Mang trong mình một sinh linh bé bỏng là khao khát của nhiều chị em phụ nữ, nhưng thực tế trớ trêu không ít chị em dù có cố vẫn không thể đạt được thiên chức cao cả này, mà nguyên nhân có thể do người chồng hoặc do bệnh lý ở cơ quan sinh sản của người vợ. Khi đó, các phương pháp hỗ trợ sinh sản nhân tạo sẽ trở thành “vị cứu tinh” đầy hy vọng.
Tuy nhiên, dù các phương pháp hỗ trợ sinh sản mang đến nhiều cơ hội thụ thai cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, nhưng những hiểu biết về kỹ thuật thực hiện cũng như cách sinh hoạt, ăn uống như thế nào để đạt hiệu quả cao sau khi tiến hành thì không phải chị em nào cũng hiểu rõ. Hiểu biết về các phương pháp này sẽ giúp vợ chồng chuẩn bị tinh thần tốt nhất, nhờ đó góp phần tăng cơ hội thành công sau khi thực hiện.
Thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm
Là hai phương pháp hỗ trợ sinh sản phổ biến hiện nay, tuy nhiên thụ tinh nhân tạo (IUI) có hiệu quả thấp hơn so với thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), bù lại, chi phí thực hiện cũng thấp hơn. Trong phương pháp IUI, tinh trùng người chồng được làm sạch, sau đó được bơm trực tiếp vào tử cung của người vợ thông qua một ống thông, kết hợp với việc người vợ phải uống thuốc hỗ trợ khả năng sinh sản. Đây là phương pháp thích hợp cho những cặp vợ chồng mà người vợ có khả năng sinh sản bình thường, nhưng người chồng lại có tinh trùng chất lượng thấp hoặc di chuyển chậm. Tỷ lệ thành công của IUI không cao, chỉ từ 5 – 25%.
Trong khi đó, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là phương pháp điều trị hiếm muộn cho những cặp vợ chồng thực sự không thể thụ thai một cách tự nhiên. IVF được tiến hành như sau: bác sĩ sẽ lấy trứng của người vợ ra và cho kết hợp với tinh trùng trong phòng thí nghiệm (trong ống nghiệm). Sau khi sự thụ tinh xảy ra, phôi được chuyển vào tử cung của người vợ để mang thai như mọi ca mang thai bình thường khác. Đây là phương pháp có xác xuất thành công khá cao, từ 28 – 75%, rất có ích cho những phụ nữ bị tắc vòi trứng, bị lạc nội mạc tử cung nặng, có vấn đề về miễn dịch, vô sinh không rõ nguyên nhân và cho những phụ nữ không sản xuất được trứng khỏe.
Ngoài ra, còn có các phương pháp điều trị hiếm muộn khác như dùng thuốc hỗ trợ sinh sản dành cho phụ nữ có vấn đề về rụng trứng, với tỷ lệ thành công từ 20 – 60%; tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) tương tự IVF, nhưng chỉ có một tinh trùng được chọn để tiêm vào trứng trong ống nghiệm, tỷ lệ thành công của ICSI là khoảng 30 – 35%…
Các rủi ro có thể gặp
Thụ tinh nhân tạo (IUI) và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có thể gây ra nhiều rủi ro cho người phụ nữ như chảy máu âm đạo, đau trong âm đạo, đa thai, nhiễm trùng, hội chứng buồn trứng đa nang…. Trong khi đó, phương pháp dùng thuốc hỗ trợ sinh sản lại có nguy cơ gây đa thai, hội chứng buồng trứng đa nang; tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) lại có thể gây ra các biến chứng như hội chứng quá phát buồng trứng do dùng hormone kích thích, tăng huyết áp, phù, mệt mỏi…
Nhìn chung, dù đây là các phương pháp tiên tiến mang lại niềm hy vọng và lạc quan cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, nhưng cũng có những cảnh báo như ngay khi thụ thai thành công, việc mang thai do sử dụng các phương pháp này cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ cao hơn bình thường như tỷ lệ sẩy thai cao khoảng 25%, tỷ lệ có thai ngoài tử cung khoảng 4%, biến chứng khoảng 15%, tỷ lệ thai phụ phải sinh non đến 20%, tỷ lệ mổ lấy thai khoảng 15% và tỷ lệ đa thai khoảng 15%. Do đó nếu may mắn thụ tinh sau khi tiến hành các phương pháp điều trị hiếm muộn, chị em cần phải có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, tuân thủ chặt chẽ lịch thăm khám và các chỉ định của bác sĩ… để tránh tối đa các rủi ro có thể xảy ra.
Tỷ lệ đậu thai phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Tùy theo từng phương pháp hỗ trợ sinh sản mà tỷ lệ thành công sẽ rất khác nhau. Thông thường, với thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), những yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công gồm có tuổi tác, cơ địa, sự tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị, chế độ chăm sóc bản thân khi điều trị, chất lượng phôi chuyển, chất lượng của niêm mạc tử cung, các phác đồ kích thích buồng trứng, hoạt động của labo thụ tinh ống nghiệm…Ngoài ra, việc đậu thai còn phụ thuộc vào việc người vợ có các bệnh lý về sinh dục, tử cung, tỷ lệ nạo phá thai nhiều lần… sẽ có tỷ lệ thành công thấp. Số lượng, chất lượng tinh trùng ở người chồng cũng ảnh hưởng đến thành công của phương pháp này.
Đặc biệt, yếu tố tuổi tác của người phụ nữ khi thực hiện các phương pháp điều trị hiếm muộn cũng tác động lớn đến tỷ lệ đậu thai. Ở phụ nữ 20 – 30 tuổi, tỷ lệ thành công đến 40 – 50%, khi lên đến 30 – 40 tuổi tỷ lệ này còn khoảng 30 – 40% và nếu điều trị hiếm muộn quá trễ, khi đã trên 40 tuổi thì tỷ lệ đậu thai sẽ tỷ lệ nghịch với con số thành công khoảng chừng hơn 10%… Nguyên nhân tuổi tác ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu thai là do càng lớn tuổi, chất lượng trứng càng giảm, số lượng trứng tốt chỉ có 1 chu kỳ; đồng thời sự tiếp nhận của môi trường tử cung cho phép trứng đã thụ tinh làm tổ cũng giảm theo tuổi… Do đó, nếu phát hiện tình trạng hiếm muộn và có khả năng tham gia phương pháp hỗ trợ sinh sản, các cặp vợ chồng nên tiến hành sớm. Theo ý kiến của các chuyên gia, tất cả các cách điều trị vô sinh có nhiều cơ may thành công hơn ở những cặp vợ chồng dưới 30 tuổi.
Chuẩn bị gì trước khi điều trị hiếm muộn?
Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu thai sau khi tiến hành các phương pháp trị hiếm muộn là tâm lý của các cặp vợ chồng. Nên duy trì tâm lý thoải mái, nhẹ nhàng, tránh quá căng thẳng, lo lắng và áp lực, vì những yếu tố tâm lý không tích cực có thể làm rối loạn nội tiết tố ảnh hưởng đến cơ hội có thai. Ngoài ra nếu người vợ bị béo phì hoặc tăng cân quá mức cần phải cố gắng giảm cân vì mập quá sẽ gây trở ngại cho việc rụng trứng. Một nghiên cứu cho thấy trong 13 phụ nữ gầy đi 6 kg thì có 12 người có rụng trứng, và 11 trong 12 người đó đã thụ thai. Bên cạnh đó cần kết hợp với việc uống bổ sung axit folic khoảng 0,4 mg mỗi ngày, tăng hàm lượng chất dinh dưỡng trong chế độ ăn và thường xuyên tập luyện thể dục.
Với người chồng, chất lượng tinh trùng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên thành công cho một ca điều trị hiếm muộn. Vì vậy, ngoài việc thường xuyên rèn luyện cơ thể, cần hạn chế tối đa hoặc dừng hẳn việc uống rượu bia, hút thuốc, đồng thời không xuất tinh trước 2 -7 ngày chọc hút trứng để giúp tinh trùng có chất lượng tối ưu.
Các loại thuốc dùng trước quá trình điều trị cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến chất lượng thụ tinh, như thuốc chứa sulfasalazine hay nitrofurantoine làm giảm số lượng tinh trùng, tetracycline làm giảm sự di động tinh trùng, colchicine làm giảm sức mạnh thụ tinh của tinh trùng, thuốc chống viêm không steroid ảnh hưởng nang trứng, hóa trị liệu làm suy giảm buồng trứng…
Một lưu ý cũng rất quan trọng trong việc chuẩn bị tham gia điều trị hiếm muộn là cần chuẩn bị kỹ về thời gian và chi phí điều trị. Thông thường, tổng chi phí cho một ca thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện tại Việt Nam vào khoảng 55 – 60 triệu đồng.
Tăng cơ hội thụ thai sau điều trị
Với người vợ, việc nghỉ ngơi ngay sau điều trị hiếm muộn chiếm vị trí hết sức quan trọng. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Y khoa Học thuật (Hà Lan) theo dõi đánh giá 199 phụ nữ nằm ngửa 15 phút sau bơm tinh trùng và 192 phụ nữ đứng dậy, đi lại ngay sau thủ thuật đã cho ra kết quả là hơn 1/4 (chiếm 27%) số phụ nữ nằm ngửa nghỉ ngơi sau bơm đã có thai, trong khi tỷ lệ này chỉ là 17% ở người đi lại vận động sau khi bơm. Mặc dù nghiên cứu mới được thực hiện trên phạm vi nhỏ nhưng các nhà khoa học cũng đã gợi ý cho chị em nên nằm ngửa khoảng 10 – 15 phút sau bơm tinh trùng để làm tăng tỷ lệ thụ thai.
Sau khi thực hiện thủ thuật điều trị hiếm muộn, chị em cũng nên chọn chế độ ăn nhiều chất béo không bão hòa sẽ giúp nhân 3 cơ hội thành công. Đây là kết quả nghiên cứu dựa trên sự theo dõi 147 phụ nữ đang điều trị theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm do Trung tâm Sinh sản Bệnh viện Massachusetts (Mỹ) tiến hành. Theo đó, các nhà nghiên cứu nhận thấy chất béo không bão hòa dạng đơn thể trong dầu ôliu, dầu hướng dương, dầu quả hạch, quả bơ tươi, các loại hạt ngũ cốc, các loại cá… tốt hơn so với bất kỳ loại chất béo nào dành cho người sẽ làm mẹ. Bên cạnh đó, cũng tránh ăn các loại thức ăn chứa nhiều chất béo bão hòa như bơ (làm từ sữa), thịt đỏ… vì sẽ “sản xuất” ít trứng tốt để thụ tinh nhân tạo.
Việc sắp xếp cộng việc ở chị em để có thể theo đuổi phác đồ điều trị cũng rất quan trọng, vì đây là lúc cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về thời gian thực hiện. Đồng thời tránh tiêm thuốc kích thích trứng và trưởng thành noãn tại nhà trong quá trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, vì có thể dẫn đến nhiều sai lầm khiến cả quá trình thụ tinh “xôi hỏng bỏng không”.