Con mới 3 tháng tuổi trong bụng mẹ mà bố đã ngồi tính toán chi phí sinh nở, chi phí chăm sóc con. Mặc dù các khoản chi tiêu được đều bố liệt vào hạng “nhà nghèo” nhưng chúng vẫn khiến bố mẹ giật mình. Với tổng thu nhập của hai người chỉ ngót ngét 5 triệu, bố mẹ làm sao lo cho con được trong thời bão giá bây giờ.
Ngồi trong căn nhà đi thuê chật chội với giá thuê 1,2 triệu đồng/tháng, bố vắt óc ra nghĩ cách kiếm tiền. Vì năng lực có hạn, bố mẹ chẳng nghĩ ra cách gì khả dĩ, bố mẹ đành tiếp tục làm công việc của người lao động chân tay. Đó là dán vàng mã thuê. Một tuần khoảng 3 lần, bố bắt xe bus đi tận 20km về Thường Tín lấy hàng để rồi đêm đêm, bố mẹ thức tới tận 2 – 3 giờ sáng dán vàng mã.
Mỗi lần thấy mẹ khệ nệ thức khuya, bố rơm rớm nước mắt và chẳng bao giờ dám nhìn vào mắt mẹ. Mẹ biết bố khóc thương mẹ con mình nhưng mẹ lờ đi coi như không thấy. Biết làm sao đây, bố cố gắng, mẹ cũng phải cố gắng vì con đúng không nào?
Thù lao cho những đêm vất vả là khoảng 2 triệu đồng/tháng. Quá thấp phải không con nhưng nó cũng giúp cho bố mẹ tiết kiệm thêm được chút ít dành cho con chào đời.
Ngày… tháng… năm
Món ăn quen thuộc của bố bây giờ là mì tôm. Bố bắt mẹ ăn thật nhiều món bổ dưỡng để con khỏe. Vất vả, thiếu thốn là thế nhưng lạ kỳ thay, bố mẹ dường như ngày càng mạnh mẽ hơn. Có lẽ chính con đã truyền sức mạnh cho cả bố mẹ.
Vất vả, bận rộn là thế nhưng ngày nào bố mẹ cũng dành thời gian trò chuyện với con. Không biết con có hiểu những gì bố mẹ nói không nhưng thỉnh thoảng con hứng chí đạp mẹ thật mạnh khiến bố mẹ lại chảy nước mắt vì hạnh phúc.
Ngày… tháng… năm
Chỉ còn vài tuần nữa con chào đời. Bố mẹ lo lắm. Lúc thì lo không biết có mẹ tròn con vuông không, khi thì lo con có mạnh khỏe không. Nỗi lo vừa đi qua, bố mẹ lại hồi hộp chẳng biết con giống ai. Bao nhiêu câu hỏi dồn đến khiến tim mẹ đập nhanh hơn.
Sắp đến ngày sinh nên bố bắt mẹ hạn chế ra ngoài. Việc mua sắm đồ cho con một mình bố làm hết. Gọi là mua sắm cho oách chứ thật ra đồ của con hầu hết là đồ bố mẹ đi xin. Đi xin để lấy vía là một phần. Phần quan trọng hơn, bố mẹ muốn có nhiều tiền hơn nữa để lo cho con.
Ngày… tháng… năm
Hôm nay bố viết mấy dòng nhật ký thay cho mẹ vì mẹ đang lăn lộn trong phòng chờ sinh. Mẹ trở dạ lâu rồi mà con cứng đầu chưa chịu ra. Bố lo lắng lắm. Cầu mong cho hai mẹ con bình an. Cầu mong cho thiên thần bé nhỏ đến với bố mẹ thật nhanh.