Tôi lấy chồng người Mỹ và chuyển đến Boston sống cùng gia đình anh đã được 6 năm. Ban đầu sang, nỗi nhớ quê hương da diết hoàn toàn đánh gục “giấc mơ Mỹ” trong tôi, khiến tôi nhiều khi chỉ muốn bỏ tất cả để quay về Việt Nam. Tuy nhiên, từ sau khi mang thai và sinh con tại Mỹ, những suy nghĩ và mong muốn quay về dường như đã dập tắt hoàn toàn khi tôi nhìn thấy phương pháp giáo dục trẻ em tại đây.
Tôi luôn tự đặt câu hỏi rằng liệu tôi muốn con của mình sẽ được dạy dỗ theo kiểu nào đây? Kiểu Việt hay kiểu Mỹ? Cuối cùng, tôi đã chọn Mỹ là mảnh đất để cho con được thừa hưởng nền giáo dục và phát triển nhân cách. Lý do vì sao ư? Tôi xin lấy một ví dụ đơn giản về khái niệm “thưởng – phạt” khác nhau giữa hai nền văn hóa
Ở Việt Nam, mỗi khi con hư hay gây ra lỗi gì, tôi thường thấy các bà mẹ nhiếc mắng con mình, bất kể là đang ngoài đường, đi chơi với bạn bè hay trong gia đình với nhau. Thậm chí khi cáu lên, mẹ còn dùng đến đòn roi để cho con “chừa”. Phạt nặng là vậy nhưng hầu hết các ông bố bà mẹ Việt lại rất ít khi nói những câu yêu thương với con, ôm hay hôn con khi chúng ngoan ngoãn. Dường như, việc ít thể hiện tình cảm của mình đối với con nhỏ đã trở thành một “truyền thồng” bị ảnh hưởng từ xưa. Khi mà ông bà ta, đặc biệt là người đàn ông trong gia đình, luôn phải mang một bộ mặt nghiêm khắc với cây roi lăm lăm trên tay. Chẳng thế mà có câu “Yêu cho roi cho vọt” còn gì? Tuy vậy, những lời trách mắng, đòn roi hay bộ mặt nghiêm nghị chúng ta luôn bày ra cho trẻ nhỏ lại thường không mang lại tác dụng như mong muốn. Thậm chí, chúng còn khiến trẻ trở nên ương bướng, lầm lì, và sẵn sàng phản kháng tiêu cực.
Ở Mỹ phương pháp thưởng-phạt này hoàn toàn khác hẳn. Đối với người Mỹ, phạt có nghĩa là cấm túc, là xóa bỏ các đặc quyền ưu tiên của con, giao cho con các việc làm thêm, là lý giải, khen ngợi và phân tích cụ thể hành vi của con cho chúng nghe. Phương pháp giáo dục kiểu Mỹ này được tôi rút ra ngay từ quan sát các giáo viên dạy con mình tại trường tiểu học, từ những người hàng xóm, những khách hàng đến mua đồ tại siêu thị hay cả những người đi bộ trên đường.
Về giáo dục tại nhà trường:
Cấm túc là phương pháp phạt phổ biến được sử dụng ở hầu hết các trường học tại Mỹ. Khi một trẻ nhỏ có thái độ, hành vi không đúng trong lớp học, ảnh hưởng tới thầy cô và các bạn, học sinh đó sẽ bị phạt cấm túc. Đối với một số cha mẹ Việt Nam, việc nhốt và để trẻ một mình có thể là vô cùng “độc ác” và có phần khó chấp nhận. Thực ra chính thời gian ở một mình đó sẽ giúp trẻ kiểm soát được cơn giận dữ của mình và có thời gian suy nghĩ về những hành vi mình vừa gây ra. Sau khi đã bình tĩnh trở lại, việc nói chuyện với con về đúng – sai, phải – trái chẳng phải sẽ dễ dàng hơn rất nhiều đó sao. Tôi không biết các bà mẹ Việt có hay sử dụng phương pháp phạt trẻ ở một mình này không. Nhưng tôi đã sử dụng và nó vô cùng hiệu quả.
Ở trường mẫu giáo nơi Justin – con trai thứ hai của tôi theo học, các cháu thậm chí còn có riêng một bảng biểu. Mỗi khi một trẻ mắc lỗi, các em sẽ tự dán một nhãn đỏ lên ô của mình. Vào ngày 30 hàng tháng, cô giáo sẽ tổng kết và trao thưởng cho những bé ngoan, không có một “dấu đỏ” nào trên bảng biểu. Việc thi đua thưởng phạt công minh này giúp trẻ tự giác hơn trong các hành vị của mình, tránh gây ra lỗi.
Về giáo dục tại gia đình:
Các bậc cha mẹ ở Mỹ rất coi trọng chuyện tự lập, tự giác của con từ tấm bé. Tôi đã từng rất ngạc nhiên khi thấy Jenny – cô con gái nhỏ nhà hàng xóm một mình cắt cỏ ngoài vườn. Khi tôi hỏi cháu lý do tại sao, cháu đã trả lời đơn giản rằng đây là “hình phạt” vì cháu đã quên không đưa cún ra ngoài vào ban đêm và khiến cún ị bậy trong nhà. Khi trẻ đã được giao một việc gì mà không hoàn thành, đương nhiên con sẽ bị phạt. Tuy nhiên, điều làm tôi ngạc nhiên ở đây là nếu con tôi để vật nuôi bầy bừa ra nhà, tôi chỉ đơn giản là phạt con tự dọn dẹp lại chỗ hỗn loạn đấy chứ không hề nghĩ đến việc phải giao thêm cho con những công việc khác. Tôi bỗng thấy người Mỹ thật công minh. Khi bạn làm sai, sửa sai là chuyện đương nhiên bạn phải làm. Đấy không phải là “phạt”. Phạt như thế nào thì còn là một câu chuyện đằng sau nữa.
Có thể các mẹ sẽ cho rằng làm thế với con thì “ác” quá, thì con ghét mẹ mất thôi. Theo tôi, không phải như vậy. Tuy có những hình phạt rất nghiêm khắc và rõ ràng nhưng các bà mẹ Mỹ lại luôn khuyến khích và khen thưởng kịp thời. Người bạn hàng xóm của tôi thậm chí đã làm hẳn một banner treo trước sân nhà và rất nhiều pháo bông để chúc mừng khi chào đón Jenny trở về từ một trại hè học tính tự lập và ứng phó trong tình huống khẩn cấp với tấm huy hiệu loại A. Khi bạn thấy con bạn làm diều gì đúng và tốt, bạn muốn con lặp lại hành động này thành thói quen, cần khen ngợi và khuyến khích trẻ ngay khi đó. Cũng đừng e ngại thể hiện tình cảm với con. Tôi đã từng rất ghen tị khi thấy hàng xóm mình ôm, hôn con và gọi con là “honey” rất tình cảm. Sau đó, tôi cũng thử hôn con trai mình, và bé rất thích như vậy.
Làm một người mẹ công tâm, thưởng phạt rõ ràng như vậy thì sao có thể gây nên những tổn thương tâm hồn cho trẻ nhỏ, khiến trẻ ghét mẹ ghét cha được đây. Phương pháp giáo dục con trẻ của người Mỹ thật sự rất đáng cho chúng ta học tập.