Khi ngủ trẻ sơ sinh liệu có nằm mơ? Khi con chăm chú nhìn tôi liệu con có đang nghĩ gì không?… Tất cả các thắc mắc trên của các bậc cha mẹ sẽ được các nhà khoa học hàng đầu thuộc đại học Delawade giúp chúng ta giải đáp tận tình.
Khi con cười, có phải nó đang cảm thấy điều gì buồn cười hoặc vui vẻ?
Đây là vấn đề vẫn đang gây tranh cãi giữa các nhà tâm lý học. Một số cho rằng ngay từ khi mới chào đời, trẻ sơ sinh đã có khả năng thể hiện 4 loại cảm xúc cơ bản, bao gồm cả hạnh phúc. Số còn lại khẳng định trẻ sơ sinh chỉ có thể học cách cảm nhận và truyền đạt những cảm xúc khác nhau thông qua quá trình giao tiếp với con người. Mặc dù vậy, tất cả các nhà khoa học đều khẳng định rằng trẻ hoàn toàn không thể hiểu ý nghĩa những trò đùa hay tìm ra bất cứ điều gì buồn cười trong lời nói của bạn. Nhưng điều đó không hề làm những tiếng cười khúc khích của bé bớt đi sự quí giá.
Khi một em bé cười – đó là điều tích cực, em bé đấy đang tận hưởng chính bản thân mình. Nụ cười đầu tiên của bé, thường vào giai đoạn 3 tháng tuổi, là một dấu hiệu thể hiện khả năng giao tiếp xã hội bước đầu. Trẻ sơ sinh chọn lọc giữa các âm thanh và lấy tiếng cười để “sử dụng” khi bạn và chúng có chuyện vui vẻ.
Con tôi sẽ phân biệt được bố và mẹ?
Theo nghiên cứu của các giáo sư thuộc đại học Delawade, ngay từ 3 tháng tuổi, trẻ sơ sinh đã có thể phân biệt được khuôn mặt nam giới và nữ giới trong cùng một bức ảnh. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các bé có niềm yêu thích với một giới tính nhất định. Sự lựa chọn yêu – ghét này phụ thuộc vào giới tính của người chăm sóc và gần gũi với bé nhất. Bất kể là bố hay mẹ. Điều đáng quan tâm ở đây là việc bé yêu thích giới tính nào hơn là quyết định từ một quá trình chứ không phải được não bộ thiết lập sẵn.
Do vậy, muốn con yêu mình, các ông bố bà mẹ hãy chịu khó dành nhiều thời gian gần gũi và chăm sóc trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời nhé.
Liệu con có biết tên của mình?
Đây hẳn là câu hỏi mà rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Trên thực tế, khi đến giai đoạn từ 5 – 6 tháng tuổi, trẻ sẽ bắt đầu có phản ứng rõ ràng với tên gọi của mình. Những dấu hiệu phản xạ sớm trước đó (khi trẻ đạt 2 – 3 tháng tuổi) như quay đầu, hướng mắt theo khi bạn gọi tên con thực ra không phải là con đã biết tên của mình. Trẻ sơ sinh thời điểm đấy thường sẽ phản ứng với khuôn mặt và âm thanh trong lời nói bạn phát ra hơn là ý nghĩa của chúng. Đến 6 tháng tuổi, trẻ mới có khả năng phân biệt rõ ràng các âm trong giọng nói của bạn mặc dù vẫn chưa hoàn toàn hiểu chúng có nghĩa là gì.
Trẻ sơ sinh có nằm mơ?
Chắc các bà mẹ sẽ không dưới một lần băn khoăn với câu hỏi này khi ngắm nhìn con yêu say ngủ. Sự thật là chúng ta không thể hoàn toàn biết chắc câu trả lời. Việc nghiên cứu giấc mơ luôn là một bộ môn khoa học thần bí được thực hiện dựa trên những người tình nguyện tham gia. Họ sẽ kể về giấc mơ của mình, khi nào, ở đâu và như thế nào. Điều này thực sự là bất khả thi đối với trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, giấc mơ của người trưởng thành xảy ra trong giấc ngủ REM (Rapid eye movement – một khái niệm chỉ giai đoạn mắt cử động nhanh trong giấc ngủ) và 50% giấc ngủ của trẻ sơ sinh là ở giai đoạn REM. Vì vậy, việc trẻ sơ sinh nằm mơ và sử dụng phần lớn thời gian để ngủ nhằm phát triển não bộ thông qua những giấc mơ là rất có khả năng. Tất nhiên, chúng đã mơ những gì, cảnh vật trong những giấc mơ đấy ra sao thì không ai có thể biết được. Duy nhất một điều các bố mẹ có thể yên tâm, đó là trẻ khó có khả năng gặp ác mộng, khi mà chúng chưa hình thành được nỗi sợ trong não bộ. Chỉ đến khi 2 – 3 tuổi, trẻ mới bắt đầu biết nhận thức về nỗi sợ hãi mà thôi.