Hiện nay, 2 BV Nhi đồng tại TP.HCM đang phải tiếp nhận một lượng lớn trẻ em đến khám tâm lý. Lịch hẹn khám của cả 2 bệnh viện trong tháng 6 và tháng 7 đều đã kín.
Sáng giữa tháng 5/2013, tại BV Nhi đồng 2 (TP.HCM), một bà mẹ hốt hoảng: Đứa con trai học cấp 2 của bà ba học kỳ liên tiếp được học sinh giỏi, vậy mà năm nay học kỳ 2 bị “rớt” giỏi, chỉ đạt tiên tiến.
“Thằng nhỏ nhà tôi có gì khác lắm, chắc chắn nó có vấn đề, bác sĩ khám giùm”. Sau khi thăm khám, bác sĩ xác định đứa trẻ bình thường, có thay đổi chút ít tâm lý là do trẻ đang tuổi lớn. Vị phụ huynh cứ “nhất quyết con tôi… có vấn đề”, đòi khám lại cho… ra bệnh!
Xếp hàng đặt lịch khám
Sáng 28/5, tại khoa Tâm lý BV Nhi đồng 1, phụ huynh muốn đăng ký sớm nhất phải đến chiều 2/8 mới đưa trẻ đến khám được. Một nhân viên ghi danh khám bệnh cho hay: “Đó là ngày có thể đăng ký sớm nhất. Vào ngày đó (tức ngày 2/8 – PV) cũng chỉ còn trống giờ khám từ 13 đến 16 giờ. Hoặc, phụ huynh chờ thêm đến tầm ngày 10 hoặc 15/8 mới có lịch trống”.
Tương tự, trưa cùng ngày, khoa Tâm lý BV Nhi đồng 2 cho biết sớm nhất phải đến hết ngày 12/8 mới còn trống lịch khám.
Chiều 28/5, vừa dắt con rời khỏi phòng khám, chị Nguyễn Thị Hòa Thuận (quận 9) cho hay phải mất đến hai lần hẹn và gần ba tháng chờ đợi bữa nay chị mới được khám cho con. “Từ hồi tháng 3 tôi đã phải đặt lịch hẹn bên Nhi đồng 1. BV hẹn đến ngày 15/5 nhưng bữa đó tôi bận không lên được, bữa sau tôi tới thì bệnh viện nói phải gần cuối tháng 7 mới trống lịch khám. Cũng may, bên nhà có chị bạn hẹn khám cho con tại BV Nhi đồng 2 nhưng bữa nay chị ấy bận nên tôi xin phiếu hẹn đưa cháu đến khám luôn chứ chờ nữa tôi cũng thấy nản lắm”.
Chung tâm trạng, chị Lê Thúy Ngân (Đồng Nai) tâm sự: “Mình phải xin nghỉ việc để đưa cháu đến khám cho đúng hẹn, sợ trễ lại phải đợi thêm vài tháng nữa. Khám có chút nhưng không đưa cháu đi thì lo. Thấy cũng vất vả, hỏi mấy nơi, nơi nào cũng nói phải hẹn trước và chờ vài tháng”.
Chuốc mệt mỏi… vì thiếu kiến thức
Nhiều trường hợp chúng tôi tiếp xúc đều cho biết đưa con đi khám vì thấy con ít nói, sợ con bị tự kỷ. Tuy nhiên, khi khám, các bác sĩ đều thông báo trẻ bình thường, các cháu ít nói vì ba mẹ không thường xuyên chuyện trò với con. Chẳng hạn, vợ chồng chị Hoa (quận 8) đều làm việc cho công ty nước ngoài. Việc chăm sóc con nhỏ đều giao cho vú nuôi và bà ngoại của bé. Bà ngoại cao tuổi nên ít nói. Bà vú cũng chỉ cho trẻ ăn, ngủ, vậy nên bốn tuổi mà con chị Hoa chỉ nói được từng từ “ăn, uống, mẹ…”. Vậy là bé được đưa đến BV Nhi đồng 1 “khám tự kỷ”!
Theo BS Kiều Thanh Hà, khoa Tâm lý BV Nhi đồng 2, một thực tế dễ nhận thấy là cái gì phụ huynh cũng đem con đi khám dẫn đến tình trạng quá tải “ảo”. “Điểm thi học kỳ sau thấp hơn học kỳ trước, con văng tục trên Facebook, con cự cãi với cha mẹ, con hờn cha mẹ không chịu ăn… phụ huynh đều đem con đi khám tâm lý cho được. Mỗi ngày tôi khám 7-8 bệnh nhân thì chỉ có 2-3 em là có bệnh thật sự. Số còn lại đa phần là “bệnh áp đặt”, suy luận từ phụ huynh. Khi bác sĩ kết luận là trẻ bình thường, dường như phụ huynh không hài lòng, cãi cho bằng được là… con mình có bệnh! Nhiều trường hợp như vậy bác sĩ vẫn phải hẹn tái khám, thực tế là để khẳng định với phụ huynh là chính cha mẹ có “bệnh” chứ chẳng phải là con trẻ”, BS Hà nói.
Cũng theo BS Hà, hiện có quá nhiều phụ huynh đang dùng cách nuôi con theo một công thức được định sẵn, trẻ phải lớn lên y đúc cái công thức đó, khác một chút là họ nghĩ trẻ có bệnh, đưa đi khám. Lại thêm tình trạng phụ huynh nuôi con theo phong trào. Chẳng hạn thấy đồng nghiệp có con cùng tuổi nhưng học giỏi, có khiếu về môn này môn nọ mà con mình không có thì cho là con mình chậm phát triển rồi đưa đi khám. Trong khi đó, những tình huống như vậy phụ huynh có thể kiểm chứng ngay bằng cách tìm đến các trung tâm tư vấn học đường, trung tâm tư vấn giáo dục, vừa đỡ mất thời gian, tiền bạc, lại còn giảm được áp lực cho các bệnh viện.
Phân biệt giữa thay đổi hành vi với biểu hiện nghiêm trọng
Theo BS Kiều Thanh Hà, trẻ em thường có sự phát triển và thay đổi nhanh chóng trong thời thơ ấu. Do sự thay đổi nhanh chóng đó nên các em hay gặp phải các vấn đề rắc rối về ứng xử và hành vi, đó là chuyện bình thường. Đa số các vấn đề khó khăn chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và không cần tới các liệu pháp chữa trị.
Việc trẻ em có hành vi hư và cảm thấy lo âu hoặc buồn chán cũng là chuyện bình thường. Thanh thiếu niên đôi khi muốn giành quyền tự quyết vì cho là mình đã lớn, từ đó đưa đến những thái độ và hành vi quá khích, hoặc trở nên trầm cảm, hoặc lại quá hiếu động. Do đó, điều quan trọng là cần phải phân biệt được giữa các thay đổi về hành vi thông thường với các dấu hiệu biểu hiện các vấn đề nghiêm trọng hơn. Các vấn đề trở nên đáng lưu ý hơn khi những vấn đề đó có tính chất bộc lộ khó kiểm soát, kéo dài và gây ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày của đứa trẻ. Lúc đó, cha mẹ mới nên đưa trẻ đến các phòng khám tâm lý để được xác định về mức độ rối loạn của con em mình.