Khi vừa đi học về, bé Loan (7 tuổi) hý hửng chạy lại khoe với mẹ: “Mẹ ơi bạn Hoàng là người yêu đầu tiên của con. Con rất yêu bạn ấy, con sẽ nguyện chết cùng bạn ấy”. Nghe con nói, vợ chồng anh Tùng giật mình không biết nên xử lý như thế nào?
“Tôi lo lắng quá, nhỡ con bé dính vào yêu đương rồi xao nhãng học hành thì khổ. Mà cấm đoán chuyện tình cảm của con thì sợ nó buồn. Ngày trước bằng tuổi con bây giờ mình còn ở truồng tắm mưa cơ mà…”, anh Tùng (quận Bình Thạnh, TP HCM) chưa hết ngạc nhiên kể.
Còn bé Trường (6 tuổi, học lớp một) hôm qua tuyên bố xanh rờn với bố mẹ rằng: “Con yêu bạn My học cùng lớp và sau này sẽ lấy bạn ấy làm vợ”. Hễ ngày nào có bánh kẹo ngon hay đồ chơi đẹp, cậu bé đều để dành mang đến lớp tặng cho cô bạn “người yêu”.
Mẹ của bé Trường là chị Nguyễn Thị Vy (quê Vĩnh Long) cho biết, thời gian qua, vợ chồng chị mất ăn mất ngủ vì lo lắng chuyện tình cảm của con. “Suy nghĩ mãi không biết nên làm gì. Tại sao con tôi mới 6 tuổi đầu mà đã biết yêu rồi ? Tôi sợ cứ đà này thì lớn lên chút nữa việc yêu đương sẽ ảnh hưởng đến học tập của cháu. Tôi phải làm sao bây giờ?”, người mẹ trẻ tư lự.
Khi trẻ tiểu học công khai “tình yêu”
Trò chuyện với các bậc phụ huynh về vấn đề này, chuyên viên tham vấn tâm lý Vũ Cẩm Vân nhìn nhận, thực ra tình cảm của con trẻ ở tuổi tiểu học không phải là tình yêu mà chỉ dừng ở mức độ quý mến, quyến luyến người bạn cùng lớp. Sự quan tâm, cảm xúc yêu mến đối với bạn khác giới là một điều rất tự nhiên, có thể bắt nguồn từ sự cảm mến trước một nét đặc biệt nào đó: bạn ấy xinh đẹp, học giỏi, hát hay, vui vẻ, hoặc đơn giản vì hợp tính nên các bé ở độ tuổi này cảm thấy yêu quý.
Sự quý mến kéo theo việc quan tâm, chăm sóc cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên với độ tuổi này, trẻ thường chỉ dừng lại ở mức độ thích và cảm giác thích cũng sẽ thay đổi theo thời gian. Trẻ cho rằng đó là tình yêu vì các em ngộ nhận thích có nghĩa là yêu và cũng có thể do trẻ bắt chước người lớn, học theo phim ảnh…
Khi đối diện với chuyện tình cảm của con, bà Vân khuyên các phụ huynh không nên quá lo lắng. Hãy xem đó là một cảm xúc sẽ đến với bất kỳ đứa trẻ nào khi trẻ đã dần lớn lên và bắt đầu có khái niệm về “yêu – ghét”. Không nên la mắng, cấm đoán bé theo kiểu: “Đồ con nít ranh, mới tí tuổi đầu mà đã bày đặt yêu đương”. Cách phản ứng này sẽ càng gây cho trẻ sự bất mãn hoặc mặc cảm, không muốn chia sẻ cùng cha mẹ cảm xúc của mình vì sợ bị trách mắng.
Như câu chuyện gia đình được anh Lương (quận 3) chia sẻ trong một buổi tọa đàm kỹ năng làm cha tại TP HCM. Ông bố trẻ kể, dạo gần đây con gái anh cứ hễ đi học về đến nhà là đem giấy ra xếp hạc. Khi bố mẹ gặng hỏi, cô bé mới hồn nhiên bảo: “Con gấp hạc để tặng cho bạn Tý. Nếu con làm được 1.000 con hạc thì con và bạn ấy sẽ được ở bên nhau mãi mãi”.
“Vừa nghe con nói thế, tôi cấm con không được gấp hạc nữa. Tôi cũng đến trường gặp cô giáo chủ nhiệm và nhờ cô trông chừng, không để con bé gặp gỡ cậu bạn kia Tưởng làm như thế sẽ giải quyết được vấn đề, ai ngờ từ hôm đó con bé buồn bã khóc lóc rồi bỏ bữa, cứ nằm lì trong phòng, khiến tôi lo quá!”, anh Lương bộc bạch.
Chuyên viên tâm lý Cẩm Vân khuyên, phụ huynh nên xem chuyện con có những rung động đầu đời là một điều tự nhiên. Có như thế cha mẹ sẽ dễ gần gũi và trò chuyện cùng con. “Rồi một thời gian sau, con sẽ thay đổi cảm xúc và tình cảm dành cho người bạn hiện thời”, bà Vân nói.
Mặt khác, vị chuyên viên tâm lý khuyên các bậc cha mẹ có con bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, nên tạo cơ hội nói chuyện cùng con, khéo léo lồng ghép những câu chuyện tình cảm thời đi học của mình, về những những rung động đầu đời dễ thương khi cả hai cùng nhau chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau trong học tập. Thông qua những câu chuyện này, dần dần, cha mẹ sẽ giúp con hiểu rằng đây chỉ là tình cảm nhất thời và thường sẽ thay đổi, cho con hiểu được giá trị của tình cảm đẹp và trong sáng là cùng hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Ngoài ra, nên tạo cơ hội để con tham gia các hoạt động vui tươi và bổ ích như sinh hoạt đội nhóm, sinh hoạt cộng đồng, tham gia các câu lạc bộ thể thao… “Quan trọng nhất vẫn là việc cha mẹ luôn đồng hành, làm bạn cùng con để bé luôn tin tưởng và chia sẻ những khúc mắc, sự băn khoăn, lo lắng. Nhờ đó cha mẹ sẽ hiểu được tâm tư, cảm xúc cũng như các mối quan hệ của con và kịp thời định hướng, uốn nắn, điều chỉnh hành vi giúp con chuẩn bị hành trang tốt nhất để vững bước vào đời”, bà Vân đúc kết.