Thấy ông bà nội chăm cu Tí không giống mình, chị Huệ xót con vô cùng, chị nghĩ thôi đợi cu Tí tròn 2 tuổi rưỡi thì cho con đi học nhà trẻ, nhưng giờ chị Huệ mới thấy việc cho con đi học không đơn giản như chị nghĩ.
Cu Tí nhà chị Huệ đã hơn 2 tuổi, chị rất muốn cho con đi học bởi ở nhà, bé được ông bà chiều chuộng nên rất nghịch. Chiều chuộng cũng chỉ là một phần, cái chính là quan điểm chăm con, chăm cháu của thế hệ ông bà và chị khác xa nhau. Việc cho cháu vầy đất cát, vào buồng tắm nghịch nước, sờ đuôi rồi ôm chó hàng xóm là chuyện như cơm bữa…
Ông bà bảo: “Bẩn một tí, nghịch một tí… thế mới phát triển nhanh được”.
Chuyện sẽ chỉ dừng ở đó nếu con chị không dăm bữa nửa tháng lăn ra ốm. Thực lòng, chị biết ông bà rất yêu thương cháu nhưng phải cái vụng: cháu chạy nhảy ướt đầm đìa mồ hôi, ông bà không hay biết; trời nóng bật quạt vù vù, cháu ho sù sụ, ông bà vẫn hồn nhiên bảo “thằng này lạ, lạnh cũng ho, nóng cũng ho”.
Khi Tí được xét nghiệm bị viêm phổi nặng phải nhập viện, ông bà còn bảo: “Khám xét vớ vẩn, cháu người ta ho mà bác sĩ lại bảo là phổi. Phổi là phổi thế nào?”.
Chưa hết, bà nội nhà chị tuy đã về hưu nhưng vẫn tham gia hoạt động phố phường rất “ác liệt”. Nhiều khi cháu ốm lả đi, bà vẫn dắt cháu lên phường và dặn đứng ngoài cửa “chờ chút, bà làm xong việc đã”.
Rồi có đôi lần, chị về nhà không thấy con đâu, viên thuốc cần uống từ trưa vẫn nằm lăn lóc trên bàn, chị lao đi tìm. Nhìn con ngủ gật ngủ gà sau cánh cửa của nơi bà đang “hoạt động” mà chị tê tái, thương con tới tội nghiệp. Chị bế con về, bà nội cũng chẳng hay biết gì. Chị giận, trách lắm, đành tính gửi con nhà trẻ để đỡ mâu thuẫn với ông bà nội.
“Trộm vía” cu Tí nhà chị rất nhanh, biết đi, biết nói, biết hát líu lo nhanh hơn các bạn đồng trang lứa. Chị định khi Tí được 18 tháng sẽ gửi trẻ luôn nhưng mồ hôi trên người chị túa ra như tắm khi nghe các cô “kê” cho hàng loạt khoản cần chi: Ngoài tiền học tiền ăn, còn ti tỉ thứ tiền khác: tiền tắm, tiền sữa chua, tiền xây dựng trường, tiền phụ đạo, rồi nếu có đón chậm một chút lại tiền…
Chị tặc lưỡi: “thôi thế chờ đến khi cu Tí tròn 2 tuổi rưỡi đi học nhà trẻ của trường công lập vậy”. Chị bảo: “Trường Tư thục phải hơn 2 triệu một tháng, nhưng trường công lại chỉ có vài trăm nghìn bạc, tốt quá rồi”.
Khi con đến tuổi, chị cũng xăng xái ra trường công lập gần nhà xin, nhưng vừa bước chân vào cổng trường chị đã nghe mấy mẹ kháo nhau: “Lại tăng giá hơn năm ngoái rồi bà ạ. Trước chị hàng xóm nhà tôi chỉ mất từng này, thế mà năm nay các cô đòi từng này cơ. Ôi cái sự nghiệp học hành!”.
Rồi khi gặp cô phụ trách trường, chị cũng lờ mờ hiểu ra một điều rằng: “Phải chạy suất mới xin được vào trường này”. Chạy mẫu giáo – khái niệm quá lạ với chị Huệ. Mà chạy có ít đâu, cũng cả chục triệu, bằng cả tháng lương của vợ chồng chị rồi cơ mà.
Đem “chuyện lạ” này ra nói với hàng xóm, mấy chị hàng xóm cười giả lả: “Ô thế em không biết à. Chị cũng vừa chạy mấy vé cho con đi học đây này. Mà chưa kể còn biếu xén, nịnh để cô chăm con tốt”. Nghe chị hàng xóm nói mà tai chị Huệ như ù đi. “Chạy đua với thiên hạ ư?”, chị không đủ sức, nghĩ vậy, suy đi tính lại, chị quay về trường tư thục gần nhà xin học cho con. Chị tặc lưỡi: “hàng tháng hơn 2 triệu cũng tàm tạm, thêm vào đó, ở trường kia 2 cô chăm 60 cháu nhưng ở đây 3 cô chăm 40 cháu, tốt hơn chứ!”.
Ngày đầu đưa con tới lớp, chị chỉ lo Tí ốm sốt, quấy khóc nhưng may mắn sao ngay từ ngày đầu bé đã chịu chơi, không quấy khóc. Có hôm thứ 2 trước khi đi học, Tí mếu máo đòi mẹ xíu thôi rồi thấy bạn Anh Thơ ra vẫy vẫy, Tí đã thơm mẹ rồi lon ton chạy vào chỗ.
Ngày ngày được bé líu lo kể về trường lớp, hôm nay ăn gì, ngon như thế nào, có chuyện gì hay, bị anh Anh Thơ cấu mấy cái vào đâu… chị thấy ấm lòng vô cùng.
Nhưng có một điều làm chị lăn tăn lắm, chị lo lắng rằng không sớm thì muộn bé cũng sẽ nhận ra, quả nhiên, sau 1 tuần đi học, Tí chớp chớp mắt, mếu máo hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sao cô giáo chỉ chạy ra đón các bạn được bố mẹ chở bằng ô tô đến, sao Tí được chở bằng xe đạp cô lại bận không ra đón được thế?”.
Chị chẳng biết phải giải thích thế nào, chỉ xoa đầu con, “lờ tịt” đi câu trả lời, chị rủ con đi ăn sữa chua ở ngoài cổng trường.
Nhìn con véo von, trong trẻo, chị thương con lắm. Chị biết đó mới chỉ là một câu hỏi, còn rất nhiều câu hỏi mà có thể con sẽ hỏi mẹ. Chị tự hứa với bản thân sẽ cố gắng dành những gì tốt nhất cho con.