Cai sữa là bước ngoặt lớn của cả bé và mẹ. Để thành công trong sự kiện trọng đại này, em đã phải cực kì nỗ lực
Cho con ti mẹ đối với bất cứ người phụ nữ nào luôn là một điều vô cùng thiêng liêng, một trải nghiệm vô giá của cuộc đời. Do đó ngay từ khi Nhím mới sinh, em đã cho con ti mẹ mà không chọn phương án vắt sữa hay ti bình. Được ngắm con bé bỏng trong vòng tay mình chớp chớp đôi mắt tròn xoe trong vắt, cảm nhận dòng sữa mẹ đang nuôi dưỡng con từng ngày là em cảm thấy mãn nguyện, hạnh phúc vô cùng.
Nhím cũng coi ti mẹ là thói quen, niềm vui và là cả “liệu pháp tinh thần” của bé. Lúc bé cáu, bé ốm, bé sợ, bé đến nhà người lạ cảm thấy bất an… bất cứ khi nào thấy khó chịu trong người, con đều tìm đến ti mẹ như một “cứu cánh” không thể thay thế được. Vậy nên ở nhà với con 1 năm, 1 năm trời Nhím ti mẹ cũng là một năm em chưa biết đến khái niệm ngủ một mạch cả đêm vì Nhím thi thoảng lại rúc một lần.
Trong khi nhiều bạn bè sinh cùng đợt với em đã quay trở lại đi làm, lấy được phom dáng sắc vóc như thời con gái thì em vẫn không thể đi ra khỏi nhà quá 3 tiếng đồng hồ, chiếc áo sơ mi xộc xệch chưa kịp cài cúc đã phải cởi ra vì con đòi “tu ti”. Gia đình, bạn bè ai cũng nhìn em đầy ái ngại vì thấy Nhím quá bện hơi mẹ.
Và rồi cũng đến ngày Nhím thôi nôi, em quay trở lại đi làm và quyết tâm sẽ cai sữa cho con. Đây là quả là một quá trình “đẫm nước mắt” và hết sức khó khăn, nhất là đối với những “ca nghiện” ti mẹ như Nhím nhà em. Tuy nhiên, với nỗ lực của mình, em cũng đã cai sữa thành công. Em xin chia sẻ với các mẹ phương pháp cai sữa cho con của bản thân:
Cho con làm quen với núm bình và sữa công thức
Theo lời tư vấn của những chị em đi trước, em áp dụng chiến thuật cai sữa dần dần cho Nhím. Song song với chế độ ăn dặm đầy đủ dưỡng chất, em cho con bổ sung sữa ngoài ngày 1 lần rồi tăng dần cữ lên 2 – 3 bữa mỗi ngày. Trẻ quen ti mẹ thường rất ghét ti bình, em đã phải đổi rất nhiều loại núm ti cho Nhím đến khi con chịu mới thôi. Quá trình này quả không đơn giản. Những ngày đầu không thấy ti mẹ, con dứt khoát không ngậm bình. Nhìn con khóc đỏ cả mặt vì đói mà đưa bình vào miệng thì nhè ra, em xót con vô cùng. Đã nhiều lần chỉ muốn bỏ cuộc. Một bữa, hai bữa bỏ ăn, Nhím mệt lả đi, lúc này, em nhẹ nhàng đưa bình vào cho con. Mừng rỡ thay, con bỗng theo phản xạ rồi mút chùn chụt. Vậy là, bước đầu cho bé làm quen với “người bạn mới” đã phần nào thành công.
Làm sao để trẻ chán ti mẹ?
Cần phải nói, ban đầu kể cả khi vừa ăn sữa ngoài xong, con vẫn có xu hướng tìm ti mẹ. Lúc này, chị em có thể thử một vài mẹo nhỏ dân gian của các bà các mẹ ngày xưa giúp bé chán ti mẹ. Bôi dầu, berberin có vị đắng hoặc những thực phẩm bé ghét đều là những gợi ý tốt. Như với Nhím, con rất ghét ăn vị chua. Vậy nên em đã thử bôi một chút nước chanh vào đầu ti. Quả nhiên khi ngậm Nhím rất cáu, bé khóc và bực tức hét ầm ĩ. Lúc này, mẹ cần dỗ dành cho bé nín khóc, phân tán tư tưởng của con bằng những bài hát, những món đồ chơi hay những cái vỗ lưng âu yếm. Dần dần, con sẽ chán ti và không còn quá phụ thuộc vào mẹ nữa.
Tách con để tránh bện hơi mẹ
Trẻ bện hơi mẹ sẽ khó có thể cai sữa thành công. Song song với việc giảm thời lượng cho con bú, em quyết định gửi Nhím cho ông bà nhiều hơn. Trước em là người bế và chăm Nhím chủ đạo, nhưng giờ em chỉ ở với Nhím buổi chiều, và buổi tối. Những công việc như cho Nhím ăn, tắm cho Nhím em nhờ bà nội và cô giúp việc. Làm như vậy, Nhím sẽ quen với việc không có mẹ và ít bám mẹ hơn, tình cảm cũng như sự tập trung của bé sẽ được chia sẻ với các thành viên khác trong gia đình.
Một phương pháp nữa cũng hiệu quả không kém, đó là tách hẳn con trong thời gian dài. Suốt hơn 1 tháng em duy trì chế độ như trước kia cho Nhím, con vẫn rất bám mẹ. Để giúp Nhím cai hẳn sữa mẹ, em quyết đinh gửi Nhím ở với ông bà nội và bố, còn em chuyển về nhà ngoại. Có thể các chị em sẽ ái ngại vì sao mẹ lại “mặt lạnh” với con thế. Tuy nhiên, nếu không thực sự dứt khoát, con có thể sẽ không bỏ được tật ham ti này.
Đây là khoảng thời gian rất gian nan đối với em, vì nỗi nhớ con giằng xéo trong lòng. 5 ngày nghe có vẻ là ít nhưng với người mẹ xa con thì dài vô cùng. Sữa về căng tức nhưng lại không được cho con bú, em sốt đến tức ngực, chỉ biết hút sữa bỏ đi. Về phần Nhím, con khóc đòi mẹ ngằn ngặt. Thôi thì đủ kiểu nhảy múa, bồng bế, hết đi chơi rồi xem quảng cáo rồi ngắm phố xá mà bé vẫn không lúc nào ngớt mếu máo.
Mẹ chắc hẳn đều biết, tuy trẻ quen chơi với mọi người nhiều nhưng đã là con thì lúc nào cũng muốn bên mẹ. Vậy nhưng, ai rồi cũng có lúc phải lớn, chẳng thể mãi là bé con rúc trong lòng mẹ. Mỗi ngày trôi qua, sữa mẹ ít dần di cũng là lúc Nhím bắt đầu làm quen và ổn định với những cữ sữa công thức. Em mừng và cám ơn chồng cùng bà nội, ngoại nhiều lắm.
Cai sữa là một bước ngoặt quan trọng trong giai đoạn phát triển của trẻ, giúp bé tự lập hơn, có những giấc ngủ ngon liền mạch ban đêm để phát triển hoàn thiện. Dù đây quá trình vất vả và thực sự cả hai mẹ con em đã tốn rất nhiều nước mắt bởi con thì nhớ mẹ, mẹ cũng nhớ con không kém, con khóc đòi ti mà mẹ lại căng sữa phát sốt. Tuy vậy, bất cứ bà mẹ và em bé nào cũng phải đối diện với thời kì cai sữa đầy “cam go” này. Các mẹ cần quyết tâm, mạnh mẽ và cương quyết.
Em chúc các mẹ thành công và nuôi dạy con khỏe mạnh!