Một cái tên hay, phù hợp, chắc chắn sẽ giúp chủ nhân thấy thoải mái và bớt gặp rắc rối. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào khẳng định cái tên có ảnh hưởng đến số phận con người. Dù biết rằng cái tên là “thương hiệu” của mỗi người nhưng chính sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của cha mẹ mới là yếu tố ảnh hưởng lớn đến tương lai con trẻ.
Vậy nhưng, những “cuộc chiến” trong mỗi gia đình liên quan đến cái tên con trẻ dường như chưa bao giờ có dấu hiệu dừng lại.
Như đã từng say mê
Tuổi 13, chị Phương say mê bộ phim Hồng Lâu Mộng. Hai nhân vật chính là Bảo Ngọc và Đại Ngọc vừa đẹp vừa giỏi thi phú, lại có cuộc tình lãng mạn “em là bông hoa kỳ lạ, anh là hòn ngọc sáng trong”.
Suốt thời thiếu nữ, chị quả quyết sẽ đặt tên con như tên hai nhân vật này. Cảm hứng từ phim truyện đến đời thực, khiến chị không muốn nghĩ đến bất kỳ cái tên nào khác. Chị hình dung mỗi sớm mai, chị ngọt ngào gọi Bảo Ngọc yêu của mẹ ơi, dậy đi học nào, bạn bè đang chờ con đến chơi chung. Mới nghĩ đến đã nghe… cưng hết biết.
Khi thổ lộ điều đó với chồng, chị nhận ngay sự phản đối: “Đừng giỡn chớ em! Nhân vật đó cuộc đời buồn lắm!”. Nghe có lý nhưng chị cũng không dễ từ bỏ. Chị lao vào nghiên cứu sách đặt tên con, miễn sao phải có từ Ngọc để đời tươi sáng.
Ông bà nội ngoại thống kê tên ông bà tổ tiên hai bên, đề phòng đặt trùng. Chị chọn cái tên nào cũng gặp những phản ứng từ người thân. Mãi chị mới chọn được cái tên Ngọc Phúc thì gặp ngay sự phản đối của ba: “Hồi học cấp một tao ngồi sát một thằng có tên đó. Tao ghét cay ghét đắng nó. Tao không cho cháu tao mang tên đó”.
Cô bạn chị an ủi khi thấy chị rầu rầu chuyện đặt tên cho đứa con chưa ra đời: “Không sao, không Ngọc Phúc thì Ngọc Bảo, Ngọc Lâm, Ngọc Khang… có gì mà lo”…
Tên xấu dễ nuôi
Một lần chồng chị Hoàng chọn cái tên mà chị chẳng ưng chút nào. Nghĩ mãi không ra cách phản đối, nghe tư vấn của người bạn, chị tỏ vẻ đồng tình với anh và vui vẻ: “Tên đẹp đấy anh. Ngày xưa, em thích một bạn cùng lớp có cái tên này mà không được. Em duyệt”.
Nghe vậy, chồng chị tự động đề nghị chị chọn lại cái tên khác, nhưng “tuyệt đối không được là tên của người em thích”.
Chị Hoàng kiếm được cái tên Nguyễn Bảo Châu để đặt cho con trai, mong ước sao cho nó sau này thông minh, giỏi toán như GS Ngô Bảo Châu. Hơn nữa, theo chị, cái tên này còn có ý nghĩa là viên ngọc quý, là châu báu của gia đình. Chồng chị thì phản đối, bảo tên đẹp quá sẽ khó nuôi.
Sau những cuộc cãi vã nảy lửa, chiến thắng thuộc về chị. Nào ngờ, cái tên mà chị ưng ý nhất lại rơi và một trường hợp… khó đỡ. Cầm tờ giấy khai sinh về nhà, cả nhà chị tá hỏa, không hiểu sao tên con chị lại thành Bảo Trâu. Chồng chị hóm hỉnh: “Từ đẹp, thành xấu, chắc là dễ nuôi lắm đây”. Điên cái đầu, không thèm cãi vã gì nữa, chị vội lao đi cải chính tên con.
Tên dài mới… ấn tượng
Mong con sau này sẽ có cuộc sống an nhà, sung sướng, anh Thu (quận Tân Bình) quyết định chọn cho con gái một cái tên dài ngoằng, nhưng rất chi là tâm đắc… Đinh Huyền Như Ý Từ Lâm. Tranh thủ vợ còn nằm cữ, anh âm thầm đi làm giấy khai sinh. Vợ anh biết chuyện, cự nự. Chị hình dung ra những rắc rối mà con gái sẽ gặp sau này.
Chẳng hạn, lớn lên, nó đi học, chắc chắn sẽ bị thầy cô gọi lên trả bài để điểm mặt dài dài vì tên gì ngộ quá, coi thử chủ nhân của nó thế nào. Còn khi đi thi, với cái tên dài như vậy, lúc làm bài, chắc chắn con chị sẽ bị giám thị ưu ái lảng vảng quanh chỗ ngồi, thậm chí còn tò mò hỏi vì sao có cái tên như thế, làm cho con chị mất tập trung không làm được bài.
Danh sách kết quả thi sẽ bị chú ý vì chắc chắn tên sẽ mất hai dòng. Rồi CMND cũng phải ghi hai dòng… Chị còn nghĩ đến một tương lai con chị có học bổng đi du học nước ngoài, tên dài quá sẽ không đủ chỗ để kê khai khi làm thủ tục… Tương lai con chị sẽ mịt mù…
Chỉ nghĩ đến đó thôi chị đã thấy thật u ám. Cuối cùng, trước những lý lẽ nghe cũng có lý của chị, chồng chị đã đồng ý thay tên cho con, thành Đinh Huyền Như Ý.
Tên “Tây” cho sành điệu
Anh Phúc lấy vợ là Việt kiều nên đặt tên con, anh thêm chữ Spring vào. Anh giải thích cái tên ý nghĩa là cuộc đời con mãi là mùa xuân. Vợ anh biết luật không cấm đặt tên như vậy nhưng… quá khác người.
Chị tự đi làm khai sinh, đặt tên con là Nguyễn Ngọc Nguyên Xuân – làm nên mùa xuân. Ban đầu anh phản đối, sau thấy bé càng lớn càng tươi nên thấy phải cám ơn vợ tránh cho con cái tên không giống ai.
Lưu ý
– Tên sẽ theo con suốt đời. Tặng con cái tên có ý nghĩa tốt đẹp nhưng đừng quá khoa trương. Họ tên nên theo luật bằng trắc để nghe xuôi tai. Tránh những từ phát âm với nghĩa không tốt trong tiếng nước ngoài. Tránh những từ có thể nói lái.
– Đừng phản bác quá nhanh.
– Bạn có thể không thích khi lần đầu nghe một cái tên. Quá trình mang thai, bạn có thể cảm thấy ngày một gần gũi hơn với con và cảm giác đó tác động đến việc quyết định cái tên cho bé.