Theo các chuyên gia giáo dục, trẻ em mầm non đang trong giai đoạn nhận thức, nếu bố mẹ nói dối, bé đương nhiên nghĩ rằng nói dối là điều được phép.
Sáng nay, bé lại mếu máo. Nhưng vừa hứa sẽ đến đón con sớm, chị Nga bỗng giật mình khi Bim sửa lại: “Bà nội đến lớp đón sớm còn mẹ về nhà bà đón con sớm”.
Chị Nga kể, chị cũng đọc nhiều sách báo, biết là không nên nói dối con nít, nhưngnhiều lúc bí quá, đành phải hứa đại cho được việc. Sáng dậy từ 5h, vệ sinh cá nhân, đi chợ, đưa con đến lớp, rồi lao vội đến công ty nhưng ngày nào chị cũng bị muộn làm vì con gái cứ khóc lóc rồi ôm chân, giữ túi mẹ. Ngày nào chị cũng phải diễn bài hứa hẹn: cuối tuần cho con đi chơi, đến sinh nhật mua cho con thứ này thứ kia, nhưng vì khoảng thời gian xa quá nên con bé không nín khóc và không chịu buông mẹ ra. Chỉ khi chị nói: Ngoan, để mẹ đi làm sớm, xong việc sớm mẹ, chiều về đón con thì Bim đồng ý.
“Tôi cũng hạn chế hứa đón con, vì biết chắc mình không thực hiện được”. 17h30 chị mới hết giờ làm, lại mất 30 phút đi đường, mà trường của bé 17h đã trả trẻ. Nếu muốn gửi thêm, lại phải đăng ký, đóng thêm tiền, trong khi bà nội nhàn rỗi, muốn đón cháu về sớm để tắm rửa và cho ăn uống. Con bé không thích bà đến đón, thích mẹ hơn, nên cứ khóc lóc đòi mẹ đến đón. “Có lẽ sau nhiều lần mẹ hứa không thực hiện được nên hôm nay nó đã tỉnh rồi”, chị Nga suy đoán. Đây cũng không phải là lần đầu tiên chị bị cô con gái gần 5 tuổi lật tẩy tội nói dối.
Một lần bé nghịch nước, làm ướt nhà nhưng chị không bắt được tận tay cảnh bé nghịch. Chị hỏi: “Con lại nghịch nước phải không, ướt hết nhà rồi”, bé Bim chối đây đẩy. Sau một hồi chị truy lùng ráo riết, cô bé thừa nhận đã nói dối mẹ đồng thời bổ sung thêm: “Ai biểu hôm trước mẹ nói dối con, bảo con ăn xong cho chơi nước rồi lại không cho”. “Lúc ấy tôi bực mình quá mà cũng chẳng nỡ phạt nó nữa”.
Anh Tâm (Tân Định, quận 1, TP HCM) “khoe” thỉnh thoảng anh cũng bị cô con gái vừa tốt nghiệp “đại học chữ to” – lớp 1 – bắt bài nói dối. Mỗi lần muốn xin nghỉ làm hay từ chối những cuộc nhậu nhẹt của đám bạn, anh thường gọi điện báo ốm. Lần đầu tiên nghe lỏm bố kêu ốm qua điện thoại, bé lo lắng sờ trán anh như người lớn vẫn làm mỗi khi bé sốt, rồi khóc òa lên: “Không cho bố ốm đâu”, anh lại phải dỗ dành: “Bố nói đùa các bác để ở nhà với con thôi”. Những lần sau đó thì con bé miệng chữ A, mắt chữ O khi nghe bố nói dối qua điện thoại. Thậm chí, tuần trước nó còn bật cười khanh khách khi thấy bố ngã trầy xước tay mà mẹ gọi điện cho sếp của bố xin nghỉ với lý do bố bị tai nạn xe máy đang nằm liệt ở nhà. “Nhưng sợ nhất là một lần con bé gợi ý: ‘Bố ơi, hôm nay con ngại đi học quá, bố bảo cô giáo là con bị ốm đi’. Bây giờ mình phải cẩn thận với nó hơn”, anh Tâm nói.
Theo các chuyên gia giáo dục, trẻ em mầm non đang trong giai đoạn nhận thức, nếu bố mẹ nói dối, bé đương nhiên nghĩ rằng nói dối là điều được phép. Cha mẹ đừng nghĩ trẻ con hay quên, không biết gì mà cứ vô tư hứa hẹn hay nói dối con. Ngay từ khi con còn bé, cha mẹ đã nên làm gương cho con về tính chân thật. Bên cạnh đó, bố mẹ hứa hẹn nhiều quá mà không thực hiện được có thể khiến bé mất lòng tin, sau này không còn tin vào lời của bố mẹ nữa. Lúc đó, bố mẹ sẽ rất khó dạy bảo con.
Chia sẻ trong một buổi nói chuyện do Hội quán các bà mẹ tổ chức, bác sĩ, thạc sĩ Nguyễn Lan Hải cho rằng, khi con cái có hành vi không bình thường, bố mẹ nên xem lại mình đã làm gì để bé bắt chước. Rõ ràng, khi bố mẹ nói dối, bé nói dối theo là điều rất dễ xảy ra. Bố mẹ phải là tấm gương tốt cho con. Bà cũng kể lại câu chuyện về vị hoàng đế nước Pháp, Napoleon, khi chuẩn bị có con, đã hỏi với các bà vợ của mình rằng: “Nên giáo dục đứa trẻ từ khi nào?” Người thì trả lời từ khi đứa trẻ biết nói, người cho rằng từ lúc bé chào đời, người nghĩ từ lúc mang thai. Cuối cùng Napoleon kết luận: “Phải giáo dục từ 20 năm trước khi đứa trẻ ra đời”. Điều đó nghĩa là phải có bố mẹ tốt thì mới có thể nuôi dạy những đứa con tốt.
Ngoài ra, không nói dối nhưng đôi khi cách xử sự của bố mẹ lại có thể đẩy con cái vào con đường nói dối. Chia sẻ trong một buổi nói chuyện với các nhân viên một công ty phần mềm, thạc sỹ Trần Đình Dũng cho rằng, nếu bố mẹ cứ có thói quen áp đặt mọi việc cho con mà không cần xem xét liệu con có thích hay không, có phù hợp với khả năng của con hay không thì rất có thể sẽ phải nhận những lời nói dối từ con. Nhiều cha mẹ ép con đi học thứ này thứ kia, đòi hỏi con phải đạt được điểm này, điểm nọ, nếu kết quả không như ý cha mẹ thì chê bai, đánh phạt con. Như thế cha mẹ đã vô tình đẩy con vào con đường dối trá hay che giấu sự thật để tránh bị chê bai, đánh phạt hay thậm chí là không phải làm thứ mà mình không thích.
Như chính câu chuyện của mẹ con chị Minh Ngọc (đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TPHCM). Con trai chị hiện 10 tuổi, dù bé đã nói là không thích học đàn nhưng chị vẫn ép con đi học ở nhà văn hóa thiếu nhi. Chị còn bảo nếu con không học, mẹ sẽ không cho cái này cái kia, mẹ sẽ đau đầu, đau tim… để gây áp lực bắt bé đi học. Các buổi học, chị đều đưa đón con nên rất yên tâm về mức độ chuyên cần của con. Ngày nào về nhà, chị cũng hỏi hôm nay học cái gì và bé kể rất trơn tru các câu chuyện ở lớp. Tuy nhiên, hôm thứ chủ nhật vừa qua, chị đến sớm, lên tận lớp xem con học như thế nào mới phát hiện ra cu cậu đã tự ý nghỉ học được 1 tháng.
Thạc sĩ Đình Dũng cũng khuyên, thay vì ra lệnh hay chửi mắng khi con làm gì không như ý (điều có thể sẽ khiến cha mẹ nhận lại những phản ứng là chối tội, đổ lỗi quanh co của con), tốt nhất cha mẹ nên nói về tương lai với con, giúp con tìm ra giải pháp làm sao để tốt hơn. Khi nuôi dạy con, nếu cha mẹ biết đặt mình vào vị trí của con để nhìn nhận vấn đề, cha mẹ không những không phải nhận về những lời nói dối mà còn có thể được con chia sẻ những tâm sự thầm kín nhất của mình.