Mỗi khi trẻ đến nhà sách luôn có các phụ huynh đi theo giám sát về việc chọn sách của chúng. Hầu hết sách trẻ muốn đọc đều theo những cái gật đầu của cha mẹ.
Bạn là một phụ huynh tốt?
Bạn sẽ yên tâm và lạc quan bảo rằng, chúng ta chăm lo thức ăn tinh thần cho bọn trẻ tốt như thế còn gì. Sự có mặt của bạn sẽ ngăn chặn nguy cơ bọn trẻ bị cuốn theo những cuốn truyện tranh bạo lực, tục tĩu, những cuốn sách phản giáo dục mà báo chí lâu lâu vẫn lên tiếng chỉ trích.
Bạn cũng sẽ yên tâm rằng “bộ lọc” của mình đủ thông thái để kiểm soát quá trình thu nhận hiểu biết, thụ hưởng giá trị giải trí phù hợp với bọn trẻ. Con bạn chỉ được phép đọc những cuốn mà bạn thấy là hữu ích. Tự bao giờ, bạn trở thành người vừa có quyền lực của kẻ nắm giữ hầu bao (hẳn nhiên rồi!) đồng thời là nhà kiểm duyệt nội dung cuốn sách (đầy mẫn cán và nghiêm khắc) trước khi nó được phép mua về.
Nắm quyền lực trong tay, bản lĩnh và tầm nhìn của bạn phải thật lớn lao để không rơi vào thiển cận, lạm quyền. Bạn sẽ phải tranh luận, thuyết phục con bạn về việc vì sao nó phải chọn quyển sách này mà không là quyển kia, tại sao cần từ bỏ ý định mua một quyển truyện tranh dài tập mà hầu hết bạn bè nó đang ngấu nghiến sau giờ học căng thẳng để ưu tiên cho một quyển toàn chữ là chữ, đầy những thông điệp nghiêm trọng.
Một cuộc tranh luận, bất đồng nho nhỏ và không cân sức có thể xảy ra ở ngay chính cái thế giới mà bạn, nói cho đúng, chỉ đóng vai trò là khách tham quan nhưng vô lý thay, luôn là kẻ chiến thắng đầy kiên cường, còn thất bại và sự cúi đầu tuân phục luôn thuộc về chủ nhân của thế giới đó.
Bản ngã tự nhiên và quyền tự do chọn lựa của đứa trẻ có phần đã bị xâm phạm và áp đặt bởi những ông bố bà mẹ luôn nhân danh tình yêu thương, sự lo lắng. Thế nên mới có chuyện các nhà văn, nhà xuất bản thức thời ở xứ ta đang làm cái điều tưởng nghịch lý nhưng xem ra rất có lý: viết, in sách cho thiếu nhi nhưng mục tiêu nhắm đến trước hết lại là phụ huynh.
Maria Monterssori, nhà tâm lý giáo dục trẻ em trong cuốn Trẻ thơ trong gia đình (*) đã có lý khi cho rằng, việc giải phóng trẻ nhỏ cần được tiến hành trước hết ngay trong chính gia đình. Bà viết: “Trẻ bị người lớn quyền lực hơn áp chế; bị họ coi nhẹ nguyện vọng, và ép buộc trẻ phải thích ứng trực tiếp – do đó một cách thô bạo – với thế giới người lớn. Sự thích nghi này dựa trên việc vâng lời vô điều kiện, dẫn đến sự phủ định cá tính của trẻ, sự phủ định mà trong đó trẻ là đối tượng của một nền công lý không công bằng, chịu tổn thương và hình phạt mà không người lớn nào có thể chấp nhận”.
Nhưng bạn sẽ hỏi, làm sao yên tâm thả nổi bọn trẻ trước một mê cung sách vở là sản phẩm của một nền xuất bản đầy khiếm khuyết?
Đọc cùng con chứ không đọc thay con
Trước khi trả lời thấu đáo câu hỏi đó, cũng nên lật lại vấn đề: các con số thống kê gần đây cho thấy, ngay chính người lớn ở Việt Nam cũng quá bận tâm với mưu sinh và những chuyện linh tinh, ít ngó ngàng tới sách vở. Và điều nguy hiểm phát sinh tại đây: một khi cá nhân chưa thể trang bị được nền tảng để đảm bảo đời sống tinh thần của mình, thì thật khó có thể nói rằng anh ta sẽ sáng suốt trong định hướng việc đọc cho con cái. Lúc bấy giờ, việc anh ta trỏ tay bắt con cái mình phải chọn cuốn sách này để mua, cuốn sách kia để đọc hoàn toàn trên cơ sở cảm tính, áp đặt, báo trước những tai hại khôn lường đối với nhận thức, cá tính đứa trẻ về sau.
Còn gì tốt hơn việc xây dựng một đời sống sinh hoạt văn hoá gia đình gắn với sách vở để tạo thói quen, vốn liếng, một “bộ lọc” chủ động nơi chính bọn trẻ. Đọc sách cùng con phải là một hoạt động đặt bọn trẻ vào trung tâm của sự đọc, chứ không phải là ăn theo thức ăn người lớn. Đứng ở trung tâm của sự đọc từ sớm, đứa trẻ sẽ hình thành kỹ năng gạn lọc, biết cách tự chọn lựa thức ăn tinh thần một cách phù hợp, vấn đề còn lại là niềm tin tưởng và sự tôn trọng cá tính cần có ở người lớn.
Còn bạn, trong vai trò một lữ khách của thế giới đọc của con trẻ, biết đâu bạn sẽ “đọc” được ở đó một đời sống khác, tự do, trong trẻo đầy hứng thú trước cái chưa biết chứ không phải là nhọc công tô đậm một bản sao khô khan đầy khiếm khuyết, thành kiến và tự phụ của chính mình nơi con cái.
Rốt cuộc, rời nhà sách trở về, có đứa trẻ ngập tràn hạnh phúc vì được chủ động chọn lựa những cuốn sách mình yêu thích, nhưng cũng có những đứa phụng phịu hờn dỗi bố mẹ, thậm chí, càu nhàu thề không đọc sách và không bén mảng đến nhà sách nữa!