Làm gì để tất cả trẻ em trên thế giới được sống trong hòa bình, hạnh phúc? Làm gì để trẻ em Việt Nam được sánh ngang với trẻ em các nước tiên tiến và gần gũi hơn, thiết thực hơn là làm gì để trẻ em vùng cao được cắp sách đến trường trong ấm áp và no đủ?…
Cách đây 88 năm, tháng 8 năm 1925, Hội nghị Thế giới vì Hạnh phúc Trẻ em tại Geneva, Thụy Sĩ đã tuyên bố ngày 1 tháng 6 là ngày Quốc tế Thiếu nhi.
Từ đó đến nay, ngày 1/6 trở thành ngày hội của các em, ngày của hạnh phúc, tình yêu thương và hi vọng.
Thế nhưng vẫn còn nhiều nơi trên thế giới, trẻ em chưa bao giờ biết có ngày quốc tế thiếu nhi. Ở đó chỉ có sự bất hạnh. Bất hạnh của đói nghèo, bất hạnh bởi các hủ tục, bất hạnh trong sự thất học, bất hạnh giữa cuộc chiến tranh tàn khốc mà cái giá thường đổ lên đầu trẻ thơ.
Ngày 1/6 này, khi trẻ em trên khắp địa cầu đang từng bừng trong ngày hội của mình thì tại nhiều quốc gia, máu trẻ em vẫn chảy, nạn tình dục trẻ thơ vẫn nhức nhối, tình trạng hôn nhân đã cướp mất tuổi thơ và nhiều lắm những em thơ vẫn phải lao động cực nhọc, nhiều em không được đến trường, đói ăn, thiếu mặc và cả chết vì suy dinh dưỡng.
Ở Việt Nam, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng chúng ta không thể nói khác, nạn bạo hành trẻ em vẫn diễn ra hàng ngày, tệ nạn tảo hôn ở những làng bản xa xôi không là chuyện lạ, tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em vẫn là nỗi lo thường nhật, nhiều em thơ vẫn phải đến trường trong thiếu đói và giá rét.
Hàng ngày trên các mặt báo, không hiếm những thông tin như: “Học trò vùng cao Kim Bon săn chuột để thoả cơn thèm thịt”!, “Trẻ em vùng cao oằn mình kiếm manh áo ngày giáp Tết”, “Trẻ em vùng cao mưu sinh ngày hè”, “Trẻ em vùng cao phong phanh trong giá rét”, Trẻ vùng cao tím tái trong giá lạnh”, “Đắng lòng nhìn học sinh ăn bữa cơm chưa đến 3 ngàn đồng”, “Xót lòng lớp học “bốn bề lộng gió” của học sinh vùng cao”, “Nhọc nhằn con chữ vùng cao”…
Xúc động thay, những khó khăn vất vả không làm các em chùn bước. Vượt lên giá rét, vượt qua những cơn đói cơm, thèm thịt, các em vẫn ngày ngày cắp sách đến trường.
Và cũng xúc động thay, các em không đơn độc. Đồng hành cũng các em là hàng ngàn, hàng vạn các nhà hảo tâm và các tổ chức tình nguyện đã không quản vất vả ngày đêm băng mình, lội suối đến với các em, chia sẻ động viên các em. Đó là Quỹ Cơm có thịt của Nhà báo Trần Đăng Tuấn, Quỹ Khuyến học của Hội Khuyến học Việt Nam, Quỹ Vì người nghèo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quỹ Tấm lòng Nhân ái của báo Dân trí…
Hiện nay đất nước tuy chưa giàu có nhưng đời sống đồng bào dân tộc đã cao hơn rất nhiều. Chương trình xóa đói giảm nghèo của Việt Nam luôn được cộng đồng thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên không ít nơi, con em người dân tộc vẫn ăn không đủ no, áo không đủ ấm, cái đói nghèo không ngừng đeo đẳng, con đường đến trường vẫn đầy rẫy gian nan…