Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bà bầu bị ngộ độc thực phẩm, nhưng làm thế nào để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, các mẹ bầu hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé!
Bà bầu nghén mắm tôm, ốc ngao
Bún đậu mắm tôm là món sở trường mà tuần nào chị Ngọc (Yên Ninh, Hà Nội) cũng ăn và dường như khi mang thai, mức độ thèm của chị lại tăng cao hơn trước. Trưa nào chị cũng rủ bạn bè đồng nghiệp đi ăn ở quán vỉa hè ngay đầu phố gần công ty chị.
Trước những lời bạn bè khuyên nhủ: “Ăn mắm tôm không tốt cho bà bầu đâu, dễ đau bụng đấy”, chị toàn cười xòa bảo: “Ăn suốt chẳng sao tự dưng bây giờ đau bụng là sao? Kệ, sống được mấy, thích là nhích thôi”.
Thấy bạn bè không hưởng ứng, chị vẫn kiên quyết “bê” bụng đi ăn một mình. Sau 1 tuần ăn liền tù tì, chị phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng “miệng nôn trôn tháo”, tim đập mạnh, khó thở. Tại đây bác sĩ chẩn đoán chị bị ngộ độc thực phẩm nhẹ. May cho chị là em bé chưa vấn đề gì.
Chị Hiển (Gò Vấp) mang thai được 13 tuần, bản thân chị thấy từ sau khi mang thai, chị rất hay bị đau bụng, bụng nhạy cảm với đồ ăn lạ thế nên dù rất thèm hàng ngao ốc ở ngoài đầu ngõ nhưng chị kiên quyết cạch.
Một hôm, chị ra chợ mua cân ngao về ăn, do chế biến bất cẩn, chị khiến cả nhà sợ xanh mặt khi nôn thốc nôn tháo cả đêm. Chị phải vào viện truyền nước ngay hôm đó. Tại đây, bác sĩ nhận định chị bị ngộ độc. Dù bác sĩ bảo không sao nhưng chị vẫn lo lắng không biết điều này có nguy hiểm, ảnh hưởng tới em bé trong bụng không.
Đây chỉ là một trong những trường hợp chị em trong giai đoạn bầu bí bị ngộ độc thực phẩm do bất cẩn trong việc ăn uống và chế biến thực phẩm. Trên thực tế, khi mang thai, hệ thống miễn dịch của bạn yếu hơn bình thường, bạn dễ bị các vi khuẩn khác tấn công, ngoài ốm đau thì ngộ độc thực phẩm là một trong những điều mà các chuyên gia y tế khuyên bạn cần phải lưu ý. Các triệu chứng phổ biến nhất của ngộ độc thực phẩm là tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng và sốt. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tránh được điều này dễ dàng bằng cách thực hiện những lời khuyên dưới đây.
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ
Rửa tay trước và trong quá trình chế biến thực phẩm là một trong những cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn ngộ độc thực phẩm. Hãy chắc chắn rằng bạn rửa tay kỹ (cổ tay, bàn tay, ngón tay, móng tay và các kẽ ngón tay) bằng nước ấm và xà phòng.
Sau khi rửa, bạn cần lau khô tay thật kỹ bởi vi khuẩn lây lan dễ dàng hơn nếu bàn tay của bạn đang ẩm ướt. Bạn cần lau tay bằng một chiếc khăn sạch hoặc giấy ăn.
Nếu bạn không rửa tay trước khi ăn, bàn tay của bạn có thể đang chứa bụi bẩn, vi khuẩn từ nhà vệ sinh, thùng rác hoặc từ nhiều nguồn khác bên trong và bên ngoài nhà. Những loại vi khuẩn này có thể được chuyển thẳng vào thực phẩm mà bạn dùng, ngộ độc thực phẩm xảy ra là không có gì đáng ngạc nhiên.
Bạn cũng cần rửa tay sạch sẽ sau khi chế biến thực phẩm tươi sống, điều này giúp bạn hạn chế lây lan vi khuẩn từ thực phẩm này sang thực phẩm kia (lây nhiễm chéo).
Nếu bạn đang bị tiêu chảy, nôn mửa, bạn cần sử dụng một khăn lau riêng biệt với các thành viên khác trong gia đình; giặt khăn của bạn thường xuyên hoặc sử dụng loại giấy dùng 1 lần để lau khô tay của bạn. Nếu bạn có vết loét hoặc vết cắt trên tay, bạn cần giữ cho chúng sạch sẽ, khô thoáng.
Bảo quản thực phẩm đúng cách
Khi bạn mua thực phẩm đông lạnh từ siêu thị, càng nhanh càng tốt, bạn hãy đặt chúng thẳng vào tủ lạnh hoặc tủ đá.
Bạn cần kiểm tra và giữ tủ lạnh, tủ đá ở nhiệt độ chính xác. Mầm bệnh “chết trong lạnh, nóng nhưng sống trong ấm”, chúng dễ dàng truyền qua thực phẩm nếu môi trường ẩm ướt.
Sau bữa ăn nếu còn thừa quá nhiều thức ăn, bạn cần làm lạnh nó càng sớm càng tốt bằng cách trữ ngay vào tủ đông lạnh. Khi muốn đưa chúng ra khỏi tủ lạnh, bạn cần làm nóng chúng ngay lập tức.
Đó là những thực phẩm: có chứa kem, chẳng hạn như bánh kem và món tráng miệng; thịt và gia cầm; thực phẩm có chứa trứng;..
Lưu trữ thực phẩm an toàn
Che đậy kỹ thực phẩm trong tủ lạnh: Bạn cần cho riêng thịt sống và thịt chín, cho chúng vào ngăn, hộp tủ riêng (có nắp đậy), không để chung với đồ ăn khác. Cần cho đồ ăn vào tủ lạnh, hoặc lồng bán tránh ruồi muỗi, chim chóc, vật nuôi…
Kiểm tra hạn sử dụng của đồ đông lạnh.
Nấu thức ăn kỹ lưỡng
Nấu thức ăn sôi sùng sục, đặc biệt là thịt và gia cầm. Trước khi vớt thịt ra, bạn cần kiểm tra xem chúng đã chín đều chưa bằng cách lấy đũa ấn vào miếng thịt (phần thịt dày nhất), nếu không có nước màu hồng chảy ra chứng tỏ thịt đã chín.
Nếu bạn là một bà bầu bận rộn, bạn có thể sử dụng lò vi sóng, song bạn cần lưu ý để đồ ăn có thể chín tới bằng cách nhìn trên bao bì sản phẩm đông lạnh để biết chính xác mình cần “viba” trong bao nhiêu phút, hoặc bạn có thể khuấy thức ăn để kiểm tra xem nó đã nóng đều hay chưa.
Trước khi tiến hành nấu, bạn cũng cần đảm bảo thực phẩm đông lạnh được rã đông đúng cách. Rã đông thực phẩm ở nơi thoáng mát, lời khuyên của chuyên gia đó là bạn đừng làm tan đá bằng cách nhúng đồ ăn vào một nồi nước đang sôi, làm vậy sẽ khiến vitamin, khoáng chất ở đồ ăn biến mất.
Coi chừng nhiễm chéo
Lây nhiễm chéo là việc chuyển mầm bệnh từ thực phẩm này sang thực phẩm khác. Các vi khuẩn có thể được chuyển trực tiếp hoặc gián tiếp, ví dụ: từ bàn tay, thiết bị nhà bếp, dao và các dụng cụ khác. Lây nhiễm chéo là một nguyên nhân chính gây ra ngộ độc thực phẩm.
Hạn chế ăn ngoài đường
Bởi đây là một trong những tiềm ẩn nguy cơ cao mắc ngộ độc thực phẩm ở bà bầu. Nếu bất khả kháng, bạn nên ăn ở những cửa hàng có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm. Không ăn ở nơi công cộng, không sạch sẽ. Ngừng ăn nếu thấy trong đồ ăn có “dị vật”.