Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP HCM cho biết, nắm bắt được những đặc điểm phát triển của trẻ qua từng giai đoạn, cha mẹ sẽ biết cách giúp con luyện tập vận động phù hợp để không bị chậm lớn.
Phát triển vận động thô:
– Từ tháng thứ 3: Trẻ biết lật, với tay về phía đồ vật như động tác vẫy.
– 4 tháng: Ngồi có người đỡ.
– 5 tháng: Ngồi trong lòng người lớn, cầm đồ vật trong tay.
– Từ 6 đến 7 tháng: Có thể ngồi một mình.
– Từ 8 đến 9 tháng: Có thể bò bằng hai tay và hai chân.
– Từ 9 đến 10 tháng: Biết đứng.
– Từ 11 đến 12 tháng: Đi được nhờ sự dìu dắt của người lớn. Việc biết đứng và đi tạo điều kiện tốt cho sự phát triển nhận thức ở trẻ, trẻ có thể khám phá sự vật từ mọi phía (bên trong, bên trên, bên dưới). Thế giới đối với trẻ trở nên rộng lớn hơn.
Nắm bắt những đặc điểm phát triển của trẻ qua từng giai đoạn, cha mẹ nên thường xuyên tập luyện vận động cho bé, giúp con tập lật, tập bò, tập đi… phù hợp với từng độ tuổi. Nếu trẻ đến tuổi (có thể quá khoảng 2-3 tháng) mà chưa có những loại vận động thích hợp, nên đưa bé đến các cơ sở y tế để khám. Ngoài ra có một số trường hợp ngoại lệ, trẻ có thể “đốt cháy giai đoạn” trong quá trình phát triển vận động, chẳng hạn không lật mà ngồi, không bò mà đã đứng được…
Phát triển vận động tinh:
– 3 tháng tuổi, trẻ bắt đầu biết cầm đồ chơi lắc.
– Cuối tháng thứ ba, trẻ bắt đầu dùng hai tay để sờ mó đồ vật. Hai bàn tay tạo ra ấn tượng xúc giác về đồ vật, giúp cho trẻ biết được vài đặc tính đơn giản của chúng.
– Đến tháng thứ tư, trẻ bắt đầu nắm lấy đồ vật. Nhiều khi trẻ nắm chắc trong tay một đồ vật hồi lâu nhưng vẫn chưa làm chủ hoàn toàn hành động nắm.
– Từ tháng thứ 6 trở đi, động tác nắm được cải thiện hơn, bàn tay hướng về đồ vật, ngón tay cái đối lập với các ngón tay khác, nhờ đó trẻ có thể cầm đồ vật bằng cả 5 ngón tay. Vị trí của các ngón tay dần dần thích hợp với các kiểu đồ vật, ví như bé cầm quả bóng bằng những ngón tay xòe rộng, khi cầm khối vuông thì các ngón tay đặt theo gờ cạnh. Hành động cầm nắm có vai trò quan trọng trong sự phát triển tâm lý của trẻ, khi đó bàn tay trở thành cơ quan xúc giác, đúng nghĩa là một bàn tay biết “khám phá”.
Khi trẻ có thể cầm nắm đồ vật trong tay thì bắt đầu thao tác với đồ vật bằng tay từ đơn giản đến phức tạp hơn qua từng giai đoạn như sau:
– Cầm lấy rồi buông ra.
– Phối hợp động tác: Cầm hai vật ở cả hai tay, phối hợp các hành động sờ, nắm, đưa vào miệng và nhai.
– Đẩy đồ vật ra xa hay xích lại gần.
– Làm cho đồ vật ngã ngửa, gõ hoặc lắc tạo âm thanh, dịch chuyển đồ vật.
Những thao tác bằng tay của trẻ đối với đồ vật tiến bộ nhanh làm cho sự định hướng của bé vào đồ vật và không gian xung quanh rõ ràng. Hiệu quả của vận động này có được là nhờ sự phối hợp phức tạp giữa thị giác và cơ quan vận động.
Đặc điểm sự phối hợp giữa mắt và vận động:
– Trong giai đoạn phát triển đầu: Mắt bé có thể nhìn thấy đồ vật, nhận các ấn tượng từ đồ vật đó, song chưa thể xác định được khoảng cách và phương hướng. Tay của trẻ chưa hướng ngay được về phía đồ vật nhưng dường như chỉ quờ vào không khí, ít khi nhắm trúng đích.
– Giai đoạn tiếp theo: Mắt dõi theo cử động của tay và bắt đầu nhận thấy đồ vật ở xa hay gần, rồi mới tham gia vào việc điều chỉnh cử động của tay cho phù hợp. Từ tháng thứ 6 trở đi, khi đưa tay tiếp cận đồ vật, mắt trẻ đã biết nhìn theo tay, biết được vị trí của đồ vật đó và với lấy đồ vật một cách chính xác hơn.
Hành động đưa tay với lấy đồ vật một cách chính xác có thể coi là hành động có định hướng đầu tiên, là cơ sở phát triển các hành động sờ, nắm, các thao tác với lấy đồ vật sau này của trẻ. Những thao tác bằng tay của trẻ đối với đồ vật là cơ sở phát triển các quá trình tâm lý, nhận thức như quan sát, tư duy, ghi nhớ…
Thao tác với đồ vật giúp trẻ phát hiện ra các thuộc tính của đồ vật. Ban đầu, trẻ chỉ nhận biết các thuộc tính ấy khi thao tác trực tiếp với đồ vật, nếu hoạt động ngừng lại thì “kiến thức” ấy cũng biến mất. Sau nhiều lần thao tác với đồ vật và ghi lại ấn tượng về nó thì lúc đó, trẻ bắt đầu nhớ đồ vật nếu vật đó tồn tại thường xuyên trong thế giới xung quanh của trẻ với những thuộc tính ổn định.
Mặt khác, hành động với tay lấy đồ vật kích thích trẻ tích cực tìm tòi, khám phá những tính chất của các vật xung quanh. Trẻ quan tâm không chỉ “đây là cái gì”, mà còn “có thể làm gì với nó”. Sự kết hợp của tri giác và cơ quan vận động khi hành động với đồ vật là cơ sở cho sự phát triển những hình thức đầu tiên của tư duy trực quan hành động xuất hiện ở cuối giai đoạn lứa tuổi này.