Sau sinh, cơ thể sản phụ bước vào quá trình khôi phục lại những gì đã thay đổi trong suốt thai kỳ và lúc sinh nở: tử cung, cổ tử cung, âm đạo và vùng bụng bắt đầu co lại. Theo đó một lượng rất lớn nội tiết tố khi có thai cũng biến mất, đồng nghĩa sức sống của các mẹ sẽ giảm đi rõ rệt, cơ thể mệt mỏi và đầy nhạy cảm. Chưa kể các vết thương trong quá trình chuyển dạ như vết mổ khi sinh, vết cắt tầng sinh môn, chảy sản dịch sau sinh … sẽ gây thêm nhiều đau đớn và dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cho chị em.
Do đó, tìm hiểu rõ những gì cơ thể phải trải qua sau sinh sẽ giúp sản phụ chủ động hơn trong việc chăm sóc đồng thời tránh nguy cơ viêm nhiễm vùng kín trong thời gian đầy mẫn cảm này.
1. Những thay đổi ở vùng chậu
Sẽ có những thay đổi đáng kể xảy ra trong khu vực này mà các bà mẹ trẻ nên lưu ý:
Các cơn quặn hậu sản
Thường biến mất 3, 4 ngày sau sinh, tuy nhiên trước đó các cơn co thắt thường mạnh và đau hơn cả lúc bình thường vì tử cung đang co xuống để lấy lại kích thước trước khi có thai. Rất có thể mẹ sẽ cảm thấy các cơn đau này xuất hiện khi cho bé bú, vì oxytocin liên hệ đến phản ứng ép sữa cũng gây ra các cơn co thắt tử cung. Dù sẽ đau đớn nhưng các mẹ đừng lo lắng quá, vì tử cung co thắt càng mạnh và nhanh chừng nào thì nguy cơ đối diện với khả năng xuất huyết hậu sản càng ít bấy nhiêu. Điều cần làm là nên nghỉ ngơi hợp lý và vệ sinh vùng kín thật tốt vì cùng với các cơn quặn hậu sản là việc chảy sản dịch sẽ được đề cập ngay trong phần 2 của bài viết này.
Đường ruột và bàng quang
Nhiễm trùng bàng quang và táo bón, trĩ là những nguy cơ thường xảy ra cho các bà mẹ sau sinh. Vì vậy, để ngăn ngừa táo bón và bệnh trĩ, chị em nên đi đại tiện ngay khi có thể và không nên kiêng cữ thái quá, tăng cường chế độ ăn nhiều chất xơ như ăn các loại rau củ quả, trái cây, nhất là đu đủ, hồng, chuối và uống thật nhiều nước. Mặc dù giai đoạn này cơ thể sẽ đau nhức do vết thương sinh mổ hoặc cắt tầng sinh môn, nhưng các mẹ cũng nên cố gắng đứng dậy và đi bộ nhiều để giúp cho đường ruột và bàng quang làm việc lại bình thường.
Để ngăn ngừa viêm nhiễm bàng quang sau sinh, nhất là với những chị em bị cắt tầng sinh môn, nên vệ sinh sạch vùng kín mỗi khi tiêu tiểu với nước ấm và tuân thủ quy tắc làm sạch từ trước ra sau. Trong những ngày đầu sau sinh, nếu khi tiểu hơi bị gắt thì cũng không cần phải quá lo lắng các mẹ nhé. Đơn giản đó chỉ là do phần tầng sinh môn và các mô xung quanh bàng quang và lỗ tiểu còn hơi sưng. Nếu cảm thấy khó tiểu, hãy ngồi vào thau nước (ngâm mông) trong khi tiểu, và đừng lo lắng về việc nhiễm trùng vì nước tiểu thường vô trùng.
Cổ tử cung và âm đạo
Do căng giãn nhiều trong lúc chuyển dạ nên phải mất một tuần lễ để cổ tử cung thu hẹp và săn chắc lại một cách tự nhiên. Để hồi phục âm đạo nhanh chóng về kích thước cũ, các mẹ có thể tập các bài tập dành cho đáy chậu, như co lại rồi giãn ra các cơ âm đạo, hoặc bài tập dành cho cơ bụng sau sinh, nhưng chú ý chỉ nên tập khi đã hết sản dịch để tránh nguy cơ xuất huyết hậu sản các mẹ nhé.
2. Sản dịch
Là một chất nước chảy ra ngoài âm đạo từ tử cung đang trong giai đoạn phục hồi. Thời gian kéo dài của sản dịch tùy cơ địa mỗi sản phụ, thường khoảng 21 ngày sau sinh, đôi khi chỉ chừng 14 ngày, cũng có khi kéo dài đến 6 tuần lễ mới dứt. Trong 3 hoặc 4 ngày đầu sản dịch có màu đỏ tươi, sau đó lượng máu dần dần bớt đi và chuyển sang màu hồng, hoặc nâu khi nội mạc tử cung co lại. Cuối cùng là có màu hơi vàng hoặc không màu. Do việc tiết sản dịch sẽ làm cho vùng kín bị ẩm ướt, chưa kể nếu vết cắt tầng sinh môn chưa lành hẳn, thì nguy cơ nhiễm trùng vùng kín trong thời gian tiết sản dịch là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, chị em nên chú ý vệ sinh sạch sẽ và làm khô ráo khu vực này, nên dùng băng vệ sinh cho đến khi hết sản dịch và tuyệt đối không dùng gạc để thấm máu.
Để mau hết sản dịch, các mẹ nên cho bé bú mẹ thay vì dùng sữa ngoài. Đồng thời, nếu thấy sản dịch tiết ra có mùi hôi, hoặc nếu sản dịch có màu đỏ tươi trở lại cần phải đến bệnh viện để thăm khám kịp thời. Vì sản dịch có mùi hôi thường là dấu hiệu tử cung bị nhiễm trùng, trong khi đó, nếu sản dịch lại có màu đỏ tươi thường là do nơi nhau bám trước đây chưa lành hẳn, cũng có thể do các mẹ vận động quá mức.
3. Vết cắt tầng sinh môn
Do vết cắt tầng sinh môn thường nằm ở vị trí mà nước có thể đọng lại, do đó dễ có nguy cơ bị nhiễm trùng hoặc làm vùng da non xung quanh vết cắt bị nhức do da khu vực này bị sưng lên khiến các đường chỉ khâu càng lúc càng xiết chặt hơn. Nếu quan sát thấy da bị thâm tím hoặc các đường chỉ khâu thực sự gây đau nhức, nên lót một chiếc gối bằng cao su khi ngồi, đồng thời giữ vệ sinh khu vực này thật kỹ. Tắm nước ấm hoặc vòi hoa sen, băng vết cắt trong giải băng vệ sinh, tập các bài tập cho vùng chậu có thể giúp chị em bớt đau cũng như giúp vết cắt mau lành. Tuy nhiên lưu ý không dùng thuốc sát trùng lúc tắm vì chúng có thể gây kích ứng da, đồng thời sau khi tắm nên dùng máy sấy tóc để làm khô toàn bộ vết cắt, thay vì dùng khăn lông vì có thể làm đau vết mổ chưa lành.
Các mẹ cũng sẽ cảm thấy ngứa ngáy khó chịu khi đi vệ sinh, vì nước tiểu có tính axit khá mạnh có thể chảy vào vết mổ làm da non bị ngứa. Nếu cảm thấy khó chịu, các mẹ đừng ngại đứng khi đi vệ sinh, đồng thời nên dùng thêm nước ấm dội vào để làm loãng axit trong nước tiểu và làm bớt ngứa. Cũng đừng quá lo nếu cảm thấy cơn đau nhức ở tầng sinh môn trở nặng hơn, vì đó là quy luật thông thường trước khi vết cắt này lành hẳn. Phần lớn các đường chỉ khâu tự hủy sẽ biến mất từ 5 -6 ngày sau khi sinh.
4. Vết mổ
Do người mẹ sinh mổ sẽ gặp nhiều bất lợi trong việc hồi phục sức khỏe hơn mẹ sinh thường, nên việc chăm sóc cơ thể và vết mổ sau sinh rất quan trọng. Các mẹ không nên nằm quá nhiều mà phải sớm thực hiện các hoạt động chân tay nhẹ nhàng. 24h sau khi sinh các mẹ có thể trở mình, ngồi dậy nhẹ nhàng để tăng cường hoạt động cho ruột, dạ dày, điều tiết khí sớm để giảm nguy cơ tắc ruột. Đồng thời lưu ý các dịch tiết âm đạo, vì nếu tử cung co rút không tốt, khôi phục kém nước ối vỡ sẽ bị tích lại trong tử cung, bài tiết dẫn tới viêm nhiễm gây sốt hậu sản. Đồng thời, nếu vết mổ có màu hồng, sưng trương, gây đau cần có sự can thiệp sớm của y khoa vì lúc này vết mổ đã bị viêm nhiễm.
Các mẹ cũng nên chú ý vệ sinh sạch sẽ khu vực bụng nơi vết thương chưa lành và cả vùng kín còn tiết sản dịch, không tự ý bôi thuốc lên vết thương khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Đồng thời không được cởi bỏ băng bó ở vết mổ cũng như không được băng vết mổ quá chặt. Nếu âm đạo chảy máu thành dòng hay đột nhiên chảy máu cần nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Các mẹ cũng có thể nằm nghiêng, kê gối cao sau lưng để giảm việc di động cơ thể, giúp vết mổ bớt đau hơn.