Các bậc cha mẹ thường nghĩ rằng, trong gia đình anh chị em bắt nạt nhau là điều vô hại. Tuy nhiên, theo kết quả của những nghiên cứu mới đây cho thấy phụ huynh đã sai lầm.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học New Hampshire (Mỹ) tiến hành hơn 3.500 cuộc phỏng vấn qua điện thoại với các thiếu niên, nhi đồng (cùng phụ huynh hoặc bảo mẫu nếu đứa trẻ dưới 10 tuổi) để xem liệu những đứa trẻ đã từng trải qua việc bị đánh đập, đòi đồ hay bị chế nhạo, tẩy chay… hay chưa.
Rõ ràng, trẻ em cũng chịu những tổn thất về tinh thần khi bị anh chị em ruột bắt nạt, đánh đòn hay trêu chọc. Một cú đánh nhẹ cũng có thể gây nhiều tác hại, khiến nạn nhân đau khổ nhiều hơn so với khi bị một người ngoài bắt nạt. Càng nhỏ tuổi, các em càng dễ bị tổn thương tinh thần do bị bắt nạt. Trẻ dưới 9 tuổi chịu tổn thất về tinh thần nặng nề hơn những đứa 10-17 tuổi.
Trẻ em ở tất cả các nhóm tuổi, thậm chí khi không chịu toàn bộ những hành vi bắt nạt của các anh chị em ruột, vẫn bị ảnh hưởng nhất định. “Trẻ chỉ bị anh chị em ruột của mình đánh hoặc chế giễu cũng phải chịu nỗi đau về tinh thần lớn hơn những em bé không bao giờ bị anh chị em ruột bắt nạt”, Corinna Tucker (Đại học New Hampshire), tác giả của nhóm nghiên cứu cho biết. “Đã có rất nhiều biện pháp được thực hiện để ngăn chặn sự bắt nạt trong những đứa trẻ cùng lớp, cùng trường, cùng nhóm chơi… với nhau nhưng dường như chưa ai để ý đến sự bạo hành giữa các anh chị em ruột”.
Tiến sĩ Robin Mallett, một bác sĩ tâm thần trẻ em và vị thành niên của Đại học Texas Medical Branch (UTMB), Mỹ, cho rằng nghiên cứu này “giúp mọi người hiểu hơn về một loại hình ngược đãi mà nhiều người vẫn tưởng nó là một phần bình thường trong sự trưởng thành của trẻ”. Bình thường, phản ứng của cha mẹ khi con cái bị một đứa trẻ bên ngoài bắt nạt hoàn toàn khác khi bé bị chính các anh chị em ruột của mình bắt nạt. Điều này có thể gây những tổn thương tinh thần cho chính em bé bị bắt nạt.
Bố mẹ có thể làm gì để ngăn chặn tình trạng bắt nạt nhau giữa các anh chị em ruột? Bản thân việc nhận thức được hậu quả của vấn đề này đã là một bước tiến quan trọng. Mallet khuyên phụ huynh nên “có cách giám sát trẻ phù hợp và nói với chúng việc bắt nạt người khác là không được chấp nhận, đồng thời cũng không để người khác – kể cả là anh chị em ruột bắt nạt. Bố mẹ sẽ luôn sẵn sàng để giải quyết những sự việc nghiêm trọng như thế này. Dưới đây là những việc bố mẹ cần làm ngay để ngăn chặn tình trạng bắt nạt giữa các con với nhau:
- Thiết lập những giá trị và quy tắc trong gia đình: Không chấp nhận sự bắt nạt.
- Bản thân bố mẹ cũng không có những hành xử hung hăng, côn đồ, đặc biệt là trước mặt bọn trẻ.
- Đánh giá cao những biểu hiện tich cực và lòng tốt giữa các anh chị em.
- Ghi nhận và khen ngợi những đặc điểm cá nhân của mỗi đứa trẻ.
- Không thể hiện thái độ thiên vị hay phân biệt yêu quý ai hơn trong số các con của mình.
- Dành thời gian để xây dựng lòng tự trọng của mỗi đứa trẻ.
- Cho trẻ thời gian “nghỉ giải lao” trong các cuộc xung đột giữa anh chị em với nhau để xoa dịu tình huống.
Mallett nói thêm rằng cha mẹ không nên trì hoãn việc đưa trẻ đi bắt nạt và bị bắt nạt đến các bác sĩ nhi khoa cũng như các bác sĩ tâm lý nhi để hiểu hơn những mong muốn và nhu cầu của trẻ. Điều này sẽ có ích cho tất cả những đứa con của bạn.