Hỏi: Qua đài, báo… tuyên truyền thì nên cho con bú đến năm 2 tuổi, rồi cho ăn bột, cháo khi được 6 tháng tuổi. Vậy còn cơm nát thì khi nào cho ăn?
Trả lời: Đối với trẻ từ 6-8 tháng tuổi các cử động cắn nhai xuất hiện cùng với sự xuất hiện mọc răng sữa. Từ 20 – 30 tháng trẻ bắt đầu mọc răng nanh, rồi răng hàm thứ nhất và thứ hai. Vậy chỉ cho trẻ ăn cơm nát khi trẻ được 2 tuổi là thích hợp nhất vì lúc này trẻ đã qua giai đoạn ăn cháo, đã biết cắn nhai nghiền nát thức ăn trước khi xuống dạ dày.
Nếu cho trẻ ăn cơm sớm thì trẻ sẽ nuốt chửng không qua quá trình tiêu hoá bắt đầu từ miệng là nhai. Khi nhai, thức ăn được trộn với nước bọt làm cho sự hoạt động của men amylaza tiêu hoá các chất tinh bột (ở giai đoạn đầu). Nhiều nghiên cứu cho thấy lượng tinh bột không được tiêu hoá có thể làm ảnh hưởng tới sự hấp thu của các chất dinh dưỡng khác.
Cách nấu cơm nát như sau: Nguyên liệu cho 1 bát cơm sẽ gồm 50g gạo tẻ và 150ml nước; Đun sôi 150ml nước, đổ gạo đã vo sạch ,để ráo nước vào rồi đun nhỏ lửa tới khi chín. Cũng có thể tạo một góc cơm nát ngay thẳng nồi cơm chung với gia đình bằng cách cho thêm 50ml (nửa bát) nước vào một góc nồi hoặc để xoong nghiêng một bên rồi cho nước vào. Cơn nát đạt tiêu chuẩn phải là cơm nát nở đều, ráo không còn nước,không cháy, có vị thơm ngọt của gạo.
Để đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, bữa ăn của trẻ cần cho cháu ăn cơm nát với thịt trứng, cá tôm…, rau xanh, dầu hoặc mỡ… cũng đã được nấu nghiền kỹ.
Theo BS Minh Nguyệt – Sức khỏe & Đời sống