Tại TPHP Dân tộc Nội trú Lào Cai, có tới 37 em học sinh bị mắc dịch cúm, trong đó một số mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với cúm H1N1. Trong năm nay, đây là ổ dịch cúm đầu tiên được phát hiện tại trường học.
Trước đó, từ ngày 24/4, nhiều học sinh tại đây có các biểu hiện bệnh cúm như đau mỏi người, đau đầu, sốt, viêm họng kèm theo có hắt hơi sổ mũi, ho… Bên cạnh ổ dịch này, cơ quan y tế Lào Cai cũng đang điều trị 5 bệnh nhân dương tính H1N1 tại hai gia đình ở thôn Làng Tòng, xã Quang Kim, huyện Bát Xát.
Cơ quan chức năng đã lập khu cách ly điều trị tại chỗ cho số học sinh mắc bệnh; đồng thời khoanh vùng, xử lý chùm ca bệnh nhằm không để lây ra diện rộng.
Cùng thời điểm đó, Đà Lạt cũng ghi nhận một trường hợp mắc cúm H1N1 là nhân viên bảo vệ một khách sạn.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong 5 ngày nghỉ lễ vừa qua cũng đã xác định thêm 2 trường hợp nhiễm cúm H1N1. Họ đều là nam giới, trên 80 tuổi sống tại huyện Thường Tín, Hà Nội. Cả hai nhập viện trong tình trạng viêm phổi, suy hô hấp, một người phải thở máy. Cả hai gia đình đều có những thành viên khác mắc bệnh nhưng nhẹ hơn. Vì thế, các bác sĩ cho rằng, nhiều khả năng đây cũng là chùm ca bệnh do cúm H1N1, giống như chùm ca bệnh cúm ghi nhận trước đó ở Yên Bái và Thanh Hóa.
Từ đầu năm tới nay, đã có 3 người tử vong vì chủng cúm H1N1 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có một bé gái 12 tuổi và một thanh niên 23 tuổi.
Các chuyên gia khuyến cáo, trong các chủng cúm lưu hành hiện nay thì H1N1 đang phát triển trội lên, chiếm 48%, trong khi năm ngoái tỷ lệ này chỉ là 5-7%.
Tiến sĩ Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, khuyến cáo, cúm H1N1 hiện lưu hành như một cúm mùa thông thường nhưng người dân không nên chủ quan. Trên thế giới cao điểm có năm ghi nhận 500.000 ca tử vong vì cúm này. Cúm H1N1 nguy hiểm hơn vì dễ lây từ người sang người. Đa phần các ca nhiễm cúm là nhẹ, tự khỏi bệnh nhưng vẫn có tỷ lệ tử vong nhất định. Nguy cơ tử vong cao hơn ở người già, trẻ em, thai phụ hoặc người mắc bệnh mãn tính.
Những trường hợp sốt cao, khó thở cần đến cơ sở y tế ngay, không được chủ quan để ở nhà. Bên cạnh đó, người dân có thể đi tiêm văcxin để phòng bệnh. Tuân thủ các biện pháp phòng cúm nói chung như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm. Khi bị cúm thì nên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi.