Đôi lúc có những tình huống có thể khiến các bậc cha mẹ phải bối rối, thậm chí xấu hổ vì con. Các bậc cha mẹ hãy tham khảo và áp dụng những “tuyệt chiêu” hóa giải dưới đây nhé!
1. Bé đánh bạn
Vào một ngày đẹp trời, bạn và cô bạn thân cùng đưa con đi uống cà phê. Khi cả hai đang say sưa trò chuyện thì bống thấy con của cô bạn khóc ầm ĩ vì bị con mình đánh khiến bạn xấu hổ vì con.
Cách hay cho mẹ: Hành vi đánh, đẩy, cào cấu… là những hành vi điển hình ở các bé. Mẹ đừng vội kết luận con mình là một đứa trẻ hung hăng và bạo lực mà cần tìm hiểu nguyên nhân của hành động này, thông thường là do bé muốn chiếm một thứ gì đó. Bé cũng không thể hiểu rằng những hành động đó của mình sẽ làm người khác bị đau, là không tốt. Vì vậy nhiệm vụ của cha mẹ là hãy giải thích cho bé hiểu. Hãy nói với bé rằng: “Con làm thế sẽ khiến bạn bị đau đấy. Lần sau con đừng làm vậy nữa nhé!”.
Cha mẹ có thể sẽ phải lặp lại việc giải thích này nhiều lần bé mới hiểu. Nhưng hãy kiên trì vì dạy con là cả một quá trình đòi hỏi cha mẹ phải thật kiên nhẫn.
Để bé nhớ bài học, cha mẹ hãy khen ngợi con kịp thời mỗi khi bé vui chơi hòa thuận cùng các bạn khác.
2. Bé có tính ki bo
Khi chơi với trẻ con hàng xóm, bé nhất định không chịu cho các bạn mượn đồ chơi của mình, lúc nào cũng giữ khư khư. Nếu có bạn nào đến gần chạm vào đồ chơi của bé là bé gào lên để giữ của.
Cách hay cho mẹ: Từ chối chia sẻ là bản tính tự nhiên của tất cả trẻ con. Cha mẹ hãy giải thích cho con biết rằng chia sẻ và trao đổi đồ chơi là một việc làm được khuyến khích, hãy nói với bé những câu như: “Con cho em bé mượn cái xúc xắc này nhé. Em bé sẽ rất thích và muốn cảm ơn con đấy, chỉ là em bé chưa biết nói thôi”, hay: “Con cho bạn Bin mượn quả bóng này đi, mẹ con mình sẽ mượn của bạn ấy chiếc ô tô điều khiển từ xa nhé”.
3. Bé thích “nhặt nhạnh”
Mỗi khi cùng bé đi siêu thị hay đến nhà ai đó chơi, cứ thấy gì thích thích mắt là bé tranh thủ “nhặt nhạnh” và bỏ vào túi quần áo của mình…
Cách hay cho mẹ: Các bé chưa đủ lớn để hiểu rằng phải trả tiền cho thứ gì đó hoặc không được lấy đồ không phải của mình cho nên hành động này thật khó liệt vào dạng ăn cắp. Mẹ nên giải thích cho con và nói với bé rằng: “Thứ này không phải của con, con phải trả lại chỗ cũ” và cùng bé để lại đồ vào đúng vị trí.
4. Ăn vạ chỗ đông người
Bạn đưa bé đi chơi và đén giờ về nhưng bé không chịu và lăn ra ăn vạ, hoặc khi đưa bé đi siêu thị bé lăn lộn khóc lóc đòi mẹ mua cho một món đồ chơi… Hành động ăn vạ, khóc lóc, mè nheo chốn đông người của bé thường làm cha mẹ bực bội và bối rối.
Cách hay cho mẹ: Ở tầm 1-2 tuổi, nhiều bé chưa biết nói sõi nên bé chỉ có thể bày tỏ sự thất vọng hay không đồng ý bằng cách lăn ra gào khóc. Thay vì đánh mắng con, cha mẹ hãy giải thích nhẹ nhàng và làm dịu bé bằng một cái ôm.
Nếu gào khóc không giảm bớt, bạn nên đưa bé ra ngoài hoặc để bé ở những nơi mà bé có thể thỏa sức la hét. Có thể mọi người xung quanh sẽ nhìn chằm chằm vào hai mẹ con bạn nhưng cứ giữ bình tĩnh. Vì nếu bạn chào thua bé trong lần này, bé sẽ hiểu rằng bạn rất sợ hành động này của bé mà có cớ để ăn vạ cho những lần sau.
5. Bé thiếu lịch sự
Ở chỗ đông người, bông dưng bé nhà bạn đi tè ở chỗ không được phép hoặc đưa tay ngoáy mũi…
Cách hay cho mẹ: Những hành vi thiếu lịch sự này khá phổ biến ở bé mới biết đi hoặc ở tuổi mẫu giáo. Do đó, tránh phản ứng tiêu cực từ cha mẹ như bảo bé là: “Đồ kinh tởm”. Đây có thể là cách bé tìm hiểu về cơ thể của bé, kể cả lúc bé nghịch vùng kín ở nơi công cộng. Khi đó, hãy thử nói: “Kéo quần lên con, đừng nghịch chim thế”. Tiếp đến, làm bé bị xao nhãng bởi những trò chơi khác.
Hàng ngày, cha mẹ nên dạy cho bé khi nào hoặc ở đâu thì mới được kéo quần để đi tè như trong nhà vệ sinh… Nếu bé cố tình làm điều này như một trò chơi để gây chú ý thì một lần nữa, cha mẹ cần bình tĩnh nghiêm giọng nói: “Con đừng làm thế. Thế là không lịch sự đâu” rồi bỏ qua bé.
6. Hỏi những câu làm mẹ lúng túng
Trước mặt rất nhiều người, bỗng dưng bé nhà bạn hỏi: “Mẹ ơi sao em Bo không có bố?”, “Sao cô kia béo thế?”… Chắc hẳn bạn sẽ rất bối rối nếu bị bé hỏi bất ngờ như vậy lại ngay chốn đông người.
Cách hay cho mẹ: Các câu hỏi này thường làm phụ huynh xấu hổ nhưng bé lại không biết điều này. Bé đặt câu hỏi xuất phát từ bản tính tò mò tự nhiên và đây là dấu hiệu tốt. Thay vì trách bé: “Không nói linh tinh”, cha mẹ nên trung thực, chẳng hạn hạ thấp giọng xuống một chút và nói với bé: “Bởi vì mọi người là khác nhau mà con” hoặc gợi mở cho bé sang một chủ đề khác, nếu bạn thấy không cần thiết phải trả lời bé.