Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi, do lo sợ đồ chơi độc hại có xuất xứ từ Trung Quốc, trong khi giá đồ chơi an toàn lại khá cao nên nhiều bà mẹ đã tự tay làm những món quà rất độc đáo để dành tặng cho con yêu của mình.
Thay vì cặm cụi làm thêm như những ngày nghỉ cuối tuần khác, hai tuần nay, vợ chồng chị Nguyễn Thu Anh ở Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) đều ở nhà để đi tìm mua nguyên liệu và tự tay làm quà tặng con gái yêu nhân ngày quốc tế thiếu nhi. Chị Thu Anh chia sẻ: “Quà của vợ chồng mình là những con rối tay nhỏ xinh, do cả hai vợ chồng tự tay thiết kế, khâu vá. Chúng có thể chưa hoàn hảo như đồ đi mua nhưng hy vọng cô con gái sẽ thích”.
“Năm trước, dì cháu làm cho một con thú bông nhỏ xíu nhưng cháu chơi cả tháng trời không chán. Thế nên năm nay, vợ chồng mới quyết định tự tay làm cho cháu một bộ đồ chơi mới”, chị nói.
Chị Thu Anh cho biết, thường trước đây, cứ có dịp tặng quà cho con chị lại ra cửa hàng mua một món đồ chơi nào đó như búp bê, tranh ghép, thu nhồi bông… Song, nhiều khi cũng cảm thấy lo lắng vì hầu hết đồ chơi bán trên thị trường đều là hàng Trung Quốc, không biết được độ an toàn tới đâu. Năm nay, nghe bạn bè mách cách làm, cả hai vợ chồng đã đầu tư công sức để cho ra đời bộ rối tay với đủ các loại con vật theo đúng sở thích của cô con gái.
Thực ra, để làm được những con rối này không phải quá khó, nhưng mình không phải người khéo tay cho lắm nên phải nhờ chồng trợ giúp rất nhiều. Phải lên mạng mày mò tìm cách, vải làm rối thì phải mua với số lượng gấp đôi vì sợ cắt hỏng. Hai vợ chồng mất nguyên hai cuối tuần để vẽ, cắt rồi khâu… “Nay về cơ bản bộ rối tay đã xong, chỉ còn phải thêm vài chi tiết nhỏ trang trí nữa”, chị vui mừng kể.
Chị Hoàng Thanh Hằng ở Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) lại rất khéo tay trong việc khâu vá nên 1/6 này, chị quyết định làm một loạt gấu bông với đủ kiểu dáng cũng như màu sắc dành tặng con gái.
Chị Hằng nói rằng: Việc làm gấu bông không hề khó, chỉ là hơi tốn thời gian, ai kiên trì sẽ thấy rất đơn giản. Nguyên liệu chủ yếu là vải lấy từ quần áo cũ, vật dụng cũ không dùng tới để trang trí. Những chú gấu bông đều do mình thiết kế, không giống bất kỳ chú nào trên thị trường. Nhiều chú gấu bông chỉ cần làm từ những chiếc bít tất cũ nhưng lại có hình dáng khá ngộ nghĩnh.
Đồ chơi bán ngoài thị trường phần lớn đều là đồ chơi nhập lậu, mập mờ xuất xứ, không bảo đảm về độ an toàn, không ít đồ chơi còn mang tính bạo lực, nguy hại đến sức khỏe của bé. Trong khi đó, chỉ cần bỏ ra vài ngày các mẹ đã làm được rất nhiều đồ chơi cho con. Một món quà tự tay làm bao giờ cũng ý nghĩa hơn.
Còn con gái chị Hằng, khi nhìn thấy mấy con gấu bông cũng rất thích, cười tít mắt.
Còn anh Tạ Đức Tuấn ở Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) lại quyết định làm cho con chiếc ô tô từ gỗ khá cầu kỳ, phức tạp với hy vọng món quà này sẽ mang lại niềm vui cho cậu con trai.
Theo lời anh Tuấn, anh đã phải mày mò học và nhờ người trong nghề chỉ dạy khá lâu. Để hoàn thành được chiếc ô tô với kích vỡ vừa bằng quyển sách, anh đã phải mất gần hai tháng lần mò, học hỏi.
Tính công sức bỏ ra là không hề nhỏ, song, đồ chơi do tự tay bố mẹ làm ra bao giờ con cũng khoái hơn bởi nó đúng theo sở thích, và quan trọng là bạn bè không ai có như của mình.
Anh Tuấn nói: “Thấy bố làm con trai cũng chạy lên chạy xuống lấy đồ phụ giúp, có người vào chơi còn khoe bố đang làm ô tô tặng con”. Chỉ còn ít ngày nữa, anh hy vọng món quà nhỏ sẽ xong trước ngày 1/6.
Nhiều bậc phụ huynh, nhất là dân công sở, cho hay xu hướng tự tay làm đồ chơi đang lan rộng. Các ông bố bà mẹ tự mày mò học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm làm những món đồ chơi đơn giảm mà các con yêu thích.
Chị Ngọc Ánh làm ở một công ty truyền thông khu vực Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, hơn nửa tháng nay, cơ quan rộ lên phong trào làm đồ chơi để dành tặng các con ngày Quốc tế Thiếu nhi. Người thì làm thú bông, người làm mô hình, người khác lại làm rô bốt… Mỗi người làm một món đồ chơi nhưng ai cũng muốn qua đó làm con mình vui hơn, và chứng tỏ sự quan tâm của bố mẹ dành cho con. Đây còn là cách tiết kiệm tiền hiệu quả trong thời khó.