Để trẻ có thể ứng phó thật tốt với cuộc sống, với trường đời, ngay từ khi bé còn nhỏ các bậc cha mẹ hãy dạy cho con những kỹ năng cơ bản sau đây.
1. Tài chính
Tiết kiệm:
Tiêu ít hơn số tiền mà bạn kiếm được. Đây chỉ là một câu châm ngôn đơn giản nhưng không nhiều người trẻ hiểu được hay biết cách áp dụng. Vì vậy, hãy dạy con bạn từ khi con còn bé rằng hãy dành một phần tiền con nhận hoặc kiếm được vào lợn đất chẳng hạn. Dạy con cách thiết lập mục tiêu tiết kiệm và thực hiện mục tiêu đó, sau đó thì để con mua những thứ mà con đã dành tiền cho nó.
Ngân sách:
Nhiều người trưởng thành sợ khi nghĩ về điều này. Đó là do chúng ta thiếu hiểu biết và kỹ năng cần thiết. Do đó, hãy dạy con bạn những kỹ năng như lập ngân sách đơn giản. Bạn có thể chờ cho tới khi con bạn tới tuổi thanh thiếu niên, nhưng tại sao ta cần rèn luyện sớm cho con? Vì điều này còn giúp con bạn thấy tại sao môn toán lại cần thiết.
Đầu tư:
Đây là đề tài trò chuyện thú vị với con bạn khi chúng ở độ tuổi thanh thiếu niên. Dựa vào kinh nghiệm và kiến thức, bạn chia sẻ với con về vấn đề này qua các câu hỏi như: Khi nào thì đầu tư và tại sao việc đầu tư lại cần thiết? Bạn phải làm như thế nào và có những cách nào để đầu tư? Bạn nghiên cứu một khoản đầu tư như thế nào? Làm thế nào để khoản đầu tư tăng thêm theo thời gian?
Chi tiêu:
Đây là điều nên dạy trẻ khi chúng còn nhỏ. Bạn dạy con cách làm thế nào để tìm được món hàng chất lượng với giá hời, làm thế nào để so sánh những sản phẩm khác nhau về giá và chất lượng, làm thế nào để dùng đồ vật được lâu và không lãng phí, làm thế nào để nấu ăn ở nhà thay vì đi ăn ngoài quá nhiều và làm thế nào để kiểm soát việc mua sắm quá đà. Tuy nhiên, cần chú ý là khi bạn đi ra ngoài và tiêu tiền hoang phí thì bạn đang dạy chúng những điều ngược lại.
Tín dụng:
Đây là một vấn đề lớn đối với nhiều người trưởng thành. Do đó, hãy sớm dạy con bạn cách sử dụng khoản vay một cách có trách nhiệm và làm thế nào để tránh vay tiền khi không thực sự cần thiết, để tránh nợ nần quá nhiều.
Việc nghỉ hưu:
Làm việc chăm chỉ và nghỉ hưu hay là thi thoảng lại dừng lại nghỉ ngơi trong cuộc đời đi làm, điều nào tốt hơn? Đây là vấn đề cá nhân của mỗi người, nhưng con bạn thì nên biết ưu nhược điểm của mỗi lựa chọn, và làm thế nào để thực hiện điều đó. Hãy dạy con bạn tại sao lại cần phải bắt đầu chuẩn bị cho việc nghỉ hưu khi chúng còn trẻ và thông qua các lợi ích để thấy điều đó quan trọng như thế nào.
Từ thiện:
Hãy cho con bạn biết tại sao điều này lại quan trọng trong việc sử dụng đồng tiền, và làm thế nào để nó trở thành thói quen thường xuyên. Đây không chỉ là vấn đề tài chính mà còn là vấn đề xã hội. Tuy nhiên, bạn nên hướng dẫn con bạn cách tham gia các hoạt động tình nguyện và nhắc nhở con cũng phải nỗ lực khi tham gia các hoạt động này.
2. Tư duy
Tư duy phản biện:
Ngày nay, chúng ta được học để trở thành những con rô bốt, lắng nghe giáo viên, không đặt ra các câu hỏi, chấp nhận những gì chúng ta nghe và không tư duy. Nếu bạn phỏng vấn, bạn có thể muốn nhân viên của bạn như vậy, và nếu bạn là chính trị gia, bạn muốn công dân của bạn như vậy. Nhưng đó có phải là những gì bạn muốn ở con bạn? Một công dân, nhân viên, sinh viên ngu dốt, ngây thơ và không biết đặt câu hỏi nào? Nếu vậy, cứ việc. Còn không, hãy bắt đầu chỉ cho con bạn thói quen đặt câu hỏi tại sao? và kèm theo là kỹ năng tìm câu trả lời nữa bạn nhé. Đối thoại là cách tốt để hoàn thiện kỹ năng này.
Đọc sách:
Chắc chắn rồi, chúng ta được học đọc. Nhưng trường học thường làm cho nó trở nên tẻ nhạt. Hãy chỉ cho con bạn những thế giới tưởng tượng thật tuyệt vời ở đó. Hãy chỉ cho con bạn biết làm thế nào để tìm hiểu mọi thứ trên thế giới thông qua mạng, và làm thế nào để đánh giá độ tin cậy, tính logic và tính thực tế của những gì mà các con bạn đọc.
Tư duy tích cực:
Trong khi tư duy phê phán là một kỹ năng quan trọng, thì tư duy tích cực cũng cực kỳ cần thiết để có một cái nhìn lạc quan về cuộc sống. Chắc chắn là có nhiều điều làm cuộc sống này căng thẳng nhưng chúng có thể được thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Hãy dạy con bạn rằng thay vì phàn nàn về chúng hãy tìm giải pháp xử lý. Và trên tất cả là dạy con học cách tin vào bản thân và ngăn chặn những suy nghĩ tiêu cực.
Động lực:
Kỷ luật không phải là chìa khóa để đạt được thành công, mà phải là động lực. Chia sẻ với con cách làm thế nào để động viên bản thân, và bằng những cách khác nhau hãy để con bạn biết thật tuyệt làm sao khi đạt được các mục tiêu. Bắt đầu cho con bạn với những mục tiêu nhỏ, dễ dàng đạt được và để con phát triển kỹ năng này.
Đối phó với sức ì:
Đây là vấn đề mà tất cả chúng ta dù là trẻ con hay người lớn đều phải giải quyết. Tôi tin rằng chúng ta nên có những lúc trốn việc, lười biếng và giải trí. Nhưng chúng ta cần rèn luyện cho con thói quen khi có việc phải làm thì cần làm thực sự. Hãy chỉ cho con cách tìm hiểu lý do đằng sau sự trì hoãn và cách để đánh bại điều đó.
Đam mê:
Một trong những cách quan trọng nhất để thành công là tìm điều mà bạn đam mê và kiếm sống bằng điều đó. Con bạn sẽ không biết câu trả lời khi chúng còn nhỏ nhưng bạn nên chỉ cho con cách tìm và theo đuổi niềm đam mê của con. Bạn cũng cần nói cho con biết tại sao điều đó lại quan trọng.
3. Xã hội
Chống lại sự cạnh tranh:
Khi còn bé, chúng ta được dạy làm thế nào để cạnh tranh và chúng ta mang cách cư xử đó vào cuộc sống khi trưởng thành. Điều đó dẫn đến những việc như “đâm sau lưng”, nói xấu nhau, oán ghét nhau… Muốn tránh điều đó, hãy dạy con bạn làm thế nào để chia sẻ cơ hội thành công cho nhiều người, làm thế nào để con có thể dễ dàng thành công hơn nếu con giúp người khác thành công, và làm thế nào họ sẽ giúp con trở lại. Hãy chỉ cho con biết rằng thêm bạn bớt thù sẽ hữu ích cho cuộc sống và dạy con cách thực hiện điều đó.
Sự cảm thông:
Dạy con học đứng ở vị trí của người khác và cố gắng hiểu họ, giúp họ vượt qua đau khổ là điều cần thiết cho cuộc sống của con bạn sau này.
Tình yêu:
Tương tự như sự cảm thông, tình yêu chỉ khác ở chỗ thay vì bạn muốn an ủi nỗi đau khổ của người khác, bạn sẽ muốn họ hạnh phúc. Cả hai điều này đều cần thiết.
Lắng nghe:
Trẻ em có được dạy kỹ năng lắng nghe và nói chuyện với người khác ở trường học? Hãy dạy con cách lắng nghe người khác chân thành để thấu hiểu những gì họ nói, để đồng cảm với họ.
Đối thoại:
Đồng hành với kỹ năng lắng nghe, nghệ thuật giao tiếp cũng không được dạy ở trường. Thực ra, ở lớp trẻ em được dạy nói chuyện là xấu, nhưng có những lúc các bài học trên lớp lại không cần thiết bằng sự trò chuyện. Đây là kỹ năng xã hội quan trọng nên bắt đầu từ gia đình. Bạn hãy học cách đối thoại với con thay vì chỉ nói chuyện một phía với con.
4. Hạnh phúc
Học cách yêu cuộc sống:
Trẻ em không có nhiều vấn đề với điều này, nhưng hiểu biết về tầm quan trọng của nó và làm thế nào để thực hiện cũng rất hữu ích. Hãy là hình mẫu cho con, và con sẽ làm theo bạn.
Tìm mục đích sống:
Dù định hướng là gì thì có mục tiêu trong cuộc sống là cực kỳ quan trọng. Hãy dạy con bạn tầm quan trọng của điều này và cách làm thế nào để tự mình thực hiện.
Phát triển các mối quan hệ thân tình:
Cách tốt nhất để dạy con đó là tăng sự gần gũi thân mật với con bạn, sự yêu thương với vợ/chồng bạn hoặc với những người thân khác. Hãy dạy con kỹ năng phát triển tình cảm này, nói về tầm quan trọng của nó và cách để vượt qua những lúc khó khăn. Luôn có những thời điểm tồi tệ trong các mối quan hệ, nhưng với kỹ năng giao tiếp đúng đắn, đồng cảm và thỏa hiệp, con của bạn có thể vượt qua. Hãy dạy cho con bạn điều đó.
Lưu ý: Các kỹ năng này không nên dạy qua sách vở. Chúng ta có thể dạy qua ví dụ, trò chuyện, hành động, và để cho trẻ tự làm mọi việc. Khi bạn nói chuyện với con về kỹ năng này, hãy chỉ cho con cách làm và để cho con tự làm một vài lần dưới sự theo dõi của bạn, hãy cho trẻ sự tin tưởng để chúng tự làm và tự rút ra bài học từ những sai lầm. Sau mỗi bài học hãy kiểm tra lại con bạn và nói chuyện với con về những gì con học được.