Khi chăm sóc trẻ suyễn tại nhà các bậc phụ huynh cần phải biết cách nhận định và xử trí trong trường hợp trẻ bị lên cơn, phòng tránh nguyên nhân làm khởi phát cơn suyễn, biết cách tự phòng ngừa bằng thuốc và tái khám theo đúng hẹn của bác sĩ.
Bệnh suyễn là bệnh viêm mãn tính của đường thở. Khi lên cơn suyễn, đường thở sẽ phù nề, tăng tiết đàm và co thắt lại làm cho trẻ khò khè, khó thở. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, có tính chất gia đình nhưng hoàn toàn không lây. Hiện nay suyễn vẫn là gánh nặng lớn cho xã hội, chi phí điều trị của hen lớn cả chi phí dành cho bệnh lao và HIV cộng lại.
BS Nguyễn Thái Sơn, Phó trưởng khoa hô hấp, BV Nhi đồng I (TP HCM) cho biết, uớc tính trên thế giới đang có 300 triệu người mắc bệnh, chủ yếu trẻ em. Tại TP HCM, tỷ lệ người mắc bệnh chiếm 29,1%, tại Hà Nội con số này xấp xỉ 25%.
Theo bác sĩ Sơn, suyễn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả thể chất và tinh thần người bệnh. Trẻ bị suyễn sẽ phải giới hạn hoạt động thể lực, đối diện với nguy cơ tử vong, suy hô hấp… khi lên cơn. Suyễn có thể gây một số biến chứng như viêm phổi, xẹp phổi, trẻ chậm phát triển, biến dạng lồng ngực, suy dinh dưỡng, suy hô hấp mãn tính, suy tim mãn… Ngoài ra, suyễn còn ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt, ít nhiều gây ra những mặc cảm cho người bệnh.
“Tỷ lệ trẻ tử vong do suyễn không quá nhiều, chỉ khoảng 25.000 trẻ trong một năm trên toàn thế giới. Tuy nhiên vấn đề nhức nhối là đa số trường hợp tử vong đều không đáng xảy ra và có thể chủ động phòng tránh được”, bác sĩ Sơn nhấn mạnh.
Nghiên cứu các trường hợp trẻ tử vong cho thấy 36% trẻ có tiền sử suyễn nặng và đến 32% chưa hề nhập viện. Trẻ bị suyễn nhẹ nếu không kiểm soát tốt vẫn có nhiều nguy cơ tử vong.
Một số dấu hiệu của bệnh suyễn là ho tái đi tái lại nhiều lần, nhất là vào ban đêm. Trẻ khò khè, cơn khó thở, nặng ngực xuất hiện hoặc tái phát nặng hơn khi tiếp xúc các yếu tố khởi phát.Trẻ dưới 2 tuổi cần nghĩ đến suyễn khi trẻ khò khè từ 3 lần trở lên, không kể tuổi khởi phát, không kể trẻ có tiền sử dị ứng gia đình, dị ứng bản thân hay không.
Bác sĩ Sơn lưu ý, khi chăm sóc trẻ suyễn tại nhà cần phải biết cách nhận định và xử trí khi trẻ lên cơn, tránh nguyên nhân làm khởi phát cơn suyễn, biết cách tự phòng ngừa bằng thuốc và tái khám theo đúng hẹn của bác sĩ.
Giữ trẻ tránh các yếu tố nguy cơ khởi phát cơn suyễn như lông thú, khói thuốc, mạt nhà, bụi bặm, khói bếp, gián, các loại bình xịt có mùi nồng nặc… Nhà ở cần thường xuyên mở cửa, quét dọn thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ trong thời gian trẻ đi học, tránh dùng thảm trong nhà. Cần tránh cho trẻ hoạt động gắng sức, tránh xúc cảm quá mạnh, lưu ý đề phòng, giữ gìn không để trẻ cảm ho nặng.
Ở trường, cần cho thầy cô giáo biết về tình trạng của trẻ, trẻ vẫn tập thể dục, chơi thể thao bình thường nhưng trước đó 15 phút cần cho trẻ hít giãn phế quản.
Dấu hiệu, cách xử trí cơn suyễn tại nhà
Các dấu hiệu cơn suyễn đang đến là trẻ ho, khò khè, khó thở, quấy khóc, nặng ngực, thức giấc về đêm.
Khi trẻ có các dấu hiệu suyễn, cần cho dùng thuốc cắt cơn có tác dụng nhanh. Xịt Ventolin MDI 100mcg 2 nhát nếu không dùng buồng đệm, hoặc 4-6 nhát nếu có buồng đệm. Mỗi nhát cách nhau 1 phút. Có thể lăp lại 3 lần xịt, một lần cách nhau 20 phút. Sau khi xịt thuốc cắt cơn, nếu trẻ chuyển biến tốt thì có thể cho trẻ nghỉ ngơi, khám lại. Nếu trẻ không có chuyển biến tốt, vẫn còn thở nhanh, khó thở, nói không nổi, tím tái, cánh mũi phập phồng, co kéo hãm trên ức, thượng đòn, cơ ức đòn chũm…, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế.
Tuyệt đối không nên dùng thuốc cắt cơn dạng uống khi trẻ đang lên cơn suyễn.
Điều trị dự phòng bằng thuốctrong các trường hợp:
- Suyễn không kiểm soát hoặc kiểm soát một phần.
- Suyễn dai dẳng, có triệu chứng một lần mỗi tuần hoặc hơn, cơn suyễn về đêm 2 lần một tháng.
- Suyễn từng cơn, nhưng có tiền căn nhập viện vì cơn suyễn khởi phát nặng.
- Suyễn theo mùa, điều trị dự phòng bắt đầu mùa hoặc khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên và ngưng khi hết mùa với điều kiện lâm sàng ổn định.
Bác sĩ Sơn cho biết, thuốc phòng ngừa thường gồm corticoid dạng hít và thuốc uống. Corticoid dạng hít không gây nghiện, ít tác dụng phụ. Không được tự ý ngưng thuốc dù trẻ có vẻ đã tốt hơn.
Thuốc ngừa cơn dạng uống, uống một lần mỗi ngày, sử dụng khi trẻ tuân thủ điều trị kém với corticoid dạng hít, khi suyễn nhẹ và gián đoạn, bị suyễn kết hợp với viêm mũi dị ứng, suyễn gắng sức, suyễn khởi phát sau nhiễm siêu vi, hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động…
Lưu ý cho trẻ tái khám đúng hẹn, tái khám ngay cả khi cảm thấy trẻ hết bệnh, không lên cơn suyễn. Bác sĩ sẽ theo dõi và xem lại diễn tiến của bệnh, đánh giá hiệu quả điều trị để có thể tăng, giảm liều hoặc thay thuốc phù hợp.