Hỏi: Con tôi 18 tháng, bác sỹ chẩn đoán cháu bị VA mạn cần phải nạo. Vậy VA là gì, vì sao phải nạo?
Trả lời: VA là từ gọi tắt của Vegetation adenoid có nghĩa là sùi vòm họng. Chứng bệnh này liên quan đến mô bạch huyết của vùng mũi họng.
Bình thường mọi trẻ đều có VA ngay từ khi sinh ra, phát triển ở khoảng 2-5 tuổi, sau đó teo dần và mất đi. Nếu VA bị viêm thường xuyên thì sẽ tồn tại đến khi trẻ lớn.
VA là tổ chức sùi, có nhiều khe kẽ, nằm ngay ở cửa lỗ mũi sau xuống họng nên dễ bị viêm. Viêm VA cấp thường gặp ở trẻ nhỏ tái phát luôn nên còn được gọi là viêm mũi họng tái phát thường xuyên.
Triệu chứng nổi bật là trẻ thở bằng mồm nhất là khi nằm ngửa, chảy nước mũi dai dẳng, mũi đặc xanh. Khi VA phì đại nhiều, trẻ thường khó thở cả ngày, phải thở bằng mồm nên niêm mạc miệng và môi khô. Trẻ không thở được bằng mũi nên không khí không được sưởi ấm và làm ẩm nên thanh quản luôn bị kích thích.
Nếu bị viêm mạn tính tái phát luôn thì trẻ sẽ bị nghẹt mũi. Những trẻ này thường có dịch mũi chảy thò lò, trẻ ngủ ngáy to và hay giật mình, khi ăn dễ bị sặc hay trớ, thậm chí bị nhiều đợt viêm tai giữa làm trẻ nghe kém do bán tắc hay tắc hoàn toàn vòi Eustachi.
Một biến chứng của VA là bộ mặt VA xuất hiện khi VA quá to và viêm kéo dài (với mũi hếch, gãy, môi dày, luôn hở miệng, hàm trên vẩu, hàm dưới lẹm, hàm ếch lõm cao lên trên).
Vì vậy nếu trẻ bị viêm VA tái phát nhiều lần trong năm ảnh hưởng tới sức khỏe thì nên cho trẻ nạo VA. Đây là một thủ thuật tương đối đơn giản, nhanh, có hiệu quả, được coi là biện pháp vừa điều trị (nạo bỏ hết tổ chức VA) vừa phòng bệnh (tránh các biến chứng do VA gây ra).
Theo BS. Phạm Thị Thục – Sức khỏe 360