Thạc sĩ Thanh Thủy cho biết, trên thế giới đã và đang có rất nhiều trường phái về việc cho trẻ học sớm như Montesorri (Italia) (hiện nay đã có mặt tai Việt Nam) với tư tưởng chủ đạo hãy giúp con tự làm lấy bằng cách tổ chức các lớp học ghép các bé từ 2 tuổi rưỡi đến 6 tuổi để trẻ tự học và tự dạy lẫn nhau, trẻ học thông qua trải nghiệm thực tế với các học cụ, mô hình mang tính chất khám phá và xây dựng.
Glenn Doman (Mỹ) với quan điểm trẻ 0-3 tuổi, nếu bố mẹ biết giáo dục, bé có thể trở thành thiên tài. Hãy dạy toán, dạy ngôn ngữ, dạy vận động cho trẻ thông qua các thẻ, đằng trước là hình ảnh, đằng sau là từ, và tráo đổi thẻ liên tục. Các trường học theo phương pháp Glenn Doman cũng đã xuất hiện tại Việt Nam.
Các quan điểm của Masura Ibuka và Shichida (cùng của Nhật Bản): không đứa trẻ nào sinh ra đã là thần đồng, cũng không đứa trẻ nào sinh ra ngốc nghếch. Tất cả phụ thuộc vào những kích thích thúc đẩy phát triển và sự phát triển của não bộ trong những năm tháng quyết định, đó là 3 năm đầu tiên. Cả hai quan điểm đều coi trọng sự gắn bó giữa cha mẹ và trẻ, trẻ phải được kích thích phát triển tất cả 5 giác quan, trẻ học qua hình ảnh.
Quan điểm của Nhikintan (Nga, xuất phát từ kinh nghiệm nuôi dạy 7 đứa con) cũng đề cao tầm quan trọng của cha mẹ trong việc giáo dục con. Nguyên tắc cơ bản: cha mẹ phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ, để trẻ tự do sáng tạo trên giờ học.
Và đa số các phương pháp dạy trẻ ở trên (trừ phương pháp Montesorri) đều khó áp dụng trong trường học, vì thế, việc dạy trẻ chủ yếu là do cha mẹ.
Ngay tại Việt Nam, ông cha ta cũng từng nói: “Dạy con từ thủa còn thơ” – Dạy con không bao giờ là quá sớm. Các cụ vốn ngắn gọn nhưng nếu phân tích kỹ thì rõ ràng cũng cùng chung quan điểm phải dạy con từ bé như bất kỳ trường phái nào trên thế giới. Từ 0 đến 6 tuổi, các bé không cần học những điều cao siêu, chỉ cần học đủ 4 điều: ăn – nói – gói – mở với người dạy là bố mẹ ở ngay tại nhà.
Tại sao bây giờ rất nhiều ông bố bà mẹ than phiền con biếng ăn, bởi vì bố mẹ đã không dạy con cách ăn ngay từ khi con còn bé. Theo thạc sĩ Thanh Thủy, ngay từ khi bé mới 6, 7 tháng tuổi, bố mẹ đã có thể cho bé tập xúc ăn. Ban đầu, đương nhiên bé xúc ngượng tay, thức ăn rơi trên đường đến miệng, bé có thể chọc thìa vào má vào cằm, nhưng sau nhiều lần sai, bé sẽ rút được kinh nghiệm và biết làm cách nào để có thể ăn. Nhiều bố mẹ sợ con làm bẩn, không dám cho con cầm thìa xúc ăn, cứ tự làm khổ mình đút cho con, đến 5, 6 tuổi vẫn còn đút cho con.
Bé học ăn cũng là bé học nhai: khi bé có hai răng cửa, bố mẹ đã phải cho bé tập gặm; bé có 4 răng phải cho bé tập ăn thức ăn giòn; bé có răng hàm, phải cho bé tập nhai rau thịt. Phải được nhai thì vùng vị giác hai bên lưỡi của bé mới được phát triển, bé mới có cảm giác thèm ăn.
Thức ăn của trẻ cũng cần thay đổi để phù hợp với sự phát triển của trẻ, không phải về lượng mà là về chất, không phải 6 tháng thì ăn một chén bột, 1 tuổi thì ăn 2 chén bột. Mà từ 0-6 tháng, bé ăn sữa hoàn toàn, 6 tháng bắt đầu ăn bột, 1 tuổi ăn cháo, 2 tuổi ăn cơm nát….
Cảnh tượng một đứa trẻ ăn cả nhà làm hề xung quanh không hề hiếm tại Việt Nam, nhưng thực tế, đứa trẻ đâu có thích hình ảnh ông bà nó gây cười. Con biếng ăn bởi người lớn đã không biết cách cho bé học ăn. Bé học ăn không chỉ đơn thuần là học ăn, mà qua việc tập xúc ăn, bé có thể phát triển sự khéo léo của đôi bàn tay.
Cũng như vậy, việc học nói của bé cần được bắt đầu ngay khi bé mới chào đời. Nếu đến 6 tháng tuổi mà bố mẹ không thấy bé có phản ứng ọ ẹ thì cần phải đưa bé đi khám bác sĩ. Trình độ ngôn ngữ của trẻ phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động giao tiếp của người lớn với trẻ: 12 tuần tuổi: Cười khi người khác nói chuyên với mình, phát ra âm thanh “ê…a”; 16 tuần: Quay đầu về phía giọng nói phát ra; 6 tháng tuổi: Từ âm thanh “ê a” chuyển sang nói bập bẹ; 8 tháng tuổi: Phát âm lặp đi lặp lại các âm tiết như “ma ma”, “ba ba”… Để giúp trẻ phát triển khả năng sử dụng ngôn từ, cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện, giao tiếp với trẻ. Từ 2 đến 4 tuổi, bố mẹ có thể dạy trẻ phát triển ngôn ngữ qua phản xạ, tình huống, nói liên tục.
Trong kho tàng văn hóa Việt Nam có rất nhiều bài đồng dao, bài hát ru cho trẻ. Trẻ ngày xưa ở nhà cùng ông bà, ông bà nói nhiều, nựng nhiều, gia đình lại có đông anh chị em nên chuyện trẻ tự kỷ chậm nói gần như không có. Ngày nay, bố mẹ đi làm, để trẻ ở nhà với người giúp việc, trẻ học theo giọng nói của người giúp việc, người giúp việc không nói, trẻ cũng lặng im, người giúp việc xem ti vi, trẻ dán mắt vào ti vi. Bố mẹ đi làm cả ngày, về nhà mệt mỏi cũng không nói chuyện nhiều với trẻ. Vì thế trẻ đã mất cơ hội học nói.
Bé học gói học mở cũng chính là học vận động. Gói mở phải dùng đến cánh tay, bàn tay, ngón tay… giúp tay được vận động, được co giãn. Rất nhiều trò chơi dân gian như chi chi chành chành, nu na nu nống… đều giúp bé phát triển vận động. Học gói học mở cũng là học cách tư duy, bé phải xếp gọn thì gói mới đẹp. Ban đầu bé cần phải biết phân biết màu sắc, cao thấp, nặng nhẹ…
Và bố mẹ phải nhớ, với độ tuổi 0-6, bé học qua chơi: Học qua các trò chơi đóng vai, học qua các câu chuyện kể. Bé học trên nền cảm xúc tích cực: thích thì học, vui thì học, bé chưa có khái niệm “phải học” trong đầu – bố mẹ không hiểu điểu này nên nhiều khi đánh mắng con lúc con không làm theo hướng dẫn của mình. Bé học qua các giác quan: xem, nghe, sờ, ngửi, nếm. Trong đó xúc giác chiếm vị trí quan trọng thứ hai chỉ sau thị giác. Và trẻ học qua việc được tự tay làm. Về nguyên tắc trẻ phải được làm thì mới làm được.
Bố mẹ dạy con phải toàn tâm toàn ý, không để công việc hay những vấn đề khác chen ngang khi đang nói chuyện hay vui chơi cùng con. Thời gian bố mẹ dành cho con càng ít thì càng phải chất lượng.
“Bé không có lỗi trong mọi thói hư tật xấu của mình, mà lỗi chính là do bố mẹ đã không biết dạy con”, vì thế khi thấy bé có cư xử gì đó không bình thường thì chính bố mẹ phải tự xem lại hành động của mình” chuyên gia mầm non kết luận.