Mùa hè , nhiệt độ môi trường đột ngột tăng nhanh là điều kiện cho vô số loại virus, vi trùng phát triển mạnh, đồng thời thời tiết thay đổi liên tục cũng làm suy giảm sức đề kháng nên trẻ em rất dễ bị nhiễm bệnh.
Hơn nữa, vào dịp hè, trẻ hay được về quê, đi chơi, việc thay đổi môi trường như đi ngoài trời nóng, đi đến chỗ đông người, ăn uống thất thường cũng làm cho trẻ dễ mệt và mắc bệnh hơn. BS.CKII Nguyễn Thị Thanh – Trưởng khoa Dịch vụ 1, BV Nhi Đồng 2 (TPHCM) đã có những tư vấn cụ thể về các bệnh hay gặp khi trời nóng và cách phòng tránh.
Mắc bệnh do mất nước, nhiễm virus
Phần lớn trẻ đến khám bệnh trong những ngày nắng nóng là do mất nước hay nhiễm virus. Chẳng hạn như: Virus hợp bào gây bệnh viêm đường hô hấp, quai bị, thủy đậu, virus gây tiêu chảy hoặc nôn cấp tính. Ngoài ra có nhiều loại virus gây bệnh thành dịch như cúm, tay chân miệng, sốt xuất huyết, dịch đau mắt đỏ, dịch tiêu chảy…
Người mắc bệnh có thể lây lan do tiếp xúc với dịch tiết, dịch bắn ra từ hắt hơi, ho, sổ mũi, nhanh chóng lan truyền nếu ở chỗ đông người như ở chợ, trường học và dễ lây lan xa, qua phương tiện tàu hỏa, máy bay… Có nhiều loại virus gây bệnh đường hô hấp và đường tiêu hóa, khi xâm nhập vào cơ thể trẻ có thể biến chứng sinh một số bệnh khác nhau (viêm hầu, họng, thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng tiêu hóa…).
Nhiều trường hợp nhiễm virus có kèm nhiễm vi trùng, khi đó trẻ có thể sốt cao, nước mũi vàng đặc, ho nhiều… Nhiễm virus thường có triệu chứng ban đầu như sốt cao, nhức đầu dữ dội, đau bụng, ói, tiêu chảy, hoặc có thể ho, hắt hơi, sổ mũi, đau nhức thân thể. Trẻ nhỏ thì quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú, nôn ói. Nếu sốt xuất huyết hoặc tay chân miệng thì có thể có triệu chứng trở nặng nguy hiểm đến tính mạng nếu không kịp thời điều trị.
Khi trời nóng trẻ có khuynh hướng đến gần quạt hơn hay thích nằm ngủ với máy lạnh nhiệt độ thấp, uống nước thật lạnh, do đó dễ mắc bệnh hơn. Khi trời nóng nếu không uống đầy đủ nước hoặc uống nước quá lạnh, niêm mạc họng sẽ khô ran hoặc bỏng nhẹ do lạnh, dễ bị vi sinh vật gây bệnh có sẵn trong miệng tấn công gây viêm họng.
Khi trời nóng môi trường bụi bặm hơn, vi sinh vật gây bệnh dễ phát tán hơn và da, mũi, họng là những nơi tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài, do đó dễ bị bệnh nếu không giữ vệ sinh thân thể đúng cách. Dịch đau mắt đỏ cũng dễ lây lan hơn.
Phòng bệnh hiệu quả
Biện pháp phòng tránh đơn giản nhất là thường xuyên hướng dẫn cho trẻ rửa tay đúng cách, tắm rửa cho trẻ mỗi ngày, nhưng không tắm khi trẻ đang đổ mồ hôi nhiều. Mặc thoáng mát, đội mũ khi ra ngoài. Cho trẻ uống nước nhiều, giúp da và đường hô hấp luôn ẩm. Tránh uống hay ăn đồ quá lạnh. Đối với trẻ nhỏ, lưu ý tránh đi chỗ nắng nóng nhiều và chỗ đông người. Khi trẻ hắt hơi sổ mũi thì nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, mátxa lưng và tay chân trẻ bằng ít dầu khuynh diệp để kích thích máu huyết lưu thông, tăng cường miễn dịch.
Khi trẻ sốt cao, phải mặc đồ thoáng mát, lau mát bằng nước ấm, vì nếu lau bằng nước lạnh, các mạch máu ngoại vi sẽ co mạch lại, không thoát nhiệt được, trẻ càng run và nhiệt độ càng tăng. Cho trẻ uống nước nhiều, không nên lo lắng khi trẻ từ chối ăn hoặc ăn ít đi. Vì khi sốt, các cơ quan trong cơ thể sẽ hoạt động kém đi, ăn nhiều hoặc ép ăn sẽ làm cho trẻ dễ mệt hơn. Khi trẻ bệnh nên đưa đi khám, không nên tự ý dùng thuốc để hạ sốt, nhất là thuốc kháng sinh.
Sau vài ngày sốt cao, trẻ có thể phát ban, không nên ủ kín trẻ, vẫn có thể tắm rửa bình thường và giữ cho da trẻ thông thoáng sạch sẽ. Bởi nếu không, trẻ ngứa ngáy, có thể gãi làm trầy xước và dễ nhiễm trùng da. Không sử dụng quạt hay máy lạnh quá mạnh, cần tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Lập tức đưa trẻ vào BV ngay nếu trẻ sốt cao dọa co giật; khò khè, khó thở; li bì; nôn ói, tiêu chảy nhiều không cầm.