Để thực hiện được phương pháp Đổi mới Tiếng Anh Tiểu học lấy học sinh là trọng tâm thay vì việc học theo phương pháp “Đọc – chép” truyền thống đòi hỏi giáo viên phải thực sự tâm huyết với nghề và đầu tư nhiều thời gian, công sức để chuẩn bị cho buổi học.
Ông Trần Văn Long – giáo viên (GV) Tiếng Anh Trường Tiểu học Bạch Đằng (Hải Phòng) cho biết phương pháp mới rất cuốn hút với học sinh (HS) vì lấy HS làm trung tâm thay vì lấy GV làm trung tâm, và giúp tìm hiểu cái HS cần vì có sự lồng ghép các trò chơi vào khiến HS không bị gò bó với việc học mà các em cảm thấy mình đang chơi rất vui vẻ.
“Với kinh nghiệm 10 năm làm GV, tôi không thấy có khó khăn gì khi thực hiện phương pháo này vì nó hoàn toàn tự nhiên, GV có thể tận dụng các tố chất mình có sẵn như ngôn ngữ cơ thể, cách nói, giọng nói… chứ không nhất thiết phải có thiết bị công nghệ thông tin, các trang thiết bị hiện đại chỉ là hỗ trợ. Chỉ khó khăn ở chỗ GV có muốn đưa nó vào hay không vì phương pháp này đòi hỏi họ phải rất tâm huyết và dành nhiều thời gian chuẩn bị giáo án và đồ dùng cho buổi học,” thầy Long cho biết.
Theo thầy Long, khó khăn khi dạy tiếng Anh tiểu học là phải hiểu tâm lý của trẻ em. Trước đây mình lấy GV làm trung tâm thì mình thích dạy cái gì thì dạy. Mình nghĩ là mình hiểu nên làm như thế HS có thể hiểu được. Nhưng với phương pháp mới, cần tìm hiểu tâm lý của trẻ em ở các độ tuổi khác nhau. Thời gian tập trung của 1 đứa trẻ rất ngắn nên GV cần có các hoạt động ngắn gọn và chuyển hoạt động liên tục để cuốn hút trẻ và làm cho trẻ không chán.
Để có một bài học theo phương pháp mới đòi hỏi thời gian dài trong khi thời lượng tiết học lại rất ngắn nên GV chỉ có thể áp dụng được phần nào, áp dụng với tùy nhóm đối tượng HS.
Thầy cũng cho biết phương pháp học thay đổi đi đôi với sự thay đổi trong cách kiểm tra và đánh giá HS. Theo phương pháp mới, kiểm tra đánh giá nghe nói với HS sẽ chiếm 70%, còn lại đọc viết chỉ chiếm 30%. Tức là HS sau khi học xong tiểu học sẽ có trình độ nghe nói đạt mức nhất định dựa theo tiêu chuẩn của quốc tế.
Bà Hoàng Quý – giảng viên khoa Tiếng Anh Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Phương phạp dạy tiếng Anh mới cho phép HS được tương tác và thực hành kỹ năng nói nhiều hơn. Theo phương pháp truyền thống thì GV phải dùng sách nhiều và dạy từ mới bằng cách dạy các em nói và cho các em nhắc lại. Trong phương pháp mới rất chú trọng tạo ngữ cảnh cho việc sử dụng ngôn ngữ”.
Theo cô Quý, GV gặp một số khó khăn khi áp dụng phương pháp dạy học mới vì họ phải đầu tư nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị tài liệu và nội dung cho buổi học trong khi lượng thời gian thì eo hẹp. Các cô phải thực sự tâm huyết mới có thể thực hiện được. Nhiều cô thì chưa có kỹ năng và điều kiện để sử dụng các phương tiện Công nghệ thông tin để giảng dạy.
“Vì lớp học đông, các cháu có trình độ khác nhau nên các cháu sẽ rất khó tập trung và sẽ rất khó cho GV để soạn bài sao cho phù hợp với tất cả các cháu trong lớp. Nhiều trường chưa có lớp học riêng cho việc học Tiếng Anh, trong khi các cháu học, giao tiếp, chơi trò chơi sẽ tạo tiếng ồn và có thể ảnh hưởng tới lớp bên cạnh. Điều này cần sự thông cảm của các đồng nghiệp xung quanh. Nếu nhà trường có hệ thống Internet thì sẽ rất thuận lợi cho việc dạy và học, tuy nhiên rất nhiều trường chưa có điều kiện này, cô Quý cho biết.
Một cô giáo ở Văn Lâm, Hưng Yên cho biết, cô đã áp dụng phương pháp dạy Tiếng Anh mới cho HS tiểu học ngay từ những tuần đầu tiên cô tham gia khóa đào tạo này.
“Để thực hiện được ý tưởng của buổi dạy, các thầy cô cần sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, phụ huynh và HS. Thay vì HS ngồi nghe cô giảng, bây giờ HS cần không gian để cho các em tham gia các hoạt động và vui chơi. Để thực hiện phương pháp mới, giáo viên cần linh hoạt để thay đổi một số yếu tố để có buổi học thành công. Ví dụ nếu họ không có các thiết bị như đầu quay, đĩa DVD, TV, picture book (sách tranh), thì có thể tự chế các poster, bức tranh, sưu tầm các câu chuyện trên mạng, hay tự vẽ để dạy HS”, giáo viên này nói.